Thầy cô đánh, mắng học trò, bắt học tự tát vào mặt mình, bắt học trò quỳ gối, đứng góc lớp… đều không phải là cách dạy dỗ trẻ. Thực chất, đó là những hành vi bạo hành trẻ nhỏ cả về thể chất và tinh thần.
Theo bà Hoàng Thị Kim Huệ, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, quan niệm truyền thống vẫn xem việc thầy cô quát mắng, xử phạt học sinh bằng cách đánh vào tay, bắt đứng góc lớp, bắt quỳ gối… là cách dạy dỗ giúp học sinh ngoan hơn, trưởng thành hơn.
Nhưng đó thực chất lại là những hành vi bạo hành trẻ nhỏ cả về thể chất và tinh thần.
Trong đó, trừng phạt thân thể là những hành động gây thương tích, đau đớn trực tiếp hoặc gián tiếp trên thân thể trẻ em.
Đó có thể là hành vi đánh bằng roi, vụt vào tay, cốc đầu, túm tóc, véo tai, cắt hoặc cạo tóc, bắt quỳ trên sỏi, bắt đứng hoặc ngồi với tư thế không thoải mái trong khoảng thời gian dài…
Còn trừng phạt tinh thần là những hành vi gây ra tổn thương về mặt tâm lý, tình cảm của trẻ em. Có thể là việc mắng chửi, đe dọa, sỉ nhục chế nhạo, làm trẻ xấu hổ, làm trẻ hoảng loạn, cảm thấy mình bị bỏ rơi…
Tuy nhiên, những hành vi trừng phạt về thể chất và tinh thần này đều không đem lại hiệu quả giáo dục, ngược lại còn làm trẻ sợ hãi thầy cô, chán nản khi đến trường.
Nếu muốn thay đổi hành vi nào đó ở trẻ, trước hết cần làm cho trẻ hợp tác chứ không phải đối đầu.
Muốn trẻ có tính hợp tác và tôn trọng người lớn, người lớn cần hợp tác và thể hiện sự tôn trọng với trẻ.
Và để làm được điều đó, chuyên gia giáo dục Hoàng Thị Kim Huệ nhấn mạnh, một trong những đối tượng mà chúng ta cần lan tỏa đến nhất đó chính là giáo viên.
Giáo dục kỷ luật tích cực chính là giáo dục dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ.
Nếu giáo viên sử dụng biện pháp kỷ luật tích cực sẽ có lợi cho học sinh, giúp các em phát huy năng lực của mình; giáo viên cũng sẽ giảