Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đề xuất 02 phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp.
Ngày 23/6, Hội đồng tiền lương quốc gia vừa họp nhóm để bàn về lương tối thiểu cho năm 2021.
Theo Hội đồng tiền lương quốc gia, theo thông lệ, cuối tháng 6 hàng năm, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ nhóm họp để bàn về lương tối thiểu cho năm tiếp theo.
Năm 2020, trước hậu quả nặng nề từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cả người lao động và doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn, có nơi khó khăn gay gắt. Chính vì vậy, việc thương lượng về mức lương tối thiểu vùng cho người lao động năm nay có khác so với những năm trước.
Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đề xuất 02 phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2021:
Phương án 1: Khuyến nghị tiếp tục thực hiện mức ương tối thiểu vùng năm 2020 đến hết năm 2021 (không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021).
Phương án 2: Từ 01/7/2021 (lùi 06 tháng so với các năm trước), điều chỉnh bình quân 2,5% để duy trì, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động (tính trên cơ sở CPI năm 2021 dự kiến 4% trừ phần đã tăng vượt 1,51% của năm 2020).
Nếu thực hiện phương án này, mức tăng dao động từ 80.000 đến 110.000 đồng, tương ứng từ vùng I đến IV lần lượt là 4,53 triệu; 4,02 triệu; 3,52 triệu và 3,15 triệu đồng.
Hội đồng tiền lương cũng cho biết, đây là đề xuất ban đầu, để đi đến thống nhất về mức lương tối thiểu vùng 2021, Hội đồng Tiền lương quốc gia còn họp thêm.
Là mức lương thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Trong đó, mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:
-Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng với người lao động chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất.
-Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề.
Lương tối thiểu vùng khác lương cơ sở. Lương cơ sở dành cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội và hội.
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 157/2018/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho những đối tượng sau đây:
-Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động.
- Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật doanh nghiệp.
-Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.
-Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).
Hiện nay, theo Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng năm 2020 như sau:
- Mức 4,42 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng I;
- Mức 3,92 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng II;
- Mức 3,43 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng III;
- Mức 3,07 triệu đồng/tháng, áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng IV.