Chiều 31/5, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã phát động hưởng ứng Ngày thế giới không khói thuốc. Theo báo cáo của Bộ Y tế, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hoá chất, trong đó có 69 chất gây ung thư.
Khi khói thuốc lan toả trong không khí, đặc biệt là tại những nơi khép kín, đông người sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của những người không hút thuốc lá nhưng hít phải khói thuốc thụ động.
Người hút thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc các bệnh ung thư, đột quỵ, các bệnh về hô hấp và tim mạch. Ở người lớn, hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn 25 - 30%, tăng nguy cơ mắc ung thư phổi hơn 20% - 30% so với người không hít phải khói thuốc.
Ở trẻ em, hút thuốc thụ động gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, làm nặng thêm các triệu chứng hen và là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động có thể bị sảy thai, thai nhi chậm phát triển hoặc sinh non.
Việt Nam vẫn là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Theo ước tính từ cuộc Điều tra hút thuốc ở người trưởng thành năm 2015 (GATS 2015), tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 45,3% ở nữ giới là 1,1%, tổng cộng có trên 15 triệu người lớn hiện đang hút thuốc lá, thuốc lào.
Việt Nam phải đối mặt với 40.000 ca tử vong mỗi năm vì thuốc lá. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao. Theo Bộ Y tế, dự kiến con số này có thể tăng gần gấp đôi vào năm 2030 nếu không có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả.
Lí giải về con số này, PGS. TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnhm Bộ Y tế chia sẻ: "Công tác phòng chống tác hại thuốc lá còn gặp rất nhiều khó khăn vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, giá thuốc lá còn rất rẻ và được bày bán khắp nơi, tạo điều kiện cho thanh thiếu niên và người nghèo dễ dàng tiếp cận và sử dụng thuốc lá. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá mặc dù đã được đẩy mạnh trong thời gian qua nhưng còn chưa thường xuyên”.
Ngoài gặp phải những gánh nặng về sức khoẻ cộng đồng, hút thuốc lá còn phải đối mặt với tổn thất về kinh tế, dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia nhưng phần này không đủ để bù đắp cho những tổn thất kinh tế, sức khoẻ của nó với các cá nhân, gia đình và xã hội.
Năm 2015, người dân Việt Nam đã chi mua thuốc lá số tiền là 31.000 tỷ đồng. Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) do hút thuốc gây ra là hơn 23.000 tỷ đồng một năm.
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, bệnh lý mạch vành, bệnh lý mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên, rối loạn nhịp tim, phình tách động mạch chủ. Các nguy cơ này tăng lên tỷ lệ thuận với khối lượng thuốc hút và thời gian hút thuốc.
Nhân hưởng ứng Ngày thế giới không khói thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn nhìn nhận: "Chúng ta biết rằng sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hoá, giáo dục là mục tiêu hướng tới của mọi quốc gia, nhưng chúng ta cũng biết rằng sức khoẻ là điều kiện không thể thiếu để đạt được sự phát triển bền vững ấy. Một trong những yêu cầu cấp thiết của y tế công cộng hiện nay là bảo vệ cộng đồng khỏi những nguy cơ về sức khoẻ do sử dụng thuốc lá gây ra".
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Con số biết nói: Việt Nam chi hơn 31.000 tỷ đồng một năm chỉ để mua thuốc lá tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].