Làm thế nào để thiết kế một thành phố dành riêng cho phụ nữ?

Những nhà quản lý thành phố sẽ phải tạo ra luật, quy định, quy tắc mang lại lợi ích cho nam giới và nữ giới một cách bình đẳng.

Năm 1990, một viên chức ở Vienna, Áo hỏi những người dân ở quận chín trong thành phố về mức độ thường xuyên và lý do tại sao họ lại sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Ursula Bauer, một thành viên trong hội đồng quản lý thành phố tham gia nhiệm vụ thực hiện việc khảo sát, cho biết: “Phần lớn nam giới không cần nhiều hơn năm phút để điền hết các câu hỏi trong trong bảng thăm dò ý kiến. Nhưng nữ giới thì viết không ngừng nghỉ.”

Phần lớn những người đàn ông cho biết họ hoặc là sử dụng xe hơi, hoặc là di chuyển bằng các phương tiện công cộng hai lần trong một ngày, để đi làm vào buổi sáng và về nhà khi chiều tối. Ngược lại, phụ nữ sử dụng mạng lưới giao thông như vỉa hè, các tuyến xe buýt, tàu điện ngầm hoặc xe điện thường xuyên hơn và với vô vàn các lý do khác nhau.

“Cách di chuyển của phụ nữ thường đa dạng hơn,” Bauer nhớ lại. “Họ thường viết những điều như, ‘Tôi đưa con đến gặp bác sĩ, rồi đưa chúng đến trường trước khi đi làm. Sau đó, tôi giúp mẹ mua đồ và đưa lũ trẻ về nhà bằng tàu điện.'”

Phụ nữ sử dụng các phương tiện công công thường xuyên hơn và đi bộ nhiều hơn so với đàn ông. Họ cũng thường phân chia thời gian của mình giữa việc đi làm và thực hiện những trách nhiệm trong gia đình ví dụ như chăm sóc trẻ em và ông bà. Nhận thấy điều này, những nhà quy hoạch đô thị đã dự thảo một kế hoạch để cải thiện khả năng di chuyển cho những người đi bộ và khả năng tiếp cận các phương tiện công cộng của họ.

Hệ thống chiếu sáng được lắp thêm để giúp việc đi bộ vào ban đêm an toàn hơn cho phụ nữ. Vỉa hè được nới rộng để người đi bộ có thể di chuyển trên những con phố hẹp. Và tại nút giao thông chính, một bậc thang lớn với lối đi dốc ở giữa được xây dựng để việc di chuyển có thể dễ dàng hơn đối với những người dùng xe đẩy, những người cần khung tập đi hoặc những người đi xe lăn.

Quyết định khảo sát về cách đàn ông và phụ nữ sử dụng hệ thống giao thông công cộng không phải là ngẫu nhiên. Đây là một phần của một dự án có mục đích đưa yếu tố giới vào việc xây dựng những chính sách công. Ở Vienna, dự án này được gọi là lồng ghép giới.

Lồng ghép giới đã diễn ra ở thủ đô nước Áo từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Trong thực tế, lồng ghép giới có nghĩa là những nhà quản lý thành phố sẽ phải tạo ra luật, quy định, quy tắc mang lại lợi ích cho nam giới và nữ giới một cách bình đẳng. Mục đích là để mang lại cơ hội ngang bằng trong việc tiếp cận nguồn tài nguyên của thành phố. Và đến nay, quan chức cho biết kế hoạch này đang phát huy tác dụng.

Vienna đã áp dụng chương trình lồng ghép giới ở một số phương diện quản lý thành phố, bao gồm giáo dục và chính sách chăm sóc sức khỏe nhưng quy hoạch đô thị là lĩnh vực mà chương trình mang lại tầm ảnh hưởng lớn nhất.

Cho đến nay đã có hơn sáu mươi dự án thử nghiệm được thực hiện. Vì kích cỡ và quy mô của những dự án tăng lên, việc lồng ghép giới đã trở thành động lực định hình lại thành phố một cách thật sự.

• • • • •

Những nhà quy hoạch đô thị đã kết hợp vấn đề lồng ghép giới vào việc thiết kế thành phố Vienna được hai thập kỷ và họ đã phát triển nó như một ngành khoa học. Trước khi một dự án bắt đầu, dữ liệu được thu thập để xác định cách những nhóm người khác nhau sử dụng không gian công cộng.

“Có nhiều câu hỏi cần được đặt ra,” Eva Kail cho biết. Kail là một người quan trọng trong việc đưa lồng ghép giới đến Vienna và hiện tại đang làm việc với tư cách chuyên gia về giới trong hội đồng quy hoạch thành phố.

“Bạn cần phải biết những người nào đang sử dụng không gian công cộng, số lượng người sử dụng, và mục đích của họ là gì. Một khi bạn đã phân tích được cách sử dụng không gian công cộng, bạn sẽ bắt đầu xác định được nhu cầu và mối quan tâm của những người đang sử dụng nó,” bà giải thích. “Sau đó việc xây dựng kế hoạch có thể được dùng để thực hiện những nhu cầu đó.”

Quá trình lồng ghép giới bắt đầu tại Vienna vào năm 1991 khi Kail và một nhóm các nhà quy hoạch đô thị tổ chức một buổi triển lãm ảnh mang tên “Ai sở hữu không gian công cộng – Cuộc sống thường nhật của Phụ nữ trong thành phố.”

Buổi triển lãm miêu tả những thói quen thường ngày của một nhóm phụ nữ từ nhiều thành phần khác nhau khi sống tại thủ đô nước Áo. Mỗi người phụ nữ đi theo một tuyến đường khác nhau trong thành phố. Nhưng những hình ảnh cho thấy rõ ràng rằng sự an toàn và tiện lợi trong việc đi lại là ưu tiên của tất cả bọn họ.

Nó đã tạo nên một cơn chấn động trên các phương tiện truyền thông. “Báo chí, truyền hình và đài phát thanh đều đưa tin về buổi triển lãm và đã có 4000 người đến tham dự,” Kail nói. “Vào thời điểm đó, nó là một điều hoàn toàn mới mẻ. Nhưng những chính trị gia đã nhanh chóng nhận ra đây là điều mọi người quan tâm và họ quyết định sẽ hỗ trợ ý tưởng này.”

Không lâu sau, thành phố đã cho phép một chuỗi các dự án thử nghiệm lồng ghép giới. Một trong những hạng mục đầu tiên được thực hiện đó chính là một khu chung cư phức hợp được thiết kế bởi phụ nữ và dành cho phụ nữ ở quận thứ 21 của thành phố. Năm 1993, thành phố tổ chức một cuộc thi cho dự án này với tên gọi Frauen-Werk-Stadt hay Women-Work-City.

Ý tưởng của dự án là sẽ tạo nên không gian nhà ở thuận tiện cho phụ nữ. Nhưng ý nghĩa chính xác của nó là gì? Những khảo sát về thời gian sử dụng được tổng hợp bởi Statistik Austria, cơ quan thống kê quốc gia của Áo, đã chỉ ra rằng phụ nữ dành nhiều thời gian làm việc nhà và chăm sóc trẻ em nhiều hơn là đàn ông.

Women-Work-City được xây dựng dựa trên điều này. Khu phức hợp bao gồm một loạt tòa nhà được bao quanh bởi các sân nhỏ. Những khoảnh đất hình tròn, trải cỏ điểm xuyết trong sân, tạo điều kiện cho bố mẹ và con cái có thể ra ngoài chơi mà không cần phải đi xa. Khu phức hợp có một nhà trẻ, hiệu thuốc và phòng khám bác sĩ. Nó cũng gần với những điểm giao thông công cộng, giúp cho việc thực hiện những công việc vặt hoặc việc đi học, đi làm dễ dàng hơn.

Kail cho biết: “Điều khiến cho dự án trở nên đặc biệt đó chính là chúng tôi đã làm việc để có thể xác định được những nhu cầu của người sử dụng trước, và sau đó mới tìm kiếm giải pháp kỹ thuật. Điều này ngược lại với những gì thường diễn ra, khi mà những giải pháp về kỹ thuật và thẩm mỹ sẽ quyết định kết quả cuối cùng.”

Điều khiến cho dự án trở nên đặc biệt đó chính là chúng tôi đã làm việc để có thể xác định được những nhu cầu của người sử dụng trước, và sau đó mới tìm kiếm giải pháp kỹ thuật.

Sau cuộc thi dành cho dự án Women-Work-City, những nhà chức trách thành phố đã tập trung vào hệ thống công viên của Vienna và thực hiện một nghiên cứu để xem xét cách đàn ông và phụ nữ sử dụng không gian ở công viên. Kết quả có được rất đáng ngạc nhiên.

