Sau khi tự ý sử dụng thuốc kháng sinh tại nhà, bệnh nhân sốt cao 40 độ C, ho đờm xanh, tím tái, hôn mê, thể trạng suy kiệt và phải vào bệnh viện cấp cứu.
Ngày 17/11, thông tin từ BV Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân C.V.D. (68 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) do tự ý sử dụng thuốc kháng sinh. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch.
Được biết, bệnh nhân có tiền sử tai biến mạch máu não và đã sử dụng thuốc kháng sinh tại nhà để điều trị. Sau khi tự ý dùng thuốc tại nhà, bệnh nhân sốt cao 40 độ C, ho đờm xanh, tím tái, hôn mê, thể trạng suy kiệt nên gia đình đưa đi cấp cứu.
Tại bệnh viện, kết quả nuôi cấy dịch màng phổi xét nghiệm dương tính với vi khuẩn Klebsiella Pneumoniae - loại vi khuẩn gây ra các loại bội nhiễm ở đường hô hấp, thường tấn công cơ thể con người khi hệ miễn dịch suy yếu.
Ngay sau đó, các bác sĩ đã hội chẩn và chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi kháng thuốc/tai biến mạch máu não cũ đã mở khí quản, loét cùng cụt. Sau 5 ngày điều trị bệnh nhân vẫn phải thở máy, cơn sốt thưa, nhiệt độ đỉnh giảm, các chỉ số xét nghiệm cải thiện chậm.
BSCKI. Đào Hồng Ngự - Trưởng Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Khi có dấu hiệu sốt, ho, cảm… người dân thường có thói quen ra hiệu thuốc và đa số thuốc mua về đều có thuốc kháng sinh.
Việc sử dụng thuốc kháng sinh không qua thăm khám, kê đơn của bác sĩ chuyên khoa, không uống đúng chỉ định, liều lượng và tự ý chuyển loại thuốc… là những nguyên nhân làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt hoặc ngăn chặn dẫn đến điều trị thuốc kháng sinh không còn tác dụng.
Điều này gây thách thức cho bác sĩ điều trị và nguy cơ tử vong cao cho người bệnh vì suy đa tạng, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết”.
Theo bác sĩ Ngự, về kê thuốc kháng sinh, dựa trên thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng kết luận chẩn đoán bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ lựa chọn kháng sinh phổ rộng có tác dụng với từng loại vi khuẩn trong định khu các nhiễm khuẩn.
Sau 3 ngày có kết quả kháng sinh đồ, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị theo kháng sinh đồ. Trên cơ sở đó, bác sĩ có thể chọn đúng thuốc trị đúng bệnh, hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh, giúp việc điều trị bệnh có hiệu quả và rút ngắn thời gian, chi phí điều trị bệnh cho người bệnh.
Kháng thuốc kháng sinh kéo dài thời gian nằm viện, tốn kém chi phí điều trị và nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. Trên thực tế có tới 80% trường hợp viêm họng, ho là do vi rút, không cần dùng đến kháng sinh vì có uống cũng không mang lại hiệu quả điều trị bệnh.
Vì vậy, để phòng ngừa kháng thuốc kháng sinh, bác sĩ khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt không nên tự ý mua thuốc kháng sinh sử dụng mà cần đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định tình trạng bệnh do virus, vi khuẩn, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý cận ung thư… để có chỉ định dùng thuốc thích hợp.
Khi được kê đơn thuốc, người bệnh cần tuân thủ uống đúng liều lượng, thời gian, không tự ý bỏ sớm hay kéo dài. Trong quá trình dùng thuốc kháng sinh nếu có bất thường, người bệnh phải đến bệnh viện tái khám để bác sĩ thăm khám, điều chỉnh liều lượng kháng sinh, tuyệt đối không tự ý thay đổi, mua thuốc ngoài hiệu thuốc.