Đó là đánh giá của Quốc hội trong việc ‘đánh’ và ‘dẹp’ thực phẩm bẩn ra khỏi cuộc sống.
Tại Tọa đàm trực tuyến ‘Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn: Bất cập trong quản lý vài giải pháp cho doanh nghiệp’, ông Hồ Quang Thái - Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả cho biết, thực trạng thực phẩm bẩn vẫn đang gây bức xúc trong dư luận. Nhất là khi đi chợ, siêu thị mua thực phẩm, người tiêu dùng băn khoăn không biết dùng loại thực phẩm nào.
Theo đó, Quốc hội đã có chương trình giám sát về an toàn thực phẩm. Đây dược coi là 1 trong 10 sự kiện nổi bật trong năm 2017. Bộ luật Hình sự sửa đổi cũng đã bổ sung thêm một số nội dung liên quan quan đến việc có nhiều hành vi vi phạm an toàn thực phẩm được hình sự hóa.
Để thấy vấn đề an toàn thực phẩm có tầm quan trọng vô cùng, được cả xã hội quan tâm chú ý. Song song đó, chuyện được tiếp cận, sử dụng thực phẩm an toan cũng đang trở thành quyền cơ bản với mỗi con người.
Tuy nhiên, kinh doanh, sản xuất hàng trái phép, thực phẩm lẫn hóa chất, không ôi thiu hay hàng loạt các vụ ngộ độc, bệnh tật do thực phẩm kém chất lượng lại là bài toán trăn trở mà cả xã hội chưa thể tìm lời giải.
Cụ thể, Quốc hội đã chỉ rõ các nguyên nhân, tình trạng thực phẩm bẩn vẫn còn diễn ra như việc sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm, công nghệ chế biến lạc hậu, thu hồi chưa nghiêm.
Chưa kể tới, hàng loạt vụ sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại làm thành phần chế biến thực phẩm được báo chí phanh phui.
Ngoài những sự việc người kinh doanh ‘nhắm mắt làm bừa’ do thiếu hiểu biết thì còn vô vàn chủ sản xuất cố tình phạm pháp.
Gần đây nhất, vụ việc chủ cơ sở sản xuất cá khô tại Khánh Hòa dùng thuốc tẩy giun ướp cá hay như vụ việc, dùng đạm giả, thuốc an thần trong chăn nuôi khiến dư luận bàng hoàng.
Hay như thời điểm cận Tết Nguyên đán, lợi dụng thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, các đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, đưa các sản phẩm kém chất lượng ra thị trường. Vì thế, rất nhiều các vụ ngộ độc, thậm chí dẫn đến tử vong đã xảy ra.
Hàng loạt các ban ngành đều tham gia vào trận chiến, tuy nhiên, các cơ sở, căn cứ xác định hàng giả, xử phạt người sai phạm còn vô cùng khó khăn, người dân chưa kiên quyết với việc phòng chống vi phạm an toàn thực phẩm. Điều đó khiến vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn có xu hướng gia tăng.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đấu tranh với các hành vi dối, sai phạm nghiêm trọng an toàn thực phẩm còn nhiều gian nan, bởi các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn hoạt động ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Trong khi đó, việc quản lý, thanh kiểm tra và phòng chống thực phẩm bẩn của các cơ quan hữu quan còn chồng chéo, bất cập.
Ông Hồ Quang Thái - Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả chia sẻ, 6 năm vừa rồi mới chỉ khởi tố được một vụ về VSATTP.
Muốn xác định được hàng giả thì trên tay phải có hàng thật để so sánh và có đơn khởi kiện của doanh nghiệp thì cơ quan quản lý mới có cơ sở để xử lý. Đó là chưa kể hành lang pháp lý chưa đủ mạnh.
Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cũng cho biết, qua thực tế kiểm tra cho thấy, nếu an toàn thực phẩm vẫn còn những cơ sở nhỏ lẻ thì việc không an toàn vẫn còn tiếp tục xảy ra. Một số địa phương đã làm được bước đầu về ô nhiễm môi trường nhưng an toàn thực phẩm thì chưa.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc Công ty CP Nấm Việt đề xuất, trong cuộc đấu tranh chống thực phẩm bẩn, nguồn bẩn xuất phát từ đâu thì phải trị từ đó. Ông Quỳnh mong muốn cơ quan quản lý xử lý được vấn đề trộn lẫn hàng hóa để doanh nghiệp có thể cạnh tranh được trên thị trường.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam khẳng định, để khắc phục những tồn tại, yếu kém, đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, các vị đại biểu đánh giá cao vai trò của truyền thông trong việc phát hiện, tố giác các đơn vị kinh doanh, sản xuất hàng kém chất lượng.
Bên cạnh đó, truyền thông cũng nên hướng tới việc truyền bá lợi ích của thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn cho dân chúng.