Trước thềm diễn ra cuộc nhóm họp của OPEC+, giá dầu thô thế giới tiếp tục neo cao ngất ngưởng.
Chốt phiên giao dịch ngày 6/6, giá dầu thô ngọt nhẹ tăng 1,54 USD một thùng, tương ứng 4,12%. Giá dầu Brent tăng 1,98 USD một thùng, tương ứng 4,95% lên 41,97 USD một thùng.
Đây là mức tăng trong tháng cao nhất của hai loại dầu này trong suốt 30 năm qua, ngay sau khi thoát khỏi vũng lầy giá âm đen tối hồi tháng 4.
Trong tuần vừa qua, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đã tăng gần 6%, trong khi dầu Brent tăng khoảng 14%.
Sự gia tăng về giá dầu thô do rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu nhất đó là do tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế tại hầu hết các nước trên thế giới. Nhiều quốc gia dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh phong tỏa, giãn cách, kinh tế được hồi phục, các doanh nghiệp hoạt động trở lại khiến nhu cầu dầu tăng lên, thúc đẩy giá dầu thô.
Kênh truyền hình Ennahar thông tin, OPEC+ mới ra thông báo sẽ tiến hành nhóm họp để quyết định những bước đi tiếp theo, cụ thể là tình hình cắt giảm sản lượng.
Có khả năng OPEC+ sẽ kéo dài thời gian cắt giảm thêm 3 tháng nữa. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho tương lai ngắn hạn của ngành công nghiệp dầu mỏ. Nhưng đồng thời, người ta cũng đưa ra thắc mắc rằng sau thời gian cắt giảm giá dầu sẽ như thế nào.
Tại A-rập Xê-út, với mục tiêu vực dậy giá dầu, ngoài thỏa thuận cắt giảm của OPEC+, nước này còn quyết định cắt giảm thêm 1 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 6.
Sau A-rập Xê-út, một nước khác là Cô-oét cũng đưa ra quyết định cắt giảm thêm 80.000 thùng dầu một ngày từ tháng 6, bên cạnh thỏa thuận với OPEC+.
Có thể thấy, động thái của A-rập Xê-út đã mở đường cho các nước khác trong OPEC+ tuân thủ việc cắt giảm sản lượng. Sau thời gian biến động đảo chiều liên tục, giá dầu thô trong những phiên gần đây bắt đầu tăng trưởng ổn định và liên tục lập nên những kỷ lục mới.
Tại Châu Á, sau nỗ lực của A-rập Xê-út, giá dầu WTI giao tháng 6 tăng 1,37%; dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7 tăng 0,71%... đây là những tín hiệu cực kỳ khả quan.
Mặc dù vậy, giá dầu thô thế giới vẫn bị áp lực bởi lo ngại đại dịch có thể sẽ bùng phát lại lần 2, khiến nhu cầu dầu bị triệt tiêu khiến giá dầu lao dốc.
Ngoài ra, những căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cũng khiến thị trường xăng dầu biến động và chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước hôm nay vẫn giữ nguyên mức từ kỳ điều hành giá ngày 28/5, cụ thể:
Tùy vùng 1 hoặc 2, giá xăng E5 RON92 dao động từ 12.400 - 12.640 đồng/lít, xăng RON95 từ 13.120 - 13.380 đồng/lít, dầu diesel từ 11.040 - 11.260 đồng/lít, dầu hỏa từ 8.750 - 8.920 đồng/lít.