Phát hiện chân trẻ có 2 vết nghi do rắn độc cắn, người nhà đã đắp thuốc lá điều trị cho bé nhưng vết thương không đỡ mà nặng hơn, sưng nề lan rộng, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Khoa Cấp cứu, BV Sản Nhi Nghệ An mới tiếp nhận trường hợp bệnh nhi N.A.T. (10 tuổi, ở Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) nhập viện trong tình trạng nặng do rắn độc cắn.
Theo gia đình bệnh nhi kể lại, cách ngày vào viện một ngày, người nhà bé phát hiện trẻ có 2 vết răng cắn vùng ngón cái và ngón trỏ chân trái nghi do rắn độc cắn. Gia đình đã dùng thuốc lá đắp vào vết thương để điều trị cho bé.
Sau 1 ngày đắp thuốc, vết thương của trẻ bị đau nhiều hơn, xuất hiện sưng nề lan rộng lên cẳng chân trái, trẻ mệt nhiều nên gia đình đã đưa bé tới Bệnh viện để điều trị.
Theo TS.BS Trần Văn Cương, Trưởng khoa Cấp cứu, Phó giám đốc BV Sản Nhi Nghệ An, tai nạn do rắn cắn thường gặp ở trẻ sinh sống tại các vùng nông thôn, trung du, miền núi.
Đặc biệt, mùa mưa là giai đoạn sinh nở, phát triển của rắn. Tình trạng mưa bão làm phá vỡ môi trường sống của rắn nên chúng thường tìm nơi cao ráo để ẩn nấp, dễ tấn công gây tai nạn cho trẻ. Mức độ nặng nhẹ phụ thuộc vào từng loài rắn, vị trí cắn và mùa khác nhau.
Chính vì vậy, người lớn cần trang bị kiến thức xử trí đúng khi trẻ bị rắn cắn để tránh những hậu quả nặng nề.
Để nhận biết rắn độc hay rắn không độc thì ngoài việc căn cứ vào vết răng cắn, còn phân biệt dựa vào hình dáng, màu sắc và âm thanh phát ra của chúng.
Rắn độc là các loài rắn có nọc độc, chất độc tiết qua những chiếc nanh lúc cắn hoặc bắn nọc độc từ xa vào mắt để làm tê liệt hoặc giết con mồi. Mỗi vết cắn có 2 răng nanh cách nhau khoảng 5 mm và một số vết răng nhỏ.
Nọc độc rắn có thể gây rối loạn đông máu và xuất huyết như họ rắn lục (rắn lục xanh, rắn lục đuôi đỏ...) hoặc ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, gây liệt, suy hô hấp, ngưng thở như họ rắn hổ (rắn hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia…)
Trong khi rắn không độc, vết cắn với những chấm nhỏ hình vòng cung, không có vết răng nanh.
- Khi trẻ bị rắn độc hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, người lớn cần hết sức bình tĩnh, di chuyển trẻ khỏi vùng hoạt động của rắn. Đặt trẻ nằm yên, nơi cắn thấp hơn tim để hạn chế di chuyển và hấp thu nọc độc.
- Tiếp đó, rửa sạch vết thương bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn. Sau đó, nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
- Bố mẹ cần chú ý, không nên buộc garô phía trên vết thương vì có thể gây đau và hoại tử chi. Tuyệt đối không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra vì không hiệu quả mà gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc…
- Không tùy tiện chườm lạnh, bôi hóa chất, đắp lá cây… lên vết thương để tránh biến chứng nguy hiểm. Ghi nhớ màu sắc con rắn để bác sĩ có thể dễ dàng nhận biết loại rắn để điều trị.