Hội chứng ruột kích thích, hay còn có tên gọi khác là đại tràng co thắt, có những thể bệnh khác nhau mà người bệnh khi mắc cần được chẩn đoán rõ để điều trị hiệu quả.
Theo PGS. TS. Bác sĩ cao cấp Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo Tiêu hóa, Gan mật, nhiều bệnh nhân chưa hiểu rõ về hội chứng ruột kích thích, đặc biệt nhiều người dù đi khám đã được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh ruột kích thích nhưng vẫn không biết mình mắc bệnh này ở thể nào, hướng điều trị cụ thể ra sao.
Hội chứng ruột kích thích phân loại theo Tây y
Bác sĩ Nguyễn Duy Thắng cho biết: “Ngày nào tôi cũng có bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích đến khám, họ có rất nhiều thắc mắc. Tại sao bị đau bụng như thế này, khó ăn, khó ngủ... mà bác sĩ bảo không viêm đại tràng, không có gì nguy hiểm? Liệu bệnh này có chữa được không, có dẫn đến ung thư đại trực tràng không?”
Bác sĩ Thắng cho rằng, bác sĩ cần giải thích rõ để bệnh nhân hiểu về bệnh, bởi vì bệnh này liên quan nhiều đến tâm lý, thần kinh, nên khi bệnh nhân thiếu hiểu biết, lo lắng về bệnh quá mức, sẽ rất khó để chữa khỏi bệnh.
Cụ thể, theo bác sĩ Thắng, chứng ruột kích thích được chia làm 4 thể:
Tùy theo từng thể bệnh, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả, giảm thiểu các triệu chứng bệnh.
Hội chứng ruột kích thích phân loại theo Đông y
Theo Lương y Nguyễn Thúy (phòng khám Đông y Ích Thọ Đường, Hà Nội) có thể chia bệnh nhân mắc chứng ruột kích thích theo thể hàn và thể nhiệt, thể khí trệ.
Lương y Nguyễn Thúy cho biết kinh nghiệm khám chứng ruột kích thích như sau: “Bệnh ruột kích thích cũng như các bệnh khác, Đông y có tổng kết là phải khám đủ 4 bước: Vọng – Văn – Vấn – Thiết thì mới chẩn đoán đúng. Trong đó Vọng tức là xem sắc mặt, các biểu hiện bên ngoài của bệnh nhân, Văn là nghe tiếng nói của bệnh nhân, Vấn là hỏi bệnh, khai thác các triệu chứng bệnh. Cuối cùng là Thiết – tức là bắt mạch”.
Ngoài ra, để có thể xác định đúng là bệnh nhân mắc chứng ruột kích thích, tức đại tràng co thắt, thì bác sĩ Đông y cũng cần tham khảo kết quả nội soi đại tràng, để loại trừ các căn bệnh có triệu chứng tương tự như viêm đại tràng.
Hiểu thế nào cho đúng về hội chứng ruột kích thích, còn được gọi là đại tràng co thắt?
Ruột già, còn có tên gọi khác là đại tràng, nối giữa ruột non với trực tràng và hậu môn. Các chức năng chính của ruột già là hấp thụ nước, chất dinh dưỡng và muối từ các thực phẩm đã được tiêu hóa một phần ở ruột non. Phần chất thải sau khi tiêu hóa sẽ được ruột già đẩy xuống trực tràng và hậu môn.
Cơ chế hoạt động của ruột già như sau: Một ngày co bóp vài lần, đẩy phân xuống trực tràng, dẫn đến nhu cầu đại tiện. Sự co bóp này được điều khiển bởi các dây thần kinh, kích thích tố, và các xung bên trong các cơ của ruột già.
Nếu các cơ của ruột già, cơ vòng và xương chậu không kết hợp một cách đúng đắn, cũng như ruột già quá nhạy cảm trước các kích thích, sẽ dẫn đến cơ chế nêu trên (sự co thắt) diễn ra không bình thường.
Hệ quả là bệnh nhân bị các triệu chứng như đau quặn bụng, bụng nổi u cục, đầy bụng, tiêu chảy, táo bón, cảm giác đi ngoài không hết phân...
Nhiều tài liệu nhắc đến hội chứng ruột kích thích với tên gọi “viêm đại tràng co thắt”, nhưng đây là cách gọi không chính xác. Khi bị hội chứng ruột kích thích, người bệnh không có tổn thương về mặt thực thể, tức là hoàn toàn không bị “viêm” trong hệ thống tiêu hóa.