Chị Nguyễn Thị Thu (Tiến sĩ chuyên ngành Môi trường bền vững, Đại học Tsukuba, Nhật) có một tài khoản Facebook thường xuyên chia sẻ những vấn đề về chăm sóc, giáo dục trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, nhà trẻ.
Các bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu được nhiều nghìn lượt like, share vì có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh nghiệm thực tế của một bà mẹ và những kiến thức được tìm hiểu bài bản về phong cách giáo dục trẻ em của Nhật Bản.
Được sự đồng ý của chị Thu, Gia Đình Mới xin giới thiệu bài viết của chị về kinh nghiệm chọn truyện tranh ehon cho con.
Trong rất nhiều ehon chọn cho Bon, những cuốn ehon giúp nuôi dưỡng cảm xúc, EQ cho con luôn được mình ưu ái lựa chọn một vị trí quan trọng.
Mình liệt kê ra vài cuốn rất hay mình đã chọn và Bon cũng rất thích để ba mẹ tham khảo nhé!
1. Bộ ehon “Nụ hôn trên bàn tay”, Công ty sách Quảng Văn
Đây là bộ ehon rất ngọt ngào, trong đó cuốn “Nụ hôn trên bàn tay” là cuốn ehon có phương thức biểu đạt tình yêu quá đỗi đáng yêu và ngọt ngào mà mẹ con mình đã bắt chước được từ khi đọc nó đến giờ.
Tình yêu sẽ chạy từ lòng bàn tay, lan tỏa khắp người con chỉ cần áp lên má là sẽ cảm nhận được hơi ấm của mẹ, áp vào ngực để thấy tình yêu trú ngụ trong đó.
Tình yêu sẽ không bao giờ vơi đi, cho dù con có thêm anh chị em nữa. Dạy trẻ chia sẻ tình yêu khi có thêm em được dạy rất hay qua câu chuyện “Chiếc túi đầy ắp những nụ hôn”.
Đây là 2 trong số các cuốn mà Bon thích đọc nhất.
2. Bộ ehon “Cá voi đêm bão”, 4 cuốn, NXB Kim Đồng
Làm sao dạy trẻ về sự ra đi vốn trừu tượng lại hay đến thế. Chẳng có dấu hiệu gì của sự đau buồn trong cuốn “Đảo thiên đường của Nội”.
Đó chỉ là một hành trình Nội đi đến một thế giới khác sống, với rất nhiều điều mới lạ. Đưa Nội đến đảo thiên đường, khi trở về Fin phải học cách tự trở về một mình mà không có nội, nhưng cậu biết chắc Nội vẫn luôn ở bên cậu.
Bon bắt mẹ đọc đi đọc lại cả chục lần trong một buổi tối, và trước giờ đi học ngày hôm sau.
“Cá voi đêm bão” và “Cá voi đêm bão - cuộc giải cứu mùa đông” là hai câu chuyện liên quan đến nhau.
Cậu bé Nim cứu chú cá voi và không thôi nhớ đến chú. Thì vào một đêm mùa đông chính cá voi đã cứu Nim còn những hàng xóm ngư dân đã cứu bố Nim cũng trong đêm bão ấy.
Bon đặt bao nhiêu câu hỏi xung quanh hai cuốn truyện này. Vì sao cá voi lại cứu được Nim? Vì đó là thần giao cách cảm giữa những tâm hồn có duyên với nhau, dù là giữa con người và động vật.
3. Bộ ehon gồm 3 cuốn “Báu vật của Neru và Mari”, “Cây sồi”, “Gia vị yêu thương”, Công ty sách Thái Hà
Ehon của Nhật viết về cảm xúc thường không quá trừu tượng, nhưng cực kỳ sâu sắc.
Báu vật của bạn là gì? Có phải là những đồ vật đẹp lấp lánh bạn bỏ cả sức khỏe của mình để đi tìm chỉ cốt khiến mọi người ngưỡng mộ thán phục hay không? Hay chính là người bạn đã lo lắng đã cứu bạn trong đêm đông giá rét.
Câu chuyện không chỉ dành cho trẻ con mà con là bài học sâu sắc cho cả người lớn nữa qua cuốn ehon “Báu vật của Neru và Mari”.
“Cây sồi” là câu chuyện kể về một cây sồi không thể ra quả chỉ vì lần đầu tiên ra quả nó đã bị các con thú trong rừng chê bai quả của nó chát quá. Nhưng rồi một chú Sóc chuyển đến ở, bằng sự chân thành và niềm tin tưởng tuyệt đối, bằng tình yêu đã khiến cây sồi cảm động và ra quả trở lại.
Liệu ba mẹ có thể tin tưởng con cái được như thế hay không?
“Gia vị yêu thương” là hành trình tìm ra bí quyết của đầu bếp Sói để khiến cậu chủ Sóc không còn chê món ăn mình nấu nữa. Và bí quyết ấy vô cùng đơn giản làm sao.
Món ăn ngon không phải từ nguyên liệu ngon, từ tay người đầu bếp giỏi, mà chính từ tình cảm mà người nấu dành cho người thưởng thức.
Gia vị yêu thương ở đây không gì khác chính là sự quan tâm, lắng nghe thấu hiểu của đầu bếp Sói với cậu chủ Sóc, người luôn cô đơn trong chính ngôi nhà của mình chỉ vì ba mẹ cậu luôn bận rộn với công việc mà bỏ quên mất phải thêm gia vị yêu thương cho cậu.
Bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng chưa hẳn là điều trẻ cần, mà cái con cần hơn là sự quan tâm, là thời gian được bố mẹ trò chuyện cùng con trong mỗi bữa ăn. Đó chính là gia vị yêu thương.
Để dạy trẻ học cách chia sẻ và suy nghĩ cho người khác, tác giả đã dùng câu nói lặp đi lặp lại xuyên suốt câu chuyện “Chiếc giỏ trống không như này thì thật tội nghiệp cho người đến sau”.
Hết gấu đến cáo, đến sóc… mỗi người sau khi ăn xong đều để lại vào giỏ một phần của mình để dành cho người tiếp theo.
Cho đi không có nghĩa là mất, rồi bạn sẽ nhận lại thôi, có thể theo một cách rất riêng. Nó cũng tương tự như câu chuyện “Củ cải trắng” của Việt Nam mà ở trường mầm non các cô hay đọc cho các bạn nhỏ đó.
Sẽ còn nhiều những cuốn ehon khác cũng rất hay mình sẽ cập nhật vào dịp sau cho ba mẹ đón đọc nhé!
Ehon là gì?
Ở Nhật, ehon là những câu truyện ngắn có tranh minh họa dành cho thiếu nhi, chủ yếu lứa tuổi dưới 10 tuổi.
Còn ở Việt Nam cũng có rất nhiều truyện có tranh minh họa đều có thể gọi là ehon. Cha mẹ có thể chọn những truyện ấy miễn là nội dung và hình thức phù hợp với lứa tuổi của con là được.
9 lợi ích lớn từ việc đọc ehon cho con
- Nuôi dưỡng năng lực đọc hiểu
- Nuôi dưỡng sự tập trung
- Nuôi dưỡng năng lực tưởng tượng
- Nuôi dưỡng năng lực văn chương
- Nuôi dưỡng cảm xúc phong phú và nhân văn
- Cung cấp kiến thức cho trẻ
- Là chất keo tuyệt vời để gắn kết tình cảm cha mẹ với con cái, tình yêu thương, sự tin tưởng…
- Là con đường bền chặt nhất xây dựng thói quen đọc sách sau này cho trẻ
- Và rất nhiều cũng tác dụng tuyệt vời khác về phát triển não bộ, cảm xúc, hình thành nên nhân cách của trẻ.