Nhiều bậc phụ huynh có con vào lớp 1 cảm thấy 'rối như tơ vò' khi không biết có nên cho con đi học trước khi vào lớp 1 không?
Có thể nói lớp 1 là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ vì trẻ chuyển từ hoạt động vui chơi là chủ đạo của lứa tuổi mẫu giáo sang hoạt động học tập là chủ đạo của học sinh ở môi trường của trường tiểu học.
Năm nay, bé Kapi con trai chị Hoàng Anh bước vào lớp 1. Với quan điểm “Tôi không chuẩn bị cho con tôi sang năm, ở Việt Nam. Mà chuẩn bị cho con 10 năm, 20 năm nữa, một công dân toàn cầu”, chị Hoàng Anh đã có những chia sẻ với Gia Đình Mới về hành trình chuẩn bị cho con vào lớp 1 của mình.
Hành trình chuẩn bị cho con đi học lớp 1 của chị như thế nào?
- Từ hồi mang bầu Kapi, tôi đã tự hỏi không biết có nên cho con đi học trước khi vào lớp 1 không? Vấn đề đó đeo đẳng đến mức tôi bị căng thẳng. Bây giờ nhìn lại tôi mới nghĩ, chúng ta nên đặt ra câu hỏi đó từ sớm, ngay từ khi có kế hoạch sinh con, mang bầu để có thời gian chuẩn bị tốt nhất.
Tôi thấy hiện nay có hai trường phái, thứ nhất là để con phát triển theo kiểu hoàn toàn “thuận tự nhiên”, tức là không dạy con trước kiến thức, chữ hay số gì cả. Thứ hai là cho con đi học thêm rất nhiều trước khi vào lớp 1.
Chúng ta bị giằng xé giữa các quyết định là bởi suy nghĩ, nếu không cho con đi học trước, con không theo kịp, con thiếu tự tin thì sao? Cả lớp học trước rồi, con sẽ bị đúp thì sao? Cô cứ dạy trước không quan tâm thì sao con hiểu bài, không học trước con đuối thì sao? Còn cho con đi học thì cha mẹ lại lo sợ sẽ làm mất tuổi thơ của con.
Vậy chị theo xu hướng nào?
- Tôi là một bà mẹ khá tham vọng nhưng tôi không bao giờ bắt con học cái này, cái kia. Nguyên tắc nuôi dạy con của tôi là không ép con, không giới hạn con và không kiểm tra con. Tôi nghĩ, bố mẹ cũng cần có tư duy là học để làm giàu cuộc sống cho con, bản thân việc học là một điều vui vẻ chứ không nhất thiết là học cái gì hay học để trở thành ai.
Quan trọng là con nhận ra giá trị bản thân và tìm thấy giá trị cuộc sống của con. Con chúng ta có trở thành gì đi nữa nữa mà không tận hưởng cuộc sống thì cuộc sống sẽ trở nên mệt mỏi, ngược lại, mỗi sáng dậy, cảm giác háo hức chờ đón ngày mới thì cuộc sống sẽ đầy tận hưởng và thú vị.
Theo chị, điều gì quan trọng nhất cần chuẩn bị cho con vào lớp 1?
- Đó là giữ cho con một niềm vui và sự háo hức khi đi trên con đường mới. Nếu cứ nghĩ rằng lớp 1 sẽ vất vả, khó khăn hơn mầm non, chúng ta sẽ làm cho tâm lý của con nặng nề hơn. Nhưng nghĩ lại mà xem, con vào trường mầm non là lần đầu tiên xa vòng tay mẹ cả, rời nhà cả ngày để tới một môi trường mới.
Về mặt tâm lý thì “sợ hãi” nhiều hơn chứ. Còn đây con đã lớn rồi, đã có mấy năm “xa nhà” rồi, thì vào lớp 1 cũng có gì đáng sợ đâu? Quan trọng là tinh thần ham học hỏi và sự háo hức đón chờ một con đường mới với nhiều điều tuyệt vời và thú vị. Đó cũng chính là tâm thế của 2 mẹ con tôi khi bước vào lớp 1.
Được biết Kapi biết đọc từ rất sớm, chị đã dạy Kapi phát triển khả năng ngôn ngữ như thế nào?
- Hồi đó Kapi hơn 3 tuổi, tình cờ, hôm đó tôi đi mua đồ, con cầm tờ hoá đơn đọc “Hoá đơn”. Tôi quay sang ngạc nhiên “Ơ Kapi con biết đọc rồi à?” và cứ nghĩ chắc Kapi được cô giáo dạy trên lớp. Khi tôi đi họp phụ huynh thì cô giáo lại hỏi: “Ở nhà chị dạy con đọc như thế nào? Cả lớp có mình Kapi biết đọc thôi”. Tôi mới ngớ người ra.
Về nhà tôi mới nghĩ lại đó là một quá trình. Tôi đọc sách cho con nghe từ khi con mới được 2 tháng tuổi. Khi đó, tôi giơ cuốn sách lên, hai mẹ con cùng nằm, tôi đọc cho con nghe, con ê a theo. Cuốn sách đầu tiên tôi đọc cho con nghe là “Thơ cho bé tập nói”. Đó là một tuyển tập thơ thuần Việt với ngôn ngữ trong sáng.
Kapi được tiếp xúc với chữ từ rất sớm. Sau đó, con chơi flashcard, Kapi nhớ được từ, con nhớ từ trước khi biết ghép vần. Thật ra đến giờ Kapi cũng không biết đánh vần đâu mà chỉ đọc như người lớn thôi.
Chị chia sẻ, chị là một bà mẹ tham vọng nhưng lại không bắt con học những thứ theo ý mình. Làm thế nào chị cân bằng được điều này?
- Cách bố mẹ nhìn nhận việc học của con và kỳ vọng quá nhiều trở nên áp lực đối với con và chính bố mẹ. Điều này không nên một chút nào.
Khi cho Kapi đi thi, tôi mới hiểu tâm lý của bố mẹ khi cho con đi thi. Đó là một cuộc thi để giành học bổng vào một trường tiểu học quốc tế. Khi có kết quả thi vòng một, Kapi chỉ được 7 điểm tiếng Anh và chỉ vừa đủ điểm vào vòng 2, tôi đã suýt rớt tim khỏi lồng ngực. Lúc đó tôi nghĩ, nếu có hội cha mẹ thích con được điểm 10 thì tôi tham gia ngay lập tức. Tôi đã buồn và tự hỏi “Tại sao con lại chỉ được 7 điểm tiếng Anh?”
Khi có kết quả vòng 2, tôi đã không đợi được đến khi về nhà mà gọi điện ngay con con: “Kapi ơi, có kết quả rồi đấy! Con đc học bổng 30 triệu đồng. Điểm thi vấn đáp Tiếng Anh con đc 9,5 đấy!”
Tôi cân bằng được giữa tham vọng, áp đặt và kì vọng là nhờ biết dừng lại, nhìn lại xem mình có đang gây ra áp lực cho con không? Dù học nhiều, đọc nhiều, nhưng khi thực tế ở trước mắt, mình vẫn bị vấp. Tôi chấp nhận rằng cả mình cả con đều có thể sai, nhưng quan trọng và đáng tự hào là có thể sửa sai.
Chị có nghĩ rằng chị đã có cảm xúc tiêu cực khi con được điểm thấp hơn kỳ vọng của chị là một sai lầm không?
- Đúng là trước khi con đi thi, tôi đã kỳ vọng con được học bổng cao nhất, 50 triệu đồng. Tôi nhìn thấy sự phấn khởi của ông bà, của bố Kapi từ hôm nhận được kết quả học bổng đến bây giờ. Còn tôi, lúc nghe tin Kapi nhận được học bổng 30 triệu, quả thực, tôi có chút rầu rĩ và tiếc nuối, càng tiếc nuối hơn khi biết bạn đc học bổng cao nhất chỉ hơn Kapi có 0,3 điểm, ngay cả khi bạn đó hơn tuổi con thì tôi vẫn cứ tiếc. Tôi mới nghĩ, có thể nếu sự kỳ vọng của mình vào kết quả của con thấp hơn thì mình đã hạnh phúc hơn.
Nếu Kapi trượt học bổng, chị có nghĩ điều này ảnh hưởng tới tâm lý nuôi dạy con của chị và tâm lý học của chính Kapi không?
- Một câu hỏi rất thú vị. (cười) Tôi sẽ thế nào nếu Kapi không được học bổng? Chắc chắn sẽ rất rất là buồn rồi. Nhưng đấy cũng sẽ là bài học cho 2 mẹ con. Rằng mình nỗ lực là một chuyện, kết quả, đôi khi còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa. Và rằng bất kì một cuộc “đầu tư” nào, dù mình có chuẩn bị và chắc chắn đến đâu, vẫn có thể thua. Nhưng dù sao, nói gì thì nói trái tim người mẹ cũng sẽ buồn.
Có một điều chắc chắn là tôi sẽ không để ảnh hưởng đến tâm lý của Kapi. Dù sao thi học bổng cũng chỉ là 1 cuộc chơi, đã chơi thì có thắng có thua, tôi và con đã cùng nhau trải qua nhiều biến cố, chuyện đỗ trượt có thể buồn, nhưng không thể ảnh hưởng tới tâm lý của hai mẹ con.
Chị chia sẻ, chị tìm hiểu kiến thức nuôi dạy con từ khi mang bầu qua việc đọc. Vậy, giữa muôn vàn phương pháp nuôi dạy con, chị đã lựa chọn như thế nào?
- Tôi đọc khá nhiều sách về giáo dục trẻ em, từ phương pháp Do Thái, Nhật Bản, Đức, Pháp, Mostessori… Mỗi cuốn sách, mỗi phương pháp đều có những giá trị riêng của nó. Mục đích cao nhất của việc đọc đó không phải là để chọn theo phương pháp nào, mà là để hiểu con mình hơn.
Đọc những cuốn sách nuôi dạy con cái, tôi hiểu rằng tại sao con lại cư xử như thế, thế nào là bình thường, thế nào là bất thường với từng tình huống cụ thể thì xử lý như thế nào để phù hợp nhất với con, tức là để con hợp tác trong vui vẻ. Cuối cùng, tôi chọn phương pháp nghe theo con. Tôi nghĩ, nghe theo con không phải là con bảo gì thì mình làm nấy, con muốn gì cũng được, mà là việc nương theo sở thích, tình cảm, tính cách và cảm xúc của con, để cha mẹ có cách cư xử hợp lý.
Chị có thể lấy ví dụ?
- Tôi không bao giờ bắt con phải theo học lớp này, lớp kia mà hoàn toàn từ lời đề xuất của con mà tôi và con cùng ngồi phân tích xem điều đó có cần thiết và phù hợp với con thời điểm đó không.
Ví dụ, một ngày về nhà, con nói với tôi: “Mẹ ơi con muốn đi học tiếng Anh”. Từ 11 tháng tuổi, tôi đã cho con tiếp xúc với tiếng Anh nên tôi không mất thời gian đưa ra quyết định cho con đi học tiếng Anh. Tôi đồng ý và đưa điều kiện cho con: “Mẹ đồng ý cho con đi học tiếng Anh ở trung tâm. Nhưng một khi con đã xác định đi học thì phải học tới nơi tới chốn, phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình chứ không được hôm nay con thích thì con đi học, buổi sau con chán con nghỉ…”. Con chấp nhận lời đề nghị đó và chúng tôi cùng đi tìm lớp học Tiếng Anh.
Vẫn biết đọc sách sẽ giúp cha mẹ có thêm kiến thức để nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, trong cuộc sống thực tế có những tình huống xảy đến mà không sách vở nào dạy được. Chị đã cân bằng như thế nào giữa hai điều này?
- Tôi đọc sách để có kiến thức nền tảng, để đảm bảo mình đang đi đúng hướng trên con đường nuôi dạy một con người hạnh phúc, chuẩn bị tốt nhất cho thành công của con trong tương lai. Có khi chỉ là một câu nói người lớn cho là bình thường thôi nhưng lại có thể khiến con bị tổn thương, để lại vết thương lòng trong tim con. Tôi sợ việc đó vô cùng! Nên tôi đọc, tôi học để tránh gây ra những tổn thương đó cho con.
Còn ở thực tiễn, tôi học ở con mình. Tôi nhìn con lớn lên mỗi ngày cả về thể xác và tâm hồn. Con trưởng thành từng chút một, từ một em bé vất vả mới có thể lật được người, cho đến một cậu bé thích chơi đùa với mẹ, thích thi chạy với mẹ mỗi khi đến trường, từ một cậu bé nằm ê a đọc sách, đến một “ông cụ non” cau mày đọc báo… Tôi không bỏ qua chi tiết nào trong cuộc sống của con. Tôi cố gắng hiểu con và luôn ở cạnh cổ vũ con.
Như chị chia sẻ, cậu bé 6 tuổi nhà chị thích đọc sách và tìm tòi kiến thức. Làm thế nào để chị xây dựng được niềm yêu thích và thói quen đọc sách cho con?
- Bản thân tôi cũng là người thích đọc sách. Có những buổi tối, tôi ngồi đọc sách bên con đang chơi. Tôi nghĩ, hình ảnh người mẹ ngồi đọc sách đã trở nên quen thuộc với con từ khi con bé. Và rất tự nhiên, bé bắt chước theo mẹ.
Hơn nữa, nhà tôi cũng có nhiều sách, con được lớn lên trong môi trường nhìn đâu cũng thấy sách nên cũng thành quen.
Giờ thì có những buổi tối hai mẹ con ngồi cạnh nhau, mỗi người một cuốn sách. Tôi rất trân quý những khoảnh khắc bình yên đó. Tôi cảm thấy hai mẹ con tôi tuy 2 mà 1, tuy 1 mà vẫn là 2. Đó là một sự kết nối đặc biệt.
Chị có thể chia sẻ cho độc giả Gia Đình Mới những tình huống bất ngờ chị bắt gặp ở con khi con có thói quen đọc sách?
- Có một hôm, Kapi chạy hỏi mẹ: “Mẹ có biết Einstein nói gì không?”. Tôi rất bất ngờ vì không hiểu Kapi muốn hỏi gì nên bảo: “Einstein nói nhiều chuyện lắm, con muốn hỏi mẹ điều gì?”. Và Kapi khoe tôi là, Einstein bảo là “Điều quan trọng là không ngừng đặt câu hỏi”. Tôi thấy rất thú vị vì bản thân cũng đọc nhiều nhưng chưa từng đọc được câu nói đó nên hỏi lại con: “Sao con biết?” – Con đọc trong cuốn “Chuyện kể các danh nhân đó”.
Nhiều khi, chính tôi cũng phải ngạc nhiên về “kiến thức uyên thâm” của Kapi. Bạn ý không chỉ đọc sách cho trẻ con mà đọc cả những sách như “Nhân tố enzyme” và trở thành chuyên gia tư vấn dinh dưỡng cho mẹ, rồi đọc cả “Hành trình về Phương Đông” như môt ông cụ non. Tôi giờ cũng cần phải để ý hơn khi Kapi đọc sách của mẹ, vì không phải sách nào con cũng có thể đọc được.
Xin cảm ơn và chúc chị cùng con trai có nhiều niềm vui khi con bước vào lớp 1!