Theo quan điểm của ThS-BS Nguyễn Tiến Phúc với tư cách là một người có chuyên môn trong ngành nhãn khoa, quy trình khám mà bác sĩ Minh thực hiện là hoàn toàn đúng, chuẩn về chuyên môn.
Ngày 11/9, trên mạng xã hội xuất hiện clip dài hơn 7 phút ghi lại hình ảnh nữ bác sĩ ngồi gác chân lên ghế ‘đôi co’ với người nhà bệnh nhân gây xôn xao dư luận.
Với tư thế ngồi không đẹp mắt của mình, BS Nguyễn Thị Minh, BV Mắt TƯ đã nhận lỗi và xin lỗi.
Đồng thời chị cũng khẳng định, ‘về mặt chuyên môn, tôi khám cho bệnh nhân đầy đủ theo đúng quy trình khám bệnh của bệnh viện, với kiến thức chuyên môn của một bác sĩ chuyên về cận thị trẻ em suốt 30 năm nay’.
Là một bác sĩ nhãn khoa giàu kinh nghiệm, khi được hỏi quan điểm của mình về sự việc của bác sĩ Minh, ThS-BS Nguyễn Tiến Phúc (bác sĩ nhãn khoa đến từ Hải Phòng) cho rằng, ‘phản ứng của người nhà bệnh nhân trong clip đó là hơi quá.
Tư thế ngồi của bác sĩ Minh khi khám và tư vấn cho bệnh nhân như thế là chưa đẹp, nhưng chắc chị ấy mỏi quá thôi.
Khi trả lời báo chí, bác sĩ Nguyễn Thị Minh cũng thừa nhận hành vi không đẹp khi chị ngồi cho chân lên ghế và tôi cũng đồng ý với ý kiến của chị.
Nhưng chắc chắn không chỉ có chị mà nhiều đồng nghiệp khác của tôi cũng thỉnh thoảng cho chân lên ghế và tôi cũng đôi khi như vậy vì quá mỏi khi phải ngồi lâu.
Theo quan điểm của bác sĩ Phúc với tư cách là một người có chuyên môn trong ngành nhãn khoa, quy trình khám mà bác sĩ Minh thực hiện là hoàn toàn đúng, chuẩn về chuyên môn.
Bệnh nhi đã được đưa vào phòng khám để điều dưỡng chụp khúc xạ bằng máy tự động, sau đó được chỉnh kính và thử thị lực, do thị lực chưa lên được tối đa, nên bác sĩ đã yêu cầu tra liệt điều tiết để tiến hành soi bóng đồng tử, và loại thuốc này đối với trẻ em sẽ có hiệu lực sau 5 ngày.
Chính vì thế bác sĩ đã kê đơn và hẹn bệnh nhân tái khám lại sau 5 ngày để được kiểm tra lại cho chính xác.
Đây hoàn toàn là vấn đề chuyên môn và y đức. Bác sĩ Minh không hề khám qua loa như những gì người đàn ông trong clip nói.
Mỗi một phương pháp khám đều có một số điểm khác biệt trong quy trình, đặc biệt là những ca khó, để tránh tổn thất cho bệnh nhân, bác sĩ nhãn khoa thường hẹn khám lại rồi mới điều chỉnh tiếp phác đồ.
‘Thực tế cùng làm trong nghề nên tôi biết bác sĩ Minh và các bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Trung ương luôn làm việc trong tình trạng quá tải.
Một ngày các bác sĩ ở đây phải khám ít nhất 100 bệnh nhân, như vậy không mệt mới lạ. Thực tế số lượng khám bệnh còn vượt hơn 100 bệnh nhân, mỗi ngày bác sĩ khám bệnh 8 giờ/ngày thì với 100 bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ có 4 phút 8 giây để khám một bệnh nhân.
Khi bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân làm náo loạn lên thì những bệnh nhân khám sau sẽ bị ảnh hưởng. Và khi mệt rồi thì thay đổi tư thế ngồi cho đỡ mỏi cũng là hành động vô thức.
Khi xem kỹ clip, tôi chỉ thấy bác sĩ Minh có mỗi một lỗi co chân lên ghế mà thôi, ngoài ra chẳng có gì cả.
Tôi thấy rằng, ông bố này nên cảm ơn chị Minh vì chị đã khám và chẩn đoán đúng cho cháu bé.
Những thứ bệnh phổ biến này nên khám ở tuyến dưới đừng vì tâm lý mà kéo hết lên trên làm khổ các bác sĩ tuyến trên rồi hoạnh họ đủ thứ và làm quá tải tuyến trên. Và hãy nhìn sự việc bằng con mắt chia sẻ hơn là sự đòi hỏi vô lý.
Tôi hi vọng trong lần tái khám tới, người nhà bệnh nhân hãy đến gặp để cảm ơn và xin lỗi bác sĩ Minh’, ThS-BS Nguyễn Tiến Phúc chia sẻ quan điểm của mình.