Có nhà văn viết sách để nghe tiếng hân hoan tán tụng vọng lại từ phía độc giả, một số khác tha thiết muốn nghe tiếng vọng của cõi âm mình, khi trí tuệ ăn nằm với những cơn bốc đồng cảm xúc.
Thời tôi ở với H, có lần H muốn tôi chia sẻ lịch sử đọc của mình, tôi đã mua cuốn này, "Người đọc" của Bernhard Schlink cho bạn. Và tôi chờ đợi phản hồi. Và tôi vĩnh cửu chờ. Và tôi có lịch sử chờ.
Có nhà văn viết sách để nghe tiếng hân hoan tán tụng vọng lại từ phía độc giả, một số khác tha thiết muốn nghe tiếng vọng của cõi âm mình, khi trí tuệ ăn nằm với những cơn bốc đồng cảm xúc.
Cuốn tiểu thuyết này, cuốn "Người đọc" này, không có khả năng chiêm vọng, nó không lắng nghe được gì từ đối tượng phản ánh, những xác người, những trang sử tối tăm.
Bản thân người kể, nhân vật tôi, nghiệm sinh quá khứ của cuộc tình của nó, quá khứ của cuộc đời của nó, quá khứ dân tộc của nó bằng sự rù quến của mối tình đầu, giọng hùng biện lương tâm, tính rành mạch khúc triết thấu tình đạt lí của những lời bào chữa.
Người đọc là tiểu thuyết của cuộc đời không được bào chữa. Của cuộc đời mãn hạn tù thì cũng nguyện tự mãn hạn đời. Cơn cuồng loạn của sự diệt chủng nhân danh tính siêu việt chủng tộc được thách thức bởi văn minh nhân loại mà cơn cử là sự đọc.
Nhân loại cần được đọc để đi từ Hommer đến Chekov, để biết con người lúc nào cũng đang trên đường trờ về nhà, lúc nào cũng yêu đương nhặng xị, xáo động bởi lời hẹn ước đêm ân ái và vỡ vụn như vỏ bánh mì vào bữa sáng bội phản.
Xin chớ hủy diệt. Con người cùng sự đọc. Ý nghĩa mới mẻ, lớn lao nhưng "Người đọc" không mang sứ mệnh của một cuốn sách lịch sử kiểu như "Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ Ba - Lịch sử Đức Quốc Xã" của William L.Shirer dày 1100 trang khảo cứu trên một khối tư liệu khổng lồ tin cẩn.
"Người đọc" được viết ra chừng 200 trang soạn thảo từ những dấu vết kí ức dai dẳng, liên lụy, giả đò đứt đoạn, lãng quên trong tuổi thiếu niên đến trưởng thành, thành đạt để kể về một con người.
Hai con người, một nhân chứng, một nạn nhân. Một vĩnh cửu im lặng, một nâng đỡ từ chữ nghĩa. Và một khả năng không xảy ra từ công lý.
"Người đọc" của Bernhard Schlink là câu chuyện về sự phóng thích tội lỗi trong quá khứ mà ở đó Hanna Schmitz được bi kịch gọi tên khi nàng kiêu hãnh giữ cho mình bí mật danh dự.
Đó là bí mật tình cảm với một thanh niên bằng nửa số tuổi của mình, bí mật của sự mù chữ từ một dân tộc thượng đẳng, bí mật của sự bẽ bàng tội lỗi diệt chủng từ “một cuộc đời mà những lúc vùng dậy là những cuộc rút lui hiên ngang, những chiến thắng là những thất bại che đậy”.
Cuộc đời của Hanna tuy bé nhỏ nhưng giúp chúng ta thấy được hằng số lớn lao của nhân loại. Cách người ta sống với quá khứ như thế nào? Che đậy một cách khốn khổ những bí mật ra sao?
Như vậy vấn đề của người đọc chính là vấn đề về cái nhìn vào bí mật - một di chứng của quá khứ - để nhận ra những chiều kích khác nhau của mỗi sự vật, sự việc..
Năm 15 tuổi, gã trai Michael Berg đã dự phần vào cuộc đời người đàn bà cô độc Hanna và mãi mãi dự phần với cách thức "bỏ chạy như một thằng nhãi ranh thay vì xử sự một cách tự chủ như... mong đợi ở chính mình".
Bốn lần. Tổng cộng bỏ chạy bốn lần. Bỏ chạy và quay lại. Đi bên đời và nhất quyết không dấn sâu.
Hết lần này đến lần khác. Michael khám phá bí mật của Hanna và đồng lõa im lặng và thỏa hiệp và ban lơn và ân hận.
Là một tiểu thuyết chiến tranh, "Người đọc" đồng thời là một tiểu thuyết tình ái. Nếu Michael mang Hana cô độc đến với văn chương, khai mở thế giới ngôn ngữ, cho cô thêm nhiều điều kiện để vui buồn sướng khổ thì Hanna bằng "ngôn ngữ cơ thể" đã khai tâm phóng dục cho cậu chàng.
Tính chất của hai cuộc khai phá này đều giống nhau ở chỗ nó không được phép danh chính ngôn thuận, chàng và nàng, vừa tự cho đó là tội lỗi vừa thấy ở đó sự hấp dẫn mời mọc.
Bí mật về sự mù chữ và bí mật về tình yêu được kể vừa hoan lạc, vừa sám hối, vừa rõ ràng vừa khái quát.
Nó giàu có chi tiết của ngửi, của nhìn, của nghe, của day dứt và mơ mị. Voltaire thời kỳ ánh sáng đã cười cợt cay đắng về chiến tranh: "Tình nhân loại, phép xử thế, tính khiêm nhường, sự điều độ trong sinh hoạt, sự dịu dàng, sự khôn ngoan, lòng hiếu thảo sẽ thế nào đây và quan trọng thế nào đối với tôi, trong khi mà nửa cân chì bắn đi từ khoảng cách sáu trăm bước chân làm cơ thể tôi vỡ tan ra thành từng mảnh, và như vậy tôi chết ở tuổi hai mươi trong đau đớn quằn quại không thể tả được".
Trong "Người đọc", chàng và nàng, không ai banh xác trong chiến tranh, họ chết sau chiến tranh, với những năm những tháng đủ dài đề bị dày vò. Nhưng tuổi trẻ, tình yêu, sự nóng bỏng cùng tươi mát diệu kì, sự bồng bột, hổ thẹn, hèn yếu,vô minh mãi mãi trở thành lịch sử, góp vào lịch sử, có một vai trò trong lịch sử. Và thật giản dị, ai cũng có thể tạo ra sự thay đổi cho cuộc đời người khác. Ai cũng có thể.