Nghiên cứu được tiến hành từ năm 1996 đến 1997 đã cho thấy sau chín tuổi, số lượng bé gái đến công viên giảm một cách rõ rệt, trong khi đó, số lượng bé trai vẫn giữ ổn định. Những nhà nghiên cứu thấy rằng các bé gái không hiếu thắng bằng bé trai. Nếu cả trai và gái tham gia vào một cuộc cạnh tranh để giành sân chơi, bên các bé trai thường sẽ giành được chiến thắng.

Những nhà quy hoạch cũng muốn xem liệu có thể đảo ngược xu thế này bằng việc thay đổi công viên được không. Năm 1999, thành phố bắt đầu thiết kế lại hai công viên ở quận năm ở Áo.

Lối đi được thêm vào để công viên có thể dễ tiếp cận hơn, và sân bóng chuyền lẫn sân cầu lông được sắp đặt nhằm đa dạng thêm những hoạt động ở công viên. Thiết kế cảnh quan cũng được sử dụng để chia những khu vực lớn, mở thành những khoanh nhỏ và kín trong công viên. Gần như lập tức, thành phố nhận ra sự thay đổi. Những nhóm khác nhau, con gái và con trai bắt đầu sử dụng công viên mà không phải đụng độ nhau.

Mọi người bắt đầu dành sự chú ý đến dự án này. Vào năm 2008, Chương trình Định cư của Liên Hợp Quốc đã đưa chiến lược xây dựng phát triển đô thị của Vienna vào trong danh sách những hoạt động cải thiện môi trường sống tốt nhất. Kế hoạch tái thiết kế công viên của Vienna, cùng với chương trình xây dựng một quận thử nghiệm chính sách lồng ghép giới đã được đề cử cho Giải thưởng Dịch vụ Công của Liên Hợp Quốc, một huân chương danh dự ghi nhận nỗ lực cải thiện quản lý công.

• • • • •

Tuy nhiên, nó cũng không thoát khỏi sự chỉ trích.

“Khi chúng tôi nảy ra ý tưởng cho buổi triển lãm ‘Ai sở hữu không gian công cộng,’ rất nhiều đồng nghiệp đã nghĩ nó thật nực cười,” Kail nói. “Tất cả những người chúng tôi làm việc cùng đều đưa ra phản hồi. Họ nói những điều như ‘điều này có nghĩa là chúng ta phải sơn đường phố màu hồng sao?’”

Bauer nói thêm: “Giới có thể là một chủ đề mang lại nhiều cảm xúc. Khi bạn nói với mọi người rằng, đến giờ họ vẫn chưa cân nhắc góc nhìn của người phụ nữ, họ sẽ cảm thấy như đang bị công kích. Chúng tôi vẫn thường nhận được những câu hỏi như ‘Điều này thật sự có cần thiết không?'”

Những nhà quy hoạch cũng đối mặt với nguy cơ làm củng cố thêm các định kiến trong khi cố gắng xác định đặc trưng trong cách mà đàn ông và phụ nữ sử dụng không gian thành phố. Để tránh khỏi điều này, những nhà chức trách thành phố đã bắt đầu hạn chế sử dụng cụm từ lồng ghép giới, và sử dụng cụm ‘Thành phố phân chia công bằng’ để thay thế.

Những nhà quy hoạch cũng đối mặt với nguy cơ làm củng cố thêm các định kiến trong khi cố gắng xác định đặc trưng trong cách mà đàn ông và phụ nữ sử dụng không gian thành phố.

Dù có những hạn chế, nhưng không thể phủ nhận rằng chính sách lồng ghép giới đã mang lại dấu ấn khó phai trong lòng thủ đô nước Áo. Bắt đầu như một phương pháp nhìn nhận sự khác biệt trong cách sử dụng không gian công cộng của đàn ông và phụ nữ.

Tuy nhiên, ngày nay lồng ghép giới đã phát triển thành một khái niệm rộng lớn hơn. Nó đã trở thành một phương tiện thay đổi cấu trúc và cấu tạo của thành phố mà nhờ đó những nhóm cư dân khác nhau có thể cùng chung sống.

Kail cho biết: “Đối với tôi, đây là một cách tiếp cận bằng chính trị trong việc quy hoạch. Điều này có mục đích đưa con người đến những không gian mà chưa từng có trước đây hoặc những nơi họ cảm thấy không có thể tồn tại được.”

(Tác giả: Clare Foran/ Zeally lược dịch)


Tin liên quan