Không đọc mà vẫn like, vẫn bình luận... là cách sử dụng mạng xã hội không văn minh

Bác sĩ tâm lý đã phân tích ưu, nhược điểm của mạng xã hội và khuyến cáo tới các bạn trẻ việc không nên sa đà, nghiện mạng xã hội sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Dùng MXH như thế nào phản ánh lối sống của chính người dùng.

Mạng xã hội phản ánh tính cách, lối sống thực của mỗi người

Trường ĐH Mở TP.HCM vừa tổ chức cuộc tọa đàm "Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội" với sự tham gia của nhiều chuyên gia, bác sĩ tâm lý cùng hàng trăm sinh viên trong trường.

Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, hiện nay cả nước có tới 64 triệu người sử dụng mạng xã hội (MXH).

BS Hồ Nhật Quang, Giám đốc Công ty đào tạo huấn luyện Thân Tâm Trí cho biết, việc tăng trưởng mạnh mẽ của MXH có tác động, thay đổi thói quen và hành vi của nhiều người, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

BS Hồ Nhật Quang: Dùng MXH quá nhiều sẽ dẫn đến bệnh hoang tưởng.

"Chúng ta nhận thấy rất rõ nét, MXH có nhiều ưu điểm và cũng tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng tới cuộc sống của mỗi người.

Dùng MXH, mọi người có thể có tầm nhìn rộng hơn về cuộc sống, quen biết nhiều bạn bè mới, tìm và kết nối bạn bè một cách nhanh chóng; việc trao đổi thông tin trong công việc, học tập cũng trở nên thuận tiện hơn, hiệu quả hơn. MXH cũng là kênh có giá trị giải trí lớn.

Tuy nhiên, thực trạng sử dụng mạng xã hội hiện nay cho thấy, các hình ảnh, câu chuyện phản cảm luôn thu hút sự chú ý của người dùng hơn là những câu chuyện tốt. Nhiều người dùng MXH thậm chí không cần đọc, không cần hiểu mà vẫn cứ like, chia sẻ, bình luận "ném đá" theo số đông.

Điều đó cho thấy người sử dụng MXH không có mục đích, không văn minh".

BS Hồ Nhật Quang chia sẻ, đa số các bạn trẻ hiện nay chưa xác định được mục tiêu, mục đích của việc sử dụng MXH. Chúng ta sử dụng MXH để làm gì? Sử dụng MXH như thế nào để có văn minh, mang lại giá trị tích cực đối với bản thân, cộng đồng?

MXH có thể hiểu được những điều bạn hay quan tâm thông qua sự tương tác của bạn trong các diễn đàn, các nhóm, hội...

Nếu bạn thường xuyên tương tác với những bài viết tiêu cực, hình ảnh phản cảm, thì mỗi khi mở MXH, bạn sẽ nhìn thấy phần nhiều những bài viết như vậy.

Ngược lại, nếu bạn sử dụng MXH để tìm kiếm các thông tin bổ ích, kỹ năng sống, thông điệp lạc quan thì MXH chính là công cụ tuyệt vời cung cấp cho bạn những điều đó.

Mạng xã hội phản ánh tính cách, lối sống thực của mỗi người. 

Sử dụng MXH quá nhiều, dễ dẫn tới bệnh ảo tưởng

Đó là khuyến cáo của BS Hồ Nhật Quang đối với những bạn trẻ sử dụng MXH mà không có "sức đề kháng". Theo BS Quang, sử dụng MXH tràn lan, sẽ dẫn tới nghiện MXH, bản thân bị cuốn hút vào thế giới ảo, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, hiệu quả làm việc, học tập.

Nghiện MXH trở thành bệnh lý. Đó là khi chúng ta nhìn nhận một sự việc thì thường hay khái quát hoá nó lên, hiệu chỉnh nó vô hướng mà MXH đang quy định.

MXH có ưu điểm nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới thái độ, hành vi sống.

Khi sử dụng MXH nhiều không có chọn lọc, đề kháng, người sử dụng sẽ bị cuốn vào thể hiện cái tôi cá nhân.

MXH không đánh giá ai nói đúng nói sai, do đó ai cũng cho rằng phát ngôn của mình là đúng, là hợp lý. Lâu dần tạo thành thói quen trong suy nghĩ, trong hành vi. Đó là bệnh về cảm xúc, suy nghĩ bên trong, tạo ra sự hoang tưởng, nhận định không rõ ràng.

Nhiều người cũng ảo tưởng và phụ thuộc vào lượt like, share, comment của cộng đồng MXH. Nếu được khen ngợi sẽ vui vẻ, phấn chấn, nhưng nếu có ý kiến trái chiều hoặc bị ai đó chê bai trên mạng là sẽ suy nghĩ, thậm chí tiêu cực mà không có chính kiến, bản lĩnh của bản thân. 

"Mỗi người phải tự xác lập được cho mình khoảng thời gian hợp lý sử dụng mạng xã hội, khi quá số thời gian đó mà vẫn bị cuốn hút, không rời được MXH thì đó là biểu hiện của nghiện mạng xã hội

Nếu nghiện MXH, người dùng cần cai bằng cách ngưng sử dụng một thời gian để quay lại lối sống, suy nghĩ thực tế, các mối quan hệ thực ngoài xã hội để xây dựng lại lối sống của mình", ông Quang nói thêm.

An Nhiên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan