Sau kỳ nhóm họp gần đây của OPEC+ về việc cắt giảm sản lượng, giá dầu thô thế giới đồng loạt tăng mạnh, chạm mức trên 40 USD một thùng.
Mở cửa phiên giao dịch đầu giờ sáng nay 9/6, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 1,23 USD một thùng, tương đương 3,14% xuống còn 38,34 USD một thùng.
Giá dầu Brent giảm 1 USD một thùng, tương đương 2,34% xuống còn 41,33 USD một thùng.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 8/6, giá dầu thô WTI tăng 0,81 USD, tương đương hơn 2%, lên 40,36 USD/ thùng; giá dầu Brent tăng hơn 2% lên 43 USD một thùng.
Phiên giao dịch ngày 8/6 đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ của hai loại dầu ngay sau khi có quyết định nhóm họp của OPEC+.
OPEC+ đã đồng ý gia hạn thời gian cắt giảm sản lượng thêm 1 tháng đến ngày 31/7, mục tiêu là giúp giá dầu phục hồi ổn định. Ngay sau kỳ nhóm họp, giá dầu thế giới đã tăng 2% ngay phiên giao dịch đầu tuần. Điều này đã được dự đoán trước bởi các chuyên gia kinh tế.
Theo thỏa thuận lần này, 23 quốc gia thuộc OPEC+ sẽ cắt giảm 9,7 triệu thùng mỗi ngày cho tới ngày 31/7. Những nước không tuân thủ đúng số lượng cắt giảm trong tháng 4 và 5 sẽ phải chịu áp lực tăng mức tuân thủ trong tháng 7 và 8.
Mục tiêu lớn nhất OPEC+ quyết tâm đạt được lần này là hỗ trợ giá cho đến khi các nhu cầu về cung cầu quay lại thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ trên toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Trump đã chỉ đích danh hai quốc gia có thể ''cứu giá dầu thế giới'' khỏi cơn khủng hoảng là Nga và Ả Rập Xê Út. Chính vì thế, mọi động thái và hành động của hai quốc gia này sẽ khiến giá dầu thô thế giới biến động.
Giá xăng dầu thế giới còn được tiếp đà tăng khi nền kinh tế lớn nhất thế giới đang biểu hiện rõ sự phục hồi sau đại dịch. Đồng thời, những gói hỗ trợ, kích cầu kinh tế tại châu Âu cũng khiến giá dầu thô tăng trở lại.
Mặc dù có nhiều yếu tố tích cực tác động khiến giá dầu tăng trưởng nhưng vẫn tồn tại một số yếu tố bất lợi khiến giá dầu thiếu ổn định. Đó là tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư về tính hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng, liệu các nước có thực sự tuân thủ đúng thỏa thuận hay không.
Đồng thời, lo ngại về làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 bùng nổ cũng khiến giá xăng dầu trồi sụt. Tai Mỹ và Brazil, tình hình bệnh dịch vẫn đang diễn biến phức tạp khi số ca mắc mới và tử vong tiếp tục tăng cao.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn giữ nguyên từ phiên điều hành giá gần nhất ngày 28/5: Xăng E5 RON92 tăng 882 đồng, xăng RON95-III tăng 890 đồng.
Như vậy, giá bán lẻ xăng dầu trong nước hiện ở mức sau: Xăng E5 RON92 từ 12.400 đồng/lít, xăng RON95 từ 13.120 đồng/lít, dầu diesel từ 11.040 đồng/lít, dầu hỏa từ 8.750 đồng/lít.