Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trương ương cho biết: “Tất cả các loại kháng sinh dùng một thời gian là vi khuẩn sẽ quen dần, kháng dần, giống như chúng ta mua, sử dụng một đồ vật gì đó một thời gian và nó hỏng.
Một mặt con người phát minh ra thuốc để diệt vi khuẩn, vi khuẩn kháng lại thuốc và nếu tốc độ phát minh ra thuốc không nhanh bằng tốc độ kháng thuốc của vi khuẩn thì đến một thời điểm nào đó chúng ta sẽ không có thuốc để tiêu diệt vi khuẩn.
Điều nguy hiểm là nếu như một loại thuốc mới đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã kháng thì chúng ta sẽ chạy không kịp, mức độ kháng của vi khuẩn đang nhanh hơn tốc độ phát minh thuốc mới của con người.
Chính vì vậy mà các bác sĩ càng ngày càng có ít lựa chọn trong việc điều trị bệnh. Nhất là tại Việt Nam, mức độ kháng thuốc kháng sinh đang ngày càng gia tăng và ở mức cao hơn so với thế giới rất nhiều”.
Nói về nguyên nhân gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh gia tăng ở Việt Nam, bác sĩ Cấp cho rằng có mối liên quan mật thiết đến những thói quen không tốt của người Việt.
Trong đó có việc sử dụng kháng sinh không đúng, bừa bãi. Nhất là từ phía bệnh nhân, bệnh nhân tự mua thuốc kháng sinh để điều trị bệnh mà không cần thăm khám.
Người dân thấy không khỏe, chỉ cần ra hiệu thuốc có thể dễ dàng mua được thuốc kháng sinh, trong khi ở một số nước phải đi thăm khám, có đơn thuốc của bác sĩ mới có thể mua được thuốc.
Chính vì tự mua thuốc và tự sử dụng nên sẽ dẫn đến dùng không đúng liều lượng, không đúng chỉ định và dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
Một nguyên nhân nữa gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh là áp lực của bệnh nhân đối với thầy thuốc khiến thầy thuốc lạm dụng kháng sinh nhiều.
Sốt 2 – 3 ngày do virus là bình thường, sốt virus không cần dùng kháng sinh vẫn có thể khỏi bệnh, nhưng người bệnh lại gây áp lực cho bác sĩ là phải khỏi, phải nhanh, giảm sốt ngay…
Hoặc người bệnh không chịu tái khám cũng gây trở ngại cho bác sĩ. Nếu bệnh nhân tuân thủ tái khám thì khi quay lại khám, thấy bội nhiễm hoặc tình trạng nặng bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để điều trị, còn không bội nhiễm không cần dùng kháng sinh.
Nhưng nếu người bệnh chỉ đến khám 1 lần, không quay lại khám lại thì đôi khi các thầy thuốc phải sử dụng giải pháp an toàn là cho dùng luôn kháng sinh để tránh tình trạng bội nhiễm. Và chính những điều này làm ảnh hưởng đến việc khám và kê đơn của thầy thuốc.
Một yếu tố nữa gây ra tình trạng kháng thuốc là sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp. Mặc dù các cơ quan chức năng đã cấm việc trộn kháng sinh trong thức ăn gia súc, nhưng vì cấm trộn trong đồ ăn gia súc nên giờ người ta trộn vào thực phẩm bổ sung. Đó là lý do vì sao các loại thực phẩm tôm, cá… có dư lượng kháng sinh cao.
Ngoài ra, phương tiện chẩn đoán bệnh của chúng ta chưa tốt cũng gây ra tình trạng lạm dụng kháng sinh và dẫn đến kháng thuốc.
Bởi với phương tiện chẩn đoán tốt, có bằng chứng rõ ràng là bội nhiễm thì sẽ phải dùng kháng sinh để điều trị bệnh.
Nhưng nếu phương tiện chẩn đoán không tốt, không có bằng chứng rõ ràng về bội nhiễm, thầy thuốc phải quyết định bằng cảm quan của mình thì sẽ xảy ra tình trạng có thể bệnh chưa phải dùng đến kháng sinh nhưng thầy thuốc vẫn kê đơn có kháng sinh.
Chính thói quen lạm dụng kháng sinh, sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi làm tăng nguy cơ kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam và dẫn đến nhiều nguy hại cho sức khỏe và cộng đồng.
Với người dân, để ngăn ngừa nguy cơ kháng thuốc phải thực hiện sử dụng kháng sinh đúng. Kiểm soát chặt việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, kiểm soát việc mua, bán kháng sinh bừa bãi. Khi bị bệnh, nên đi khám thầy thuốc, tuân thủ tái khám và dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Kháng thuốc kháng sinh ngày càng tăng mạnh vì những thói quen này của người Việt tại chuyên mục Y tế 24h của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].