Làm gì để không rơi vào tình trạng chưa hết tháng đã hết tiền?

Lương không quá thấp nhưng luôn lâm vào cảnh chưa hết tháng đã hết tiền, thường xuyên phải vay mượn để duy trì cuộc sống. Đó là tình trạng mà nhiều người Việt gặp phải, đặc biệt là giới trẻ.

Loay hoay với bài toán quản lý tiền bạc

Đi làm đã được 3 năm, nhưng Trần Thu Huyền (25 tuổi, quê ở Thái Nguyên) mãi không để được một khoản tiền tiết kiệm nào. Mỗi lần về quê, bố mẹ nhắc nhở việc phải chi tiêu tiết kiệm thì đều nhận được câu trả lời của con gái rằng: “Hà Nội cái gì cũng đắt đỏ, đủ thứ con phải chi tiêu, nên con không dư được đồng nào”.

Mỗi tháng khi lương về, việc đầu tiên là Huyền đóng tiền nhà, tiền điện, tiền nước, chi phí này hết 1/3 tiền lương. Số tiền lương còn lại được Huyền chia đôi, một phần để riêng để đi chợ hàng ngày, phần còn lại để chi tiêu cho nhu cầu của bản thân như nạp điện thoại, đổ xăng, mua quần áo, mua mĩ phẩm, đi ăn cùng bạn bè, uống cà phê, uống trà sữa, thi thoảng đi du lịch cùng nhóm bạn thân…

Tháng nào phát sinh đám cưới, sinh nhật thì phần chi tiêu cho nhu cầu bản thân sẽ bị âm, Thu Huyền phải lấy ở phần tiền đi chợ hàng ngày để bù vào.

“Có những tháng nhỡ tiêu hết tiền đi chợ, tôi phải gọi bố mẹ gửi gạo, rau, thịt, cá ở quê xuống Hà Nội để bù đắp phần thâm hụt. Dù tôi cũng muốn để dành một khoản nhỏ tiết kiệm nhưng lại có việc phát sinh thành ra “cháy ví”, phải vay bạn bè, cầu cứu bố mẹ” – Thu Huyền chia sẻ.

chua-het-thang-da-het-tien-tai-chinh

Khác với Thu Huyền, Trần Hùng (28 tuổi, ở Hà Nội) không có nguồn thu ổn định bởi công việc của anh là môi giới cho thuê nhà trọ. Hùng cho biết, có những tháng dẫn được nhiều khách thuê nhà, thu nhập của anh lên tới 20 - 30 triệu đồng. Nhưng có những tháng ít khách thuê nhà, thu nhập chỉ đủ chi tiêu ăn uống, chi phí đi lại.

Thêm nữa, vì có bạn gái nên anh cũng hay dẫn bạn gái đi chơi, đi ăn ngoài nên việc chi tiêu của Hùng thường không có kế hoạch, làm được nhiều thì tiêu nhiều, làm được ít thì tiêu ít. Khi gặp tình huống khẩn cấp thì Hùng sẽ hỏi vay anh chị, bố mẹ, rồi khi nào có thì trả sau.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng chưa hết tháng đã hết tiền?

Theo ông Nguyễn Anh Dũng – Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân, Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT, tình trạng chưa hết tháng đã tiêu hết tiền lương không chỉ gặp ở những người trẻ tuổi, mà rất nhiều người ở độ tuổi 40 cũng gặp phải tình trạng này. Có những người chi tiêu và thu nhập hàng tháng gần như bằng nhau, không tiết kiệm được gì, thậm chí có những người mức chi vượt quá thu nhập dẫn tới âm.

Mà nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều người Việt không có kiến thức tài chính. Đặc biệt là thế hệ 8X, 9X trở về trước. “Bản thân tôi cũng thuộc thế hệ đầu 8X và suốt quãng thời gian đi học, chúng tôi không được dạy về quản lý tài chính, không được học phải đối xử với đồng tiền như thế nào, quản lý tiền ra sao để cho hiệu quả. Không có kiến thức về tài chính, không chi tiêu hợp lý và người lớn sợ nhắc đến tiền với trẻ vì nhạy cảm… Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến việc quản lý tài chính cá nhân gặp nhiều khó khăn như hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, họ loay hoay với tiền, không biết tiêu sao cho đúng” – ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Anh Dũng – Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân, Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT

Ông Nguyễn Anh Dũng – Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân, Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT

Bí kíp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

Để giúp các bạn trẻ có kế hoạch quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, ông Nguyễn Anh Dũng khuyên: “Với các bạn trẻ, việc quan trọng nhất để không xảy ra tình trạng chưa đến tháng đã tiêu hết tiền là phải quản lý chi tiêu một cách hợp lý và khoa học. Điều đó phải trên cơ sở bạn có kiến thức về tài chính cá nhân. Bạn phải kỷ luật với bản thân mình để có thể thực hiện được kế hoạch của mình”.

Vị chuyên gia tài chính này cho biết thêm, việc kỷ luật được bản thân là điều rất quan trọng, nhất là với các bạn trẻ. Bởi, kỷ luật bản thân tốt sẽ giúp các bạn trẻ quản lý suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của mình khi đối mặt với cám dỗ, khó khăn để đạt được mục tiêu đề ra. Thế nên, để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, các bạn trẻ phải tự kỷ luật bản thân.

Đã có rất nhiều các phương án quản lý tài chính cá nhân được đưa ra như quy tắc 6 chiếc lọ tài chính, quy tắc 50/30/20… Nhưng vấn đề quan trọng là các bạn không kỷ luật được bản thân để làm được theo các phương pháp đó hướng dẫn. Việc quản lý chi tiêu thực chất là cách để các bạn có thể giữ được tiền. Các bạn làm sao phải phân bổ thu nhập và chi tiêu một cách hợp lý.

Các chuyên gia tài chính cá nhân của FIDT hay nói với các khách hàng về một nguyên tắc quản lý chi tiêu. Đó là quản lý chi tiêu 3 không (không ghi chép, không app, không lạm chi). Về cơ bản, nguyên tắc quản lý chi tiêu 3 không là biến đổi quy tắc 50/30/20 theo hướng hợp lý hơn để mọi người dễ áp dụng.

Thay vì chia thành 50/30/20 như truyền thống (trong đó 50% chi cho những việc thiết yếu, 30% chi cho nhu cầu cá nhân và 20% cho đầu tư, tiết kiệm) thì FIDT có những thay đổi nhỏ như sau.

Vẫn hướng dẫn khách hàng chia ra 3 tài khoản nhưng có sự đảo ngược thứ tự, tiết kiệm phải đưa lên đầu tiên. Tức là ngay khi có thu nhập là phải để riêng ra khoản tiết kiệm. Đó là 1 tài khoản riêng. Khoản tiền tiết kiệm này thì tùy thuộc vào mức thu nhập của mỗi người mà sẽ để ra một khoản bao nhiêu là hợp lý.

Ví dụ, với những người thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng mà có người phụ thuộc, ông Dũng khuyến nghị tiết kiệm khoảng 10 – 20%. Nhưng với những người không có người phụ thuộc thì mức tiện kiệm nên là từ 20 – 30%, ưu tiên tiết kiệm càng nhiều càng tốt.

Với những người thu nhập từ 20 – 40 triệu đồng/tháng thì tiết kiệm phải từ 20 – 30%. Với các bạn trẻ thì phải ưu tiên con số 30%, hơn thì càng tốt.

Với thu nhập từ 40 – 70 triệu đồng/tháng thì khoản tiết kiệm có thể lên đến 50% hoặc hơn nữa. Thu nhập càng cao thì phải tiết kiệm được càng nhiều.

Việc để riêng khoản tiết kiệm ra trước sẽ tránh được tình trạng bị thâm hụt. Nếu cứ tiêu trước rồi mới nghĩ đến tiết kiệm thì chưa hết tháng đã thấy hết tiền, không để ra được đồng nào.

Đối với phần hưởng thụ phải được khoanh vùng lại. Việc chi tiêu cho niềm vui cá nhân được chuyên gia tài chính cá nhân của FIDT khuyến nghị là 10%, tối đa là 15%. Tuyệt đối không được lạm chi quá tài khoản đó thì các bạn mới giữ được tiền. Ví dụ, khi chi 10% thu nhập cho việc hưởng thụ thì với người thu nhập 20 triệu nên để riêng 2 triệu ra một tài khoản riêng. Khi tài khoản này có tiền thì bạn có thể “ăn chơi xả láng” nhưng chỉ được ăn chơi trong khoản tiền 2 triệu đó, hết là phải dừng lại.

Phần thu nhập còn lại sẽ đổ vào tài khoản chi tiêu thiết yếu và những phần còn lại như tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, đóng học cho con…

Điều quan trọng nhất là các bạn trẻ phải tuân thủ tốt nguyên tắc quản lý chi tiêu này. Nó không phải là việc thực hiện trong 1 tháng, 2 tháng mà nó phải là cả một quá trình dài rèn luyện, nỗ lực để thực hiện đúng nguyên tắc, chống lại những dục vọng của bản thân. Nếu kỷ luật bản thân tốt, tuân thủ đúng theo nguyên tắc quản lý chi tiêu 3 không thì sẽ giúp bạn trẻ quản lý chi tiêu khoa học, hiệu quả và tiết kiệm được nhiều tiền.

Ly Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/ 

Mã số chuẩn quốc tế (ISSN): e-ISSN 3093-3269

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: toasoan@giadinhmoi.vn 

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính