Mỗi khi cãi nhau thật lớn với chồng, mình thường hay bỏ ra chỗ khác, còn chồng mình, sau một thời gian im lặng thì sẽ gọi với vào nhà, bảo: 'Có uống trà không?'. Mình coi, đó là dấu hiệu làm lành.
Ngày bé, mình không thích ăn cơm với gia đình lắm. Nói chung là bởi mình cảm thấy phiền và thấy mất thời gian. Tuổi trẻ mà!
Mẹ của mình, khi mình tròn 19 tuổi thì tuyên bố giảm cân nên không ăn tối, nhà lại chỉ có 2 mẹ con nên mình thường xuyên ăn ở ngoài cùng chúng bạn vì không thích ăn 1 mình. Nhưng trong lòng, mình thèm khát bữa cơm nóng hổi có đủ cả nhà quây quần bên nhau nói dăm ba câu chuyện tẻ nhạt.
Lớn lên, rồi lấy chồng, rút kinh nghiệm bản thân, mình ít khi để anh phải ăn một mình và cũng thường xuyên gọi mọi người đến nhà ăn cho... vui. Và, càng trưởng thành mình càng nhận ra rằng, khi còn trẻ, người ta sẽ không để tâm nhiều lắm tới gia đình.
Cuộc sống càng vội vã và không phải nhà ai cũng có thời gian để ăn chung với nhau một bữa cơm. Con cái bận đi học, cha mẹ bận đi làm. Đến lúc về gặp nhau thì đã tối muộn mất rồi, muốn ngồi lại với nhau thì lại chẳng có cơ hội nào.
Mình với chồng nhiều khi cũng không có thời gian ngồi lại với nhau bên bữa ăn mỗi khi bận bịu. Có đợt cả tuần không ăn cơm cùng nhau cũng là rất bình thường.
Thế nhưng, vẫn có một nơi mà chúng mình không bao giờ bỏ qua mà vẫn dành thời gian ngồi lại mỗi ngày. Đó là bên bàn trà.
Bàn trà nhà mình không giống trên quán, nghĩa là đủ đầy dụng cụ nào chén nào trầm, nào bếp nào ấm đồng. Nó đã được anh bạn cùng nhà tinh giản và phù hợp với không gian gia đình.
Đó là một bàn trà giản đơn không cầu kì, bao gồm ấm, chén, tống và trà. Một bàn trà để chúng mình ngồi lại với nhau sau cả ngày chiến đấu lại thế giới mỏi mệt ngoài kia.
Mỗi khi cãi nhau thật lớn với chồng, mình thường hay bỏ ra chỗ khác, còn chồng mình, sau một thời gian im lặng thì sẽ gọi với vào nhà, bảo: "Có uống trà không?". Mình coi, đó là dấu hiệu làm lành.
Mỗi sáng ngủ dậy, chồng mình sẽ pha một ấm trà. Có thể chờ hoặc không chờ mình nấu đồ ăn sáng, vẫn ngồi ngoài bàn trà và lại gọi với ra: "Em! Vào uống trà".
Tối tối, ăn cơm xong, chồng mình lại chờ mình ngoài bàn trà với đôi chén sứ Cảnh Đức trắng ngọc trắng ngà, mình rửa bát xong sẽ nhanh tay với lấy chiếc chén còn lại đã được rót đầy trà lên uống.
Tụi mình có thể nói chuyện hoặc không, có thể kể về những điều đã qua, đã xa hay sắp tới hay nói về con cái, về những dự định hay cách dạy con… Mỗi lần mình nói huyên thuyên nhiều quá, chồng vẫn thường rót thêm trà đầy ý nhị vào chén. Mình nhìn thấy bèn thôi mà uống cạn.
Mình thích, mỗi lúc chồng gọi "ra uống trà" hay những lúc mình tự động pha một ấm Long Đậu, gọi với vào trong nhà mời mọi người ra quây quần bên chiếc bàn nhỏ xinh chưa đầy hai mét vuông. Như thế, thay vì cắm mặt vào smart phone, bọn mình nói chuyện và cười cùng nhau. Nhà mình, có cái bàn trà "vạn năng" như thế.
Mọi lúc vui, buồn, chán, hoạt động đều xoay quanh cái bàn trà như thể nó là một thành viên chưa bao giờ thiếu trong gia đình. Mỗi lần đi xa hay có việc đâu đó rời Hà Nội vài ba ngày, mình luôn nhớ mùi khói thuốc mà bạn cùng nhà ngồi đối diện hay hút, mình cũng nhớ tiếng rót nước vào chén hay thứ hương cốm ngọt ngậy của thức trà Thái Nguyên Long Đậu.
Mình nhận ra một điều rằng, bất kể có chuyện gì xảy ra với bản thân vào ban ngày thì quan trọng nhất là đến tối bạn có một chỗ để trở về. Trở về nơi có người mừng khi thấy bạn.
Vẫn là, không có gì tệ hơn là sự cô độc.
Nhà bạn có một bàn trà không?