Với mức bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 5.000 đồng/bao vào năm 2020, Bộ Y tế ước tính sẽ giúp 1,8 triệu người bỏ thuốc, qua đó tránh được 9.000 nghìn ca tử vong sớm trong tương lai và giúp nguồn thu thuế của Chính phủ tăng thêm gần 11 nghìn tỉ đồng.
Bé N.M.H (5 tháng tuổi, TP. Tuyên Quang) vừa sinh ra đã mắc bệnh xơ phổi. Lúc đầu, con chỉ có những biểu hiện đơn thuần như khó thở, thở khò khè, ho kéo dài, quấy khóc… Người thân trong gia đình nghĩ con bị bệnh hô hấp, đi khám chữa khắp nơi những không tìm ra bệnh.
Càng về sau, tình trạng bệnh con càng nặng, ho ra máu, thở rít dài, nhiều lúc người tím đen vì khó thở. Lên bệnh viện tuyến Trung Ương, gia đình mới biết bé H. bị xơ phổi sơ sinh.
Căn bệnh có nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng đáng tiếc nhất, con mắc bệnh do phơi nhiễm khói thuốc lá trong nhà.
Khi nghe đến đó, mẹ bé H. không khỏi xót xa, giận dữ… Chỉ mong chờ có những phép màu sớm đưa con trở lại bình thường.
Xơ phổi ở trẻ sơ sinh, đột tử ở trẻ sơ sinh… chỉ là một số ít trong những bệnh do khói thuốc lá gây ra. Với 7.000 hoá chất, trong đó có 69 chất gây ung thư, thuốc lá đang là yếu tố nguy cơ cao giết dần, giết mòn con người.
Tại Việt Nam, 1/2 số trẻ em từ 13 - 15 tuổi, 2/3 phụ nữ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động ngay tại gia đình mình. Trên thế giới, 64% số tử vong do hút thuốc thụ động, phần lớn số tử vong đó rơi vào nữ giới. Hàng triệu người mất đi khả năng lao động vì ốm đau, tử vong sớm hơn do mắc 25 nhóm bệnh từ nó gây ra.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc lá tăng thêm tỉ lệ viêm đường hô hấp, tăng triệu chứng hô hấp mãn tính, giảm sự phát triển ở phổi và tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân.
Điều đó chỉ ra rằng, phụ nữ, trẻ em - những người không sử dụng thuốc lá nhưng đang phải gánh chịu hậu quả của thuốc lá thụ động, phơi nhiễm ngoài ý muốn đó là bệnh tật và tử vong do những người hút thuốc gây ra.
Chưa kể, thuốc lá gián tiếp làm nghèo đi thu nhập của mỗi gia đình. Ngay ở Việt Nam, năm 2015, nếu không hút thuốc lá, đất nước đã tiết kiệm 31 nghìn tỉ đồng, số tiền đó có thể mua được 2,4 triệu tấn gạo đủ nuôi sống 14,3 triệu người. Trong khi đó, vừa mất tiền tiêu thụ thuốc lá, cộng đồng còn phải chi ra hơn 24 nghìn tỉ đồng để chữa bệnh do khói thuốc gây ra.
Tăng thuế thuốc lá thêm 3.000 đồng/bao, nhưng lại cứu sống 9.000 người/năm
Thuế trên giá bán lẻ của thuốc lá hiện nay ở Việt Nam thấp thứ 3 trong khu vực, chỉ chiếm khoảng 35% trong khi khuyến cáo của WHO là từ 70% trở lên. Vì vâỵ, giá bán thuốc lá ở Việt Nam còn rất rẻ và sức mua thuốc lá của người dân đã và đang gia tăng theo thu nhập.
Với hàng loạt các hệ luỵ có thể nhìn thấy, các nhà chức trách, chuyên gia cho rằng, để hạn chế tình trạng này ngoài việc tiếp tục siết chặt những quy định hút thuốc lá ở nơi công cộng, tiến tới giảm hút thuốc thụ động tại mỗi gia đình.
Bà Trần Thị Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chia sẻ: “Những năm qua Hội triển khai chiến dịch Phụ nữ xây tổ ấm không khói thuốc giúp phụ nữ nâng cao nhận thức, kiến thức về ảnh hưởng của hút thuốc lên sức khoẻ của chính người đang hút và những người xung quanh họ.
Đồng thời, chúng tôi hướng dẫn phụ nữ chủ động xây dựng tổ ấm không khói thuốc, vận động người thân hút thuốc văn minh và có ý thức, tuyệt đối không để khói thuốc lá gây ảnh hưởng đến sức khoẻ mọi người xung quanh nhằm tạo ra ngày càng nhiều tổ ấm không khói thuốc, góp phần xây dựng môi trường không khói thuốc”.
Thế nhưng, suy xét đến cùng, giải pháp quan trọng nhất, chính là để mức đánh thuế tiêu thụ thuốc lá ở đúng vị trí nó cần có.
TS. Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế qua tính toán của các chuyên gia kinh tế khuyến cáo: “Từ 1/1/2020, bên cạnh biểu thuế theo tỉ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 5.000 đồng/bao bì thì với mức thuế tăng như trên, tỉ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 6,5% và giúp tránh được 900.000 ca tử vong sớm do hút thuốc theo mục tiêu của Chính phủ và phương pháp này giúp nguồn thu thuế của Chính phủ tăng thêm khoảng gần 11 nghìn tỉ đồng”.
Đồng quan điểm, TS Tom Carroll - Cố vấn cao cấp của Tổ chức Sức khỏe toàn cầu Vital Strategies cũng đưa ra kết luận: “Đa phần những người được hỏi đều ủng hộ mạnh mẽ cho các thông điệp về việc tăng thuế thuốc lá để giảm hút thuốc lá và các tác hại cũng như gánh nặng giúp bảo vệ sức khoẻ phụ nữ và trẻ em”.
Chính vì vậy, chính sách thuế và giá là một trong những chính sách hiệu quả giúp giảm tiêu dùng thuốc lá đã được WHO khuyến cáo cho các Quốc gia. Các chuyên gia Việt Nam cho rằng, giá thuốc lá cao sẽ tạo động lực giúp người hút bỏ thuốc hoặc giảm lượng tiêu thụ, giảm số người mới hút.
Tăng thuế thuốc lá là giải pháp “cùng thắng”, bởi nó vừa hiệu quả trong giảm tiêu dùng và hút mới, đặc biệt với thanh thiếu niên và người nghèo, vừa tăng thu ngân sách.
Bộ Y tế khuyến cáo mức thuế tối thiểu ở Việt Nam bên cạnh biểu thuế tỉ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 2.000 đồng/bao và tối ưu là 5.000 đồng/bao. Với mức bổ sung 5.000 đồng/bao thì tỉ lệ hút thuốc giảm 6,5% tuyệt đối, sẽ giúp 1,8 triệu người bỏ thuốc và qua đó tránh được 9.000 nghìn ca tử vong sớm trong tương lai.