Hay bị ho, sốt, thỉnh thoảng tức ngực suốt 1 năm nay, người đàn ông đi khám chữa mãi không khỏi, đến khi nội soi phế quản thì phát hiện hạt hồng xiêm nằm trong đường thở suốt một năm.
Ngày 24/7, BS.CKII Lê Thị Xuân Mai, Khoa Hô hấp, Bệnh viện 115 cho biết, các bác sĩ của bệnh viện mới tiến hành gắp thành công hạt sapoche hay còn gọi là hồng xiêm nằm trong phế quản người đàn ông 65 tuổi.
Trước đó, bệnh nhân nhập viện với triệu chứng đau lưng, đau ngực âm ỉ sau xương ức và sốt nhẹ.
Khoảng 1 năm nay, bệnh nhân hay bị sốt, ho, thỉnh thoảng tức ngực. Bệnh nhân đi khám thì được chẩn đoán viêm phổi nhưng điều trị không hết. Sau đó, ông được chẩn đoán lao phổi, chữa suốt 9 tháng nhưng các triệu chứng lâm sàng không cải thiện.
Tại Bệnh viện Nhân dân 115, các bác sĩ cho người bệnh chụp X-quang phổi thì ghi nhận, cơ hoành trái kéo cao, trung thất kéo sang trái, xẹp thùy dưới phổi trái. Kết quả CT scan ngực bệnh nhân ghi nhận xẹp, đông đặc.
Nội soi phế quản, các bác sĩ phát hiện dị vật là hạt hồng xiêm và nhiều dịch tiết đục vàng xung quanh. Sau khi dị vật được gắp ra ngoài, người bệnh có sức khỏe ổn định.
Theo bác sĩ Mai, dị vật đường thở là tai nạn sinh hoạt thường gặp, có thể gây dị ứng nặng với cả người lớn và trẻ em, nhất là trẻ dưới 4 tuổi, thậm chí tử vong. Khi bị hóc, người bệnh cần đi khám chụp chiếu để gắp dị vật ra ngoài càng sớm càng tốt.
Nguy cơ xảy ra biến chứng và tổn thương phổi sẽ tăng lên với thời gian dị vật đường thở được lấy ra nên điều quan trọng là cần được chẩn đoán càng sớm càng tốt. Khi phát hiện muộn như trường hợp người bệnh kể trên sẽ dẫn đến viêm phổi, giãn phế quản và xẹp phổi.
Các triệu chứng có thể thay đổi đáng kể tùy theo vị trí của dị vật trong đường hô hấp. Khi dị vật bị kẹt lại ở thanh quản hay khí quản, người bệnh có biểu hiện suy hô hấp hay thở rít. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp, dị vật đi xuống phế quản và các dấu hiệu lâm sàng thay đổi hơn nhiều. Chẩn đoán dị vật đường thở phế quản do đó sẽ khó khăn hơn do ít hay không có triệu chứng.
Chìa khóa chẩn đoán lâm sàng là hội chứng xâm nhập. Tuy nhiên, hội chứng này có thể không có ở 12-25% trường hợp dị vật đường thở. Ở giai đoạn cấp, dấu hiệu lâm sàng thường gặp nhất là khò khè, âm phế bào giảm hay mất khu trú, co kéo cơ hô hấp phụ. Ở giai đoạn trễ hơn, khi không phát hiện được hội chứng xâm nhập, người bệnh thường có bệnh sử viêm phổi tái phát ở cùng một vị trí.
80 - 96% dị vật đường thở không cản quang nên thường không thấy dị vật trên Xquang ngực chuẩn. Tỷ lệ Xquang ngực bình thường trong y văn là từ 12%-30%.Vì vậy, Xquang ngực bình thường cũng không cho phép loại trừ chẩn đoán dị vật đường thở. Các dấu hiệu gián tiếp có thể thấy: khí phế thủng một bên, đông đặc phổi, xẹp phổi.
CT scan ngực trong phát hiện dị vật đường thở phế quản là gần 100% với độ đặc hiệu 66 - 100%.
Nội soi phế quản ống mềm ngày nay được xem là đóng vai trò chủ yếu trong chẩn đoán dị vật đường thở do có độ nhạy cảm và độ đặc hiệu rất cao. Nội soi phế quản vừa để xác định chẩn đoán và vừa cho mục đích điều trị lấy dị vật ra.