Khi trẻ bị tiêu chảy, nhất là tiêu chảy do Rotavirus nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng bị suy kiệt do mất nước và mất muối, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong.
Chia sẻ với Gia Đình Mới, bác sĩ chuyên khoa nhi, PGS.TS Hà Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp cho hay: “Thời điểm nắng nóng là môi trường lý tưởng để các bệnh về rối loạn tiêu hoá ở trẻ bùng phát. Bởi việc bảo quản đồ ăn thức uống và vệ sinh bát đĩa thìa cho trẻ không đảm bảo là nguyên nhân gây bệnh cho trẻ".
Đặc biệt, thời điểm hiện nay trẻ nhỏ rất dễ mắc Rotavirus - nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng ở trẻ, thậm chí gây tử vong cho trẻ.
Bởi, khi trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng bị suy kiệt do mất nước và mất muối, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong.
Chính vì vậy, khi con bị tiêu chảy, cha mẹ không được chủ quan khi thấy những biểu hiện mất nước ở trẻ như môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc…”.
PGS.TS Hà Hữu Tùng cho biết, nếu trẻ chẳng may nhiễm Rotavirus thì sau 1 - 4 ngày bị lây nhiễm virus, trẻ có các biểu hiện của bệnh.
Biểu hiện thường gặp là trẻ nôn trớ trước, sau khoảng 1 - 2 ngày thì bắt đầu đi ngoài, có bé thì bị đi ngoài rồi mới nôn trớ.
Hiện tượng nôn trớ ở trẻ diễn ra ất ngờ, có khi trẻ đang chơi, ăn uống bình thường nhưng chỉ qua nửa ngày đã có thể có hiện tượng này, cứ ăn cái gì vào là nôn ra cái đó. Trẻ bị tiêu chảy nếu không nôn sẽ khỏe hơn vừa tiêu chảy vừa nôn.
Hơn nữa, khi bị tiêu chảy do Rotavirus trẻ thường đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân màu xanh hoặc màu trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải, phân thường nhiều nước…
Ngoài ra, trẻ có thể ho, sốt, chảy nước mũi nên nhiều cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng.
Bệnh tiêu chảy do Rotavirus thường lây truyền qua đường phân – miệng. Do đó, để phòng bệnh cho trẻ, PGS.TS Hà Hữu Tùng khuyến cáo cha mẹ cần thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh cho trẻ trong quá trình ăn uống và sinh hoạt.
- Cho trẻ ăn chín uống sôi, không nên cho trẻ ăn thức ăn nấu để lâu ở nhiệt độ phòng, thức ăn bị ô nhiễm trước và sau khi chế biến.
- Phòng chủ động cho con bằng cách tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch.
- Vệ sinh môi trường sống, vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ.
- Vệ sinh dụng cụ ăn uống của trẻ sạch sẽ bằng cách: rửa sạch và để khô ráo sau khi sử dụng; trước khi cho trẻ ăn và chế biến đồ ăn, dụng cụ ăn uống phải được tráng bằng nước đung sôi.
- Cha mẹ cần nhớ vệ sinh sạch sẽ đôi bàn tay trước khi chế biến thức ăn cho trẻ và khi cho trẻ ăn.
- Chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ để nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật nói chung trong đó có bệnh tiêu chảy. Với những trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ càng phải chú ý đến vấn đề dinh dưỡng nhiều hơn để giúp trẻ không bị gầy yếu, suy kiệt, mất nước, nâng cao thể trạng để sớm khỏi bệnh. Tuyệt đối không được kiêng khem quá kỹ dẫn đến trẻ bị thiếu chất, mỗi loại thực phẩm chứa dinh dưỡng với tỷ lệ khác nhau nên phải phối hợp một cách khoa học, hợp lý và đa dạng thực phẩm.