Mỗi ngày, Quỳnh Sourdough thắp sáng căn bếp nhỏ của mình bằng việc ủ bột chua để làm những chiếc bánh Sourdough tinh tế gửi tới những người khách hàng của mình.
Rồi những công việc thuờng ngày của một người mẹ, người vợ cuốn cô đi, chẳng mấy mà lại đến giờ chuẩn bị bữa tối cho chồng và hai đứa con của mình.
Cuộc sống của cô từ khi quyết định ở nhà cũng có những khoảng trống nhỏ như lát bánh Sourdough nhưng không vô nghĩa.
Tốt nghiệp Đại học Luật, đi làm một công việc không liên quan đến chuyên ngành học được một năm, Quỳnh Sourdough quyết định “theo chồng bỏ cuộc chơi” khi chồng cô nhận được học bổng Thạc sĩ của Chính phủ Hàn Quốc để theo học bên đó.
Trái tim của một người đàn bà mách bảo, cô không mất chút thời gian đắn đo nào mà ngay lập tức bỏ ngang lớp học Thạc sĩ mà mình đã thi đỗ, bỏ công việc văn phòng đang làm vì đơn giản cô luôn muốn ở cạnh chồng.
Hai vợ chồng son khăn gói sang Hàn Quốc, hằng ngày, chồng đi làm, cô ở nhà tìm tòi công thức nấu ăn những món ăn Việt cho thỏa nỗi nhớ quê hương.
Theo thời gian, các món ăn như phở, bún thang, bánh cuốn, bánh khúc… lần lượt được cô mang đến căn bếp ở Hàn Quốc, đến mức chồng cô đùa rằng: “Em mang được cả Việt Nam sang đây rồi!”
Sau các món ăn mặn là các món bánh… lâu dần, tình yêu dành cho ẩm thực nói riêng và cho các loại bánh đến với cô lúc nào không hay.
Cô chỉ biết, “Cứ làm những gì mình thích, duyên đến thì mình nắm bắt”. Mỗi ngày sống ở đất khách, niềm vui trong cô cứ khấp khởi theo từng món ăn Việt, mỗi bữa ăn nấu cho chồng.
Chồng cô kết thúc khoá học sau đó 2 năm, cả nhà xách valy về nước với thành quả là một cậu con trai nhỏ hơn 1 tuổi. Trở về nước chưa kịp đi làm thì cô lại…có em bé thứ 2, thế là cô lại tiếp tục dành thời gian ở nhà chăm sóc con thêm gần 3 năm nữa.
Hơn 5 năm ở nhà, Quỳnh Sourdough dành toàn bộ quỹ thời gian để chăm lo gia đình nhỏ của cô. Khi hai con lớn hơn một chút, cô suy nghĩ cần phải quay lại công việc xã hội như bao người phụ nữ khác.
Ngày đầu tiên quay lại công việc sau khoảng thời gian dài, cô hồi hộp tới mức cả đêm hôm trước ngủ không tròn giấc, chồng cô dạy cô lại những kỹ năng về word, excel... Những hào hứng của ngày đầu tiên đi làm quay lại trong người phụ nữ chạm mốc 30 tuổi.
Tuy nhiên, với tính cách quyết liệt và kiên định với những gì mình theo đuổi, cô không gặp phải bất kỳ khó khăn nào cho lần trở lại này. “Tôi tập trung vào công việc, bởi tôi nghĩ nếu mình thực sự chăm chỉ và nhiệt huyết thì đến một ngày nào đó mình sẽ được ghi nhận”, Quỳnh Sourdough không ngừng nghỉ tiến về phía trước với quan điểm như vậy.
Một lần nữa cuộc sống lại thách thức cô khi cô gặp vấn đề về sức khỏe cản bước cô phấn đấu trên con đường sự nghiệp của mình ngoài xã hội. Chồng đã động viên cô ở nhà để nâng cao sức khoẻ.
Cô ngập ngừng vì bản thân đã rất muốn phấn đấu và cống hiến cho công việc mang lại niềm vui cho cô mỗi ngày. Những câu hỏi liên tiếp ập đến tâm trí cô: “Mình nghỉ thì mình sẽ làm gì đây?”, “Mình đi làm đang vui thế này, nghỉ ở nhà chắc chán lắm…”
Cuối cùng, cô quyết định nghỉ việc với suy nghĩ: “Tôi không muốn đi làm trong thể trạng yếu ớt, ảnh hưởng tới hiệu quả công việc không chỉ của mình mà của cả công ty” và “Phải biết lắng nghe và yêu cơ thể mình thì mình mới dành tình yêu cho người xung quanh và đem hạnh phúc tới người mình yêu”.
Nửa năm sau quyết định đó, thể trạng của Quỳnh Sourdough dần tốt lên. Cô tâm sự: “Nhìn vào hai đứa con ngoan ngoãn, khoẻ mạnh, tự lập và gia đình của tôi hiện tại, tôi không tiếc quãng thời gian ở nhà.
Ai ở vị trí nào cũng có giá trị nhất định, kể cả khoảng thời gian tôi ở nhà cũng có giá trị riêng, được ghi nhận và được trân trọng. Tôi không nghĩ đây là sự hy sinh mà là lựa chọn của tôi. Tôi hạnh phúc với lựa chọn này”.
Tuy ở nhà nhưng cô vẫn không bao bọc và làm hết mọi việc cho chồng và con. Cô vẫn để 3 thành viên còn lại làm những phần việc phù hợp, tạo cơ hội và để họ trở thành những mảnh ghép không thể thiếu trong gia đình nhỏ.
Chồng cô từ một người không biết làm những công việc nhà từ bé giờ đã có thể: sẵn sàng thay tã, tắm cho con, sẵn sàng đeo tạp dề vào rửa bát giúp vợ, thậm chí nấu được những món ăn đơn giản…
“Tôi cho rằng việc chồng có trách nhiệm chia sẻ công việc cho vợ là điều cần thiết để duy trì hạnh phúc gia đình”, cô thổ lộ.
Xuất phát từ mong muốn các con phải hiểu và trách nhiệm với chính cuộc sống của mình, cô cùng chồng thống nhất dạy con tính tự lập đầu tiên. Đến bây giờ, cậu con trai 12 tuổi và cô con gái 8 tuổi đã biết được các kỹ năng sinh tồn và làm những việc vừa sức với tuổi của con.
Đôi khi, vợ chồng cô đóng vai trò như những người bạn cùng lứa với hai đứa con. Nhiều buổi tối, cô lắng nghe cậu con trai đang bước vào tuổi dậy thì tâm sự những chuyển biến tâm sinh lý và đưa ra lời khuyên nhẹ nhàng, sẵn lòng chơi mấy trò trẻ con như những người bạn của chúng để các con tin tưởng và chia sẻ những khúc mắc trong cuộc sống cùng bố mẹ.
Gần 10 năm ở nhà, mọi điều hiện về trong tấm trí Quỳnh Sourdough như một thước phim quay chậm mà ở đó, tình yêu ẩm thực và tình yêu dành cho gia đình nhỏ được gắn thẻ nổi bật nhất, tuyệt vời đến mức cô thốt lên đầy hãnh diện: “Tôi biết ơn số phận và biết ơn người chồng của mình…”
Niềm đam mê ẩm thực vẫn âm ỉ cháy trong con người Quỳnh Sourdough. Cô tâm sự, thực lòng, có những lúc cô muốn quay lại công việc cũ nhưng một ngày cô vô tình nhìn thấy ổ bánh mì lên men tự nhiên khi đang lướt facebook và thế là ĐỊNH MỆNH đã đến.
Cô không do dự, không ngóng vọng quay trở lại công việc văn phòng nữa. Hàng ngày cô nghiên cứu và tìm hiểu về ổ bánh đầy ma lực, phát hiện sự kỳ diệu của thiên nhiên “lên đồng” cùng với những thử nghiệm công thức mới.
Chồng và các con cô là những người đầu tiên nếm chiếc bánh ra lò sau bao mong chờ và nhăn mặt “Chua quá!” nhưng tất cả đều kiên nhẫn trước mỗi mẻ bánh của cô.
Không bỏ cuộc, cô làm rồi bỏ rồi lại làm tới cùng. Cô không ngại bỏ ra thời gian tham gia hội chợ dành cho người nước ngoài để xem khẩu vị của họ như thế nào.
Nhận được đánh giá tích cực từ họ, cô càng tự tin và thêm quyết tâm làm tới cùng. Sau 4 tháng miệt mài, không lúc nào người cô ngớt mùi bột chua. Một ngày mùa thu, cô nhảy lên vỡ oà sung sướng ôm chồng “Em làm được rồi!”.
Muốn thêm những trải nghiệm vị bánh mì Sourdough, vừa qua gia đình cô đã cùng nhau đi du lịch New Zealand – nơi mà chính những vị khách hàng trong hội chợ mách cô vị bánh ở New Zealand rất tuyệt! phù hợp với khẩu vị của người châu Á.
Cô hào hứng kể “Khi vừa đến nơi con trai tôi chạy ngay vào siêu thị hỏi “Ở đây có bánh mì Sourdough không?” Thậm chí bạn ấy còn biết hỏi loại nào chua loại ít chua hơn… Cả nhà cô cùng hào hứng với dòng bánh mì men chua này, cùng mối quan tâm và chia sẻ với đam mê của cô.
Trở về sau chuyến đi đó cô càng thêm tự tin và… lấn tới.
- Bánh mì của chị đã giúp em thoái khỏi chứng chán ăn, em lại tìm thấy niềm vui và sự hứng khởi. Chị cứ tiếp tục làm bánh như thế nhé!
Đây chỉ là một trong nhiều “Bức thư tình online” chị nhận được từ những người khách hàng của mình. Đó cũng chính là niềm động viên, khích lệ và là động lực để cô hoàn thiện sản phẩm của mình.
Và rồi, chính những khách hàng yêu mến cô đã góp ý về việc dùng túi giấy để ổ bánh mì mang đậm chất đồng quê hơn. Cô lại đầu tư tâm sức cho vẻ ngoài của ổ bánh đong đầy tình yêu thương từ người làm bánh tận tâm. Những chiếc bánh theo từng chuyến xe tới Sài Gòn, Cần Thơ, Nha Trang, Hải Phòng… và nhận được ủng hộ tích cực từ các vùng miền càng khiến cô tự tin với con đường mình đã chọn.
Quỳnh Sourdough cho rằng: "Chỉ khi bạn kiên nhẫn và thực hành thật nhiều lần, làm với tất cả trái tim thì một ngày ổ bánh mì chua của bạn sẽ mang hương vị tình yêu của bạn".
Mỗi lần nhào bột, gập bột bằng tay, ủ 2 ngày cho một ổ bánh, khệ nệ bê nồi gang nặng 6kg vào lò rồi bỏ ra, hít hà hít hà mùi bánh thơm phức men tự nhiên, thăng hoa rạch từng đường bánh nở bung, ngẩn ngơ ngắm nhìn vỏ bánh mỏng giòn, ruột mềm xốp lỗ khí đều xen kẽ các loại hạt… cô thấy mình hạnh phúc và không ngại khẳng định đây mới là những “Tháng năm rực rỡ” của mình.
Với cô, ổ bánh mì men tự nhiên mang tính cá nhân rất cao, nó chính là con người mình, mang phong cách sống của mình trong đó...
Nghỉ việc ở nhà làm nội trợ, đôi khi Quỳnh Sourdough nhận được những câu hỏi tọc mạch và sự quan tâm không cần thiết từ nhiều người. Họ cho rằng cô ở nhà ăn bám chồng và không có công ăn việc làm.
Cô phớt lờ và vui vẻ với những đam mê của mình, mặc kệ xung quanh. “Không ai dễ dàng từ bỏ công việc để thoả mãn đam mê của mình.
Tôi biết nhiều bạn đã từng ở nhà nhưng không chịu được cảm giác buồn tẻ nên quay lại công việc văn phòng. Tôi nhiều thú vui tới mức không thể buồn được”.
Trong cuốn tự truyện của Oprah Winfrey, một trong những bài học bà nhận ra là: “Chỉ có bạn chứ không ai khác, mới chính là người mẹ, người cha, người chị em, người bạn bè, người yêu tốt nhất của chính mình”.
May mắn, Quỳnh Sourdough nhận ra được giá trị bản thân cô và đón nhận cuộc sống đó đến như một điều hiển nhiên. Chính điều đó đã khiến Quỳnh Sourdough có thêm sức mạnh để hành động và tự làm cho bản thân cô hạnh phúc và lan toả niềm hạnh phúc đó đến với những người xung quanh.
Mỗi ngày, vẫn là sự tỉ mỉ chăm chút cho từng ổ bánh, vẫn lao động làm vườn chăm chỉ để có những nhánh hương thảo và hoa hồng thơm gửi tặng cả ân tình tới những người mua bánh. Quỳnh Sourdough đã thắp sáng căn bếp của mình bằng tình yêu chân thành, nỗ lực, đam mê để những mẻ bánh ra lò thơm lừng lan tỏa đến mọi người hương vị của người đàn bà yêu bếp bánh.