Hành động phụ huynh vào trường đưa bé trai lớp 1 ra ngoài hành hung để giải quyết mâu thuẫn giữa trẻ con là sai trái và đáng phê phán.
Theo báo cáo từ phòng GD&ĐT TP Hòa Bình, sự việc xảy ra chiều 10/7. Lúc này, em K. đang ở cổng thì bị Phạm Duy Đức (SN 1978), là phụ huynh của em P.H.L (bạn học cùng lớp với cháu K.), yêu cầu bé đi theo tới chỗ khuất. Sau đó, Đức hành hung khiến cháu bé chảy máu mũi, miệng.
Trước đó, ngày 8/7, cháu K. và L. trêu đùa dẫn tới xảy ra mâu thuẫn trong giờ ra chơi. Sau đó, học sinh L. báo cô giáo chủ nhiệm. Cô giáo cũng gặp riêng 2 em để lắng nghe, giải thích và đề nghị 2 bạn xin lỗi nhau.
Mặc dù sự việc đã được hòa giải, nhưng tới ngày 10/7 khi Đức đưa con đi học, gặp cháu K. ở cổng trường, bưc xúc chuyện mâu thuẫn 2 cháu đã có hành vi hành hung cháu L.
Liên quan đến việc này, GS.TS. NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho rằng, bất cứ bạo lực về thể chất hay tinh thần với trẻ em, người gây ra bạo lực đó là sai.
Mâu thuẫn giữa trẻ nhỏ với nhau chúng có thể tự giải quyết được. Trường hợp trẻ không giải quyết được thì ở gia đình thì phản ánh với gia đình, ở trường học phản ánh với nhà trường.
Người lớn không có quyền xâm phạm thân thể của trẻ nhỏ dù bất cứ lý do gì. Nhất là khi trẻ đang ở trong trường học lại vào trường đưa đưa ra ngoài để hành hung lại càng sai trái. Đó là xâm phạm quyền trẻ em.
Những đứa trẻ bị bạo hành, đặc biệt là ở chỗ đông người sẽ chịu những tổn thương nhất định về mặt tâm lý, cùng với đó là những tổn thương về thể chất.
Với trường hợp em bé này, trẻ bị tổn thương chảy máu mũi, đau đầu, phải vào viện, kèm theo đó là những ảnh hưởng về tinh thần…
Cháu bé mới chỉ học lớp 1, dùng bạo lực sẽ khiến trẻ bị stress nặng, bị chấn thương về mặt tinh thần, sợ hãi, lo lắng sợ tới trường và từ đó có thể đưa ra những tiêu cực.
“Nếu bị đánh mà trẻ không nói với gia đình, nhà trường, cứ im lặng sẽ dẫn đến trầm cảm, không có cách nào để giải thoát được. Về lâu dài hình thành sự tự ti, mặc cảm về bản thân, cảm thấy xung quanh thiếu an toàn, bất công.
Còn nếu trẻ nói với bố mẹ mình về việc bị phụ huynh của bạn học đánh, bố mẹ bé ôn hòa và hiểu biết sẽ không gây sự với phụ huynh kia.
Nhưng nếu bố mẹ bé cảm tính cũng dễ dàng gây hấn để bảo vệ con sẽ dẫn đến những hệ luỵ không hay. Từ mâu thuẫn của trẻ con rất dễ dẫn tới mâu thuẫn của người lớn.
Đối với nhà trường, việc phụ huynh dùng bạo lực với trẻ sẽ ảnh hưởng đến tập thể trẻ em trong lớp học cũng như trong trường học.
Đó là chưa kể đến ảnh hưởng giáo dục chung của nhà trường. Do đó, nhà trường cũng cần rút kinh nghiệm là học sinh đang trong khuôn viên nhà trường cần phải bảo vệ, quản lý và có trách nhiệm" – GS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho hay.
GS Nguyễn Võ Kỳ Anh cũng chia sẻ, khi người lớn có thái độ tiêu cực giải quyết mâu thuẫn của con trẻ, chính con cái của họ cũng là người chịu ảnh hưởng không kém đứa trẻ bị đánh.
Bởi đứa trẻ đó sẽ chịu ảnh hưởng hình ảnh của người cha, người mẹ đánh bạn mình và sau đó hiểu rằng muốn giải quyết vấn đề gì đó, muốn chiến thắng phải dùng đến bạo lực.
Thói quen bạo lực để làm việc và ứng xử với người khác sẽ hình thành ở trẻ. Thêm vào đó là trẻ có thể bị tổn thương tâm lý nếu như bị các bạn ở trong lớp cô lập, nói xấu, tẩy chay… do bố mình đánh bạn trong lớp.
Thông thường, khi thấy con mình bị đánh hay bắt nạt, bố mẹ thường có tâm lý lo lắng nên dễ tức giận và thường mất đi sự thông minh trong giải quyết vấn đề.
Để tránh mắc sai lầm, những lúc con xảy ra mâu thuẫn với bạn, cha mẹ cần tìm cách giải quyết bình tĩnh chứ không nên dùng sức mạnh bạo lực để trị tội đứa trẻ.
Cha mẹ cần hiểu việc ứng xử cũng như giải quyết vấn đề không chỉ là để có thể giải quyết được vấn đề, mà qua đó làm sao giúp con học được bài học kinh nghiệm, cách ứng phó, xử lí tình huống tương tự trong tương lai.
Cha mẹ cần làm gương trong cách ứng xử để con bắt chước và học hỏi, chuẩn bị cho con hành trang ứng xử và giải quyết vấn đề tốt nhất thay vì chỉ biết dùng bạo lực.