“Bánh mì cô đơn” là bản dịch đã theo tôi trong hai năm, qua năm thành phố, ba đất nước, hai châu lục, với rất nhiều khắc khoải của cuộc sống và nỗi cô đơn của chính tôi. Với bản thân, tôi coi đây là cuốn sách cho tuổi tam thập nhi lập, và cho phần cứng rắn quyết liệt gàn dở bên trong đội lốt ẻo lả nhõng nhẽo mau nước mắt bên ngoài của mình.
Là người dịch, phần nào có nghĩa là phải bắt được thần thái của nhân vật và khiến nhân vật hiện lên sống động và sắc nét bằng từ ngữ. (Trừ trường hợp các nhân vật vốn nhạt nhòa ngay từ trong nguyên tác).
Dù chủ ý nhận dịch tác phẩm ở những thể loại khác nhau, tôi vẫn coi mình là một kẻ học việc, tìm cách mở rộng “vùng dễ chịu” của mình để đến với những tác phẩm, những nhân vật lạ lùng hơn, gai góc hơn, khác với bản thân tôi hơn.
“Bánh mì cô đơn” là một ca từa tựa như vậy, với dàn nhân vật nữ mỗi người một vẻ, từ mơ màng đa đoan, cá tính quyết liệt, trầm tư giản dị, đến nanh nọc cục súc, và nhẫn nại một cách đầy ích kỷ. Có thứ nữ tính ngọt ngào như mật ong sánh lăn trên lát bánh mì phết bơ, có thứ nữ tính nồng nàn như cà phê ấm sực một góc mùa đông, lại có thứ nữ tính vụng về đáng mến trong những tâm sự khù khờ, và cũng có thứ nữ tính ram rám mà cảm động đến thắt lòng.
Nguyên tác là của tác giả, nhưng tôi tìm thấy những mặt khác nhau của mình trong từng nhân vật, và bản dịch có một phần của tôi trong đó…
"Chỉ có một nơi tôi có thể tới – ngôi nhà ở Encino nơi tôi đã lớn lên, bây giờ chỉ có mình mẹ. Mới lái xe theo con phố uốn lượn trong tiểu khu này, hai bên đường những căn nhà phỏng theo kiến trúc Tây Ban Nha, các tầng cao thấp khác nhau, và những dãy nhà kiểu California đều tăm tắp như những ngôi chùa, chỉ mới thế thôi tôi đã thấy lòng mình chộn rộn.
Trời không mưa từ mấy tháng nay, những ngọn đồi xung quanh xơ xác như trảng cỏ khô cho gia súc ăn, nhưng bãi cỏ trước các ngôi nhà vẫn được tưới xanh và xén gọn. Mấy nhành nhỏ giâm trồng từ bốn mươi năm trước, khi mới bắt đầu có máy xúc, nay đã vươn thành cây cao lớn – vân sam, thích, bạch dương, chanh, melaleuca, dạ lan hương, cây nhiệt đới từ Trung Quốc, cọ và xương rồng. Đó chính là miền nam California. Muốn gì chỉ cần cắm xuống đất, nó ắt sẽ mọc lên.
Tôi đỗ ở lối đi vào ngôi nhà kiểu giả thuộc địa của mẹ, vẫn ngồi trong xe với cái ví trong lòng, chìa khóa trong tay. Rút cục tôi cũng ra, men theo lối đi lát gạch cũ, hai bên ken đầy hoa păng-xê tím sẫm, qua cây đèn ga giả cổ, vặn thử tay nắm cửa bằng đồng. Cửa không khóa.
- Mẹ ơi?
Có tiếng bước chân. Johanna Kohlmeyer Morrison xuất hiện ở đầu cầu thang.
- Wyn đấy à, đã xảy ra chuyện gì thế con?
Nhận xét rằng mẹ và tôi không giống nhau hẳn là một cách nói giảm khinh. Năm mươi tám tuổi, nhỏ nhắn, vẻ đẹp mảnh mai và tinh tế, nhìn bề ngoài hoàn toàn có thể nói mẹ tôi mới bốn mươi tám. Tôi giống họ nội, gia đình nhà nông toàn những người cao lớn, chân tay dài. Bất cứ khi nào đi cùng nhau, tôi luôn có cảm giác phải trói bớt một người lại cho gọn.
Mẹ là tất cả những gì tôi không có – đầu tóc trang phục hoàn hảo, làm việc hiệu quả, ngăn nắp, thấu đáo, khép kín đến mức nhẫn nhịn, và quan trọng hơn hết thảy, mẹ là một thực thể khó định nghĩa, một Quý bà, với chữ Q viết hoa. Mẹ luôn biết phục sức thế nào cho phù hợp, đối nhân xử thế đâu ra đấy, trong bất cứ trường hợp nào. Và mẹ là kiểu phụ nữ còn là ủi cả đồ lót của mình.
Bất kể những khác biệt giữa chúng tôi, mẹ chỉ cần nhìn tôi là biết ngay khi nào có chuyện gì đó không ổn. Hiện giờ mẹ đang phải cực kì kiềm nén, cứ để tôi kể lể dài dòng mà không chen ngang rằng mẹ đã nói tôi không nên đi Seattle. Khi kể xong thì chính tôi muốn phát điên luôn. Mẹ ngồi mớm trên mép chiếc ghế may vá, yên lặng, tay đặt trên lòng, trong khi tôi nóng ruột đi đi lại lại trước bàn đặt điện thoại ở hành lang, nghe chuông đổ từng hồi trong máy lẻ của David ở công ty.
- Đây là văn phòng của David Franklin. Andrea Wells nghe máy. – Giọng cô trợ lý với vô số bằng cấp của David.
Tôi cố gắng đáp lại từ tốn và bình tĩnh.
- Chào Andrea, tôi Wyn đây. Anh David có ở đó không?- Chào chị Wyn. Anh ấy có ở đây, nhưng đang họp với Hank và Grady. Chị có nhắn lại gì không?- Tôi có việc gấp cần nói với anh ấy.
Andrea ngập ngừng.
- Anh ấy bảo tôi không được làm phiền vì bất...- Tôi cũng nghĩ anh ấy đã dặn cô như vậy. Andrea này, phiền cô nói anh ấy hãy vác xác đến đây và nghe điện thoại đi.
Giọng cô ấy chợt trở nên xa xăm.
- Xin chị đợi một chút.
Nhưng chẳng cần đến một chút, David đã lên tiếng ngay.
- David Franklin nghe đây. – Vẻ như anh không biết ai gọi.- David, anh nghĩ mình đang làm cái quái gì vậy?- Wyn, vì Chúa, anh đang họp với Hank và...- Anh có đang khỏa thân trong chén trà với Hank em cũng không quan tâm. Anh nghĩ gì mà lại thay khóa không cho em vào nhà của em?
- Một là, đó không phải là nhà em. – Giọng anh lạnh ngắt như băng. – Hai là, em đã bỏ anh, nên anh có đủ mọi quyền để...- Bỏ anh? – Tôi rít lên.
– Em đã bỏ anh ư?
- Em chuyển đi. Có trả lời điện thoại của anh đâu.
- Em đi thăm cô bạn thân nhất. Em đi đúng mười ngày.
- Anh không trông đợi em sẽ quay về. – Giọng anh nghe cứng đờ như gã Darth Vader.
- Anh quá biết rằng em sẽ quay về. Chính em đã nói như vậy với anh trước khi em đi. Tối hôm qua em còn vừa gọi về nhà, để lại lời nhắn trong hộp thư thoại.
- Anh có nhận được lời nhắn nào đâu.
- Vô lý. Những điều anh làm là bất hợp pháp.
- Anh bảo đảm với em, không có gì bất hợp pháp cả. Em đã có những thứ của em. Nhà là của anh.
- Nếu anh đã quên, California là bang áp dụng luật tài sản chung trong hôn nhân.
- Nếu em đã quên, anh mua nhà trước khi cưới.
Nước mắt phẫn nộ và bấn loạn bắt đầu làm tôi nghẹn lại.
- Anh mua để chúng ta dọn về ở. Lúc đó anh đã nói như vậy.
- Đúng, anh đã nói vậy. – Từng lời của anh nôn nóng bục ra. – Nhưng chúng ta chưa từng điền tên em vào mục chủ sở hữu. Do đó một cách hợp pháp ngôi nhà là của anh. Em nghe đây, anh đang họp bàn công việc quan trọng. Chúng ta sẽ nói về chuyện này sau.
Cụp.
Ống nghe vẫn còn nặng trịch trong tay tôi. Tôi trân trân nhìn cái bàn nhỏ để điện thoại. Gỗ gụ, tôi nghĩ thế, với mặt bàn cẩm thạch trắng. Một tập giấy nhỏ để ghi lời nhắn, hình hoa păng-xê vẽ bằng màu nước in chìm ở góc trên bên trái trang giấy.
Trang đầu tiên ghi dở danh mục những thứ cần mua. Một bình pha lê cao cổ ngày trước của bà ngoại, trong bình cắm ba bông cẩm chướng màu hồng cắt từ vườn nhà. Mùi hoa ngọt ngọt cay cay là sợi chỉ duy nhất vít tôi trở lại thực tại.
Tiếng “tuuu” dài trong điện thoại nhắc tôi phải đặt ống nghe xuống. Tôi đi vào phòng đọc sách và ánh mắt mẹ nhìn tôi đăm đăm. Tôi không thể chịu được cách mẹ khổ sở bặm môi, nhưng rõ là trông tôi cũng rất ngu ngốc, vì mẹ rời ánh mắt đi trước.
- Con ơi, ôi, Wyn ơi, mẹ thương con quá."
Trích "Bánh mì cô đơn", trang 77 - 80, Dịch giả: Nguyễn Thị Cẩm Linh, Nhà xuất bản Phụ nữ, 2017
Cẩm LinhBạn đang xem bài viết [Góc vườn] - 'Bánh mì cô đơn' hay những dáng hình của Nữ tính tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].