Đừng khóc ở rốn lũ Nặm Păm

Những dấu tích đau thương sau trận lũ lịch sử vẫn còn nhưng cuộc sống của người dân xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã dần dần hồi sinh dù vẫn còn nhiều khó khăn đang chờ họ phía trước.

 

Trận lũ quét lịch sử đầu tháng 8 vừa qua đã cuốn trôi 44 ngôi nhà ở trên địa bàn toàn huyện Mường La.

Hai đầu cầu cứng ở xã Nặm Păm bị cuốn trôi, khiến tuyến đường này bị cô lập hoàn toàn, trôi 4 xe tải, 3 nhà kho chưa vật liệu xây dựng. 

Có hàng chục người cũng bị mất tích do cơn lũ. Lũ đi. Hoang tàn ở lại. Ở huyện Mường La trở nên bi thương hơn bao giờ hết. 

Gia Đình Mới trở lại xã bị thiệt hại nặng nề nhất là Nặm Păm để ghi nhận sự hồi sinh của nó sau hơn 1 tháng lũ về. 

Một tháng trước, nối liền trung tâm Huyện Mường La và trung tâm xã là con đường bê tông nhựa, lúa vừa vào độ xanh. Sau trận lũ rạng sáng ngày 3/8 tất cả chỉ còn lại đất đá, trung tâm xã đã bị cô lập nhiều ngày liền. Những đồng lúa giờ đây như một đại công trường mà tại đó tỉnh Sơn La đang tập trung để giúp xã Nặm Păm hồi sinh. 
Những con đường bị nước lũ băm nát khiến cho việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn, trước đây quãng đường từ huyện vào đến trung tâm xã chỉ mất 15 phút đi xe máy thì giờ đây kéo dài cả tiếng.
Tình trạng tắc đường bốc chốc trở lên quen thuộc với những người dân xã Nặm Păm. 
Dọc con đường vào xã, dễ dàng có thể bắt gặp những ngôi nhà tạm được đựng lên ven đường, nơi nhiều gia đình bị mất nhà đang ở cùng nhau.
Chị Tòng Thị Chuyên (sinh năm 1994) cùng chồng và hai con sống trong căn lều dựng tạm với hai gia đình khác. Gia đình chị Chuyên là một trong số ít những nhà may mắn dù cũng nằm trên đường đi của lũ nhưng chưa bị sạt lở và kịp thời di chuyển tài sản đến nơi an toàn.
Căn lều mới dựng tạm của chị Lường Thị Đun (43 tuổi), ko may mắn như gia đình chị Chuyên, chị Đun đã mất toàn bộ tài sản và nhà cửa trong đêm lũ kinh hoàng ấy.
Chị Tòng Thị Quản, ôm đứa con trai 2 tuổi, ngồi trong căn nhà mới mà chính quyền vừa hỗ trợ. Trận lũ quét mà lớn nhất trong 70 năm trở lại đây tại Nặm Păm, đã cướp mất anh và để lại chị cùng hai đứa con Tuyết Ngọc (3 tuổi) và Tuấn Dương (2 tuổi)
Con gái Tuyết Dương mới 3 tuổi có lẽ chưa hiểu hết được những mất mát to lớn, nhưng trong đôi mắt thơ ngây đó, nỗi nhớ bố đôi lúc vẫn hiện lên trong giây lát.
Con suối qua một tháng nước vẫn đục ngàu và chảy xiết, người dân muốn đi lên khu tái định cư vẫn phải hàng ngày lội qua con suối dữ.
Những con đường mới đắp, đất chưa kịp khô nên sau mỗi cơn mưa lại trở lên lầy lội bùn đất.
Vẫn còn nhiều khó khăn, gian khổ chờ đợi người dân xã Nặm Păm ở phía trước. Nhưng với sự cố gắng nỗ lực hết mình để vượt khó và sự chung tay giúp đỡ từ khắp mọi miền Tổ quốc, những nụ cười của người dân nơi đây sẽ lại rạng rỡ trên môi.
Để sớm ổn định đời sống của người dân vùng lũ, tỉnh Sơn La đã gấp rút cho xây dựng những khu tái định cứ tại những khu vực cao hơn. Dần dần mỗi hộ dân mất nhà sẽ có nhà mới để ở với trị giá 80 triệu đồng mỗi căn nhà. Trên những sườn đồi, những căn nhà đang mọc lên từng ngày để những người dân sớm chuyển vào sinh hoạt.
Thái Sơn /giadinhmoi.vn