Trong năm 2020, Hà Nội đã phát hiện và xử phạt 6.020 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với số tiền phạt là gần 20,6 tỷ đồng.
Theo báo cáo, thành phố Hà Nội hiện có 83.712 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 58 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 673 điểm giết mổ thủ công, 454 chợ, 141 siêu thị, 25 trung tâm thương mại, 5.044 ha trồng rau an toàn được quản lý, giám sát.
Sản xuất thực phẩm của thành phố đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, song song tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới trên địa bàn thành phố, trong năm 2020, thành phố đã thành lập trên 900 đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP tổ chức thanh tra, kiểm tra 85.260 lượt cơ sở, trong đó, đã phát hiện và xử lý vi phạm 6.020 cơ sở với số tiền phạt là gần 20,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn tiêu hủy 173 con gia cầm, 177 kg thịt, 142 kg thịt lợn, 1.049 kg thịt gia cầm và 1.700 kg sản phẩm động vật khác làm thực phẩm không rõ nguồn gốc, 1,3 tấn mì chính giả, 2 tấn thực phẩm chức năng, 20 tấn thực phẩm đông lạnh, 1.819 sản phẩm thực phẩm, hơn 5 tấn bánh kẹo các loại, 1,5 tấn trà sữa...
Cùng với đó, cơ quan chức năng thành phố đã lấy 1.217 mẫu thực phẩm, kết quả xét nghiệm 1.138 mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh, hóa lý (tỷ lệ đạt 93,5%) và 79 mẫu xét nghiệm không đạt; xét nghiệm nhanh 186.311/201.200 mẫu (tỷ lệ đạt 92,6%) bao gồm xét nghiệm nhanh dụng cụ, tinh bột, nước sôi có số xét nghiệm đạt là 164.036/180.260 mẫu (tỷ lệ đạt 91%); các xét nghiệm thực phẩm, dấm, phẩm màu, hàn the... đều đạt tỷ lệ trên 97%.
Toàn thành phố cũng đã cấp 2.058 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, 956 giấy tiếp nhận công bố, 190 giấy xác nhận nội dung quảng cáo, 12.120 bản tự công bố sản phẩm, 1.224 giấy xác nhận kiến thức ATTP cho tổ chức và các cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Năm 2021, thành phố Hà Nội cho biết sẽ tập trung triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo đảm ATTP.
Trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ATTP trên toàn thành phố, đặc biệt tập trung kiểm tra hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực ATTP.
Thực hiện các hoạt động thuộc chương trình y tế - dân số năm 2021 bao gồm các hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm và hoạt động tăng cường năng lực kiểm nghiệm ATTP. Triển khai các mô hình điểm, chuyên đề ATTP năm 2021.
Cùng với đó, thành phố sẽ tăng cường công tác thông tin truyền thông về ATTP. Tổ chức các hình thức thông tin tuyên truyền đa dạng. Phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về ATTP nhận biết thực phẩm an toàn, kết nối cung cấp tiêu thụ sản phẩm an toàn. Tuyên truyền ATTP lồng ghép với phòng chống dịch bệnh.
Đặc biệt sẽ giám sát ngộ độc thực phẩm, kiểm tra, hỗ trợ bảo đảm ATTP tại các nơi cung cấp bữa ăn. Giám sát đảm bảo ATTP các kỳ họp, hội nghị; sự kiện chính trị khác trong nước và quốc tế tổ chức tại Hà Nội. Thực hiện tốt ứng dụng CNTT trong giải quyết các TTHC về ATTP theo đúng trình tự và thời gian…