Khoảng 1.500 trẻ được tiêm vắc xin phòng COVID-19, làm gì khi trẻ bị sốt sau tiêm?

Có khoảng 1.500 học sinh thuộc lớp 11 và 12 đang học tại 3 trường THPT trên địa bàn Thị trấn Củ Chi được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Sau khi tiêm trẻ có thể bị sốt, mệt mỏi, vậy cha mẹ nên làm gì?

Sáng ngày 27/10, TP.HCM chính thức triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Huyện Củ Chi cho trẻ từ 12 - 17 tuổi.

Tại điểm tiêm trường Tiểu học Thị trấn Củ Chi, công tác chuẩn bị đã diễn ra từ rất sớm để bố trí đầy đủ các khâu từ tiếp nhận, khám sàng lọc, tiêm chủng và theo dõi sau tiêm 30 phút nhằm tiêm chủng cho khoảng 1.500 học sinh thuộc lớp 11 và 12 đang học tại 3 trường THPT trên địa bàn Thị trấn Củ Chi.

Khoảng 1.500 trẻ ở TP.HCM được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ảnh minh họa

Được biết, khi TP.HCM có chủ trương tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho đối tượng trẻ em, huyện Củ Chi đã tiến hành khảo sát trước điểm tiêm để chuẩn bị bố trí đội tiêm, tình nguyện viên, bố trí quy trình tiêm theo 1 chiều.

Mặt khác, tư vấn cho trường để phối hợp chuẩn bị. Bên cạnh đó, đội ngũ tiêm chủng đều được tập huấn kỹ từ trước để các khâu được thực hiện theo đúng quy trình. Trước đó, cha mẹ hoặc người giám hộ cũng đã thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ.

Tại điểm tiêm hôm nay, huyện Củ Chi đã tổ chức 10 bàn tiêm, đội tiêm là các y bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi. Tổ chức tiêm chủng tuân thủ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 như: đo thân nhiệt, khai báo y tế, đảm bảo khoảng cách phòng chống dịch. Điểm tiêm chủng cũng đảm bảo sẵn sàng đầy đủ nhân lực và trang thiết bị để cấp cứu kịp thời các phản ứng không mong muốn sau tiêm. Trong sáng nay, công tác tiêm chủng đang diễn ra an toàn.

Vắc xin phòng COVID-19 được tiêm trong đợt này là vắc xin Pfizer với liều tiêm 0,3 ml. Sau tiêm chủng, học sinh sẽ được cấp giấy xác nhận tiêm vắc xin và được hướng dẫn khai báo sau tiêm trong 7 ngày tại nhà.

Huyện Củ Chi cũng cung cấp số điện thoại của Trung tâm Y tế Huyện hoặc Trạm Y tế Xã, Thị trấn để liên hệ khi cần thiết.

Dự kiến, sau buổi tiêm đầu tiên, Huyện Củ Chi sẽ triển khai tiếp các đợt tiêm khác cho đối tượng trẻ 12 - 17 tuổi trên địa bàn. Sau khi tổ chức an toàn các buổi tiêm trong hôm nay, các quận huyện còn lại sẽ đồng loạt tổ chức tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi từ ngày 28/10/2021.

Sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 trẻ có thể gặp phản ứng sốt, mệt mỏi... Ảnh minh họa

Lưu ý khi chăm sóc trẻ sau tiêm vắc xin phòng COVID-19

Sau khi được tiêm vắc xin phòng COVID-19, trẻ có thể sẽ gặp phải những phản ứng phụ như sốt, mệt mỏi… Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ sau tiêm như sau:

- Cha mẹ hoặc người lớn trong nhà nên bên cạnh trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để có thể kịp thời phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm sau tiêm vắc xin. Tùy từng trẻ, có thể có những triệu chứng sau tiêm khác nhau, kéo dài 2-3 ngày. Có những trường hợp, triệu chứng có thể xuất hiện muộn hơn 7-14 ngày sau tiêm vắc xin Covid-19.

- Sau tiêm, trẻ có thể bị sưng, đỏ, đau nhức, có thể nổi cục nhỏ, ngứa tại chỗ tiêm hoặc nhức mỏi cánh tay. Khi đó, gia đình không nên bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì (lá cây, dầu gió, trứng gà…) vào chỗ sưng đau, có thể mát xa nhẹ nhàng cánh tay cho trẻ. Những thuốc kháng dị ứng nên được dùng với sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

- Trẻ có thể sốt, mệt mỏi, nhức đầu, nhức mỏi toàn thân, buồn nôn, hoặc có trẻ dễ buồn ngủ hoặc đói bụng nhiều hơn bình thường. Khi đó, cha mẹ cần thường xuyên đo thân nhiệt cho trẻ.

+ Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C, cha mẹ cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát nhưng lưu ý không để nhiễm lạnh và chú ý nhắc trẻ uống nhiều nước.

+ Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên hoặc sưng đau nhiều tại chỗ tiêm, sử dụng thuốc cho trẻ 12-17 tuổi 1 viên x 3-4 lần/ ngày Paracetamol 500mg

- Cha mẹ cần theo dõi những dấu hiệu có liên quan đến biến chứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim sau tiêm vắc xin mRNA ở trẻ 12-17 tuổi, nhất là ở trẻ nam và sau mũi thứ hai, thường 2-4 ngày sau tiêm vắc xin (cũng có thể gặp sớm 12h sau tiêm hoặc muộn hơn). Các dấu hiệu thường gặp là đau ngực, cảm giác ép nặng hoặc khó chịu ở ngực, thở hụt hơi, khó thở, cảm giác nhịp tim nhanh hay chậm bất thường, không đều hoặc đập thình thịch, hồi hộp đánh trống ngực.

- Nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có than phiền những dấu hiệu trên.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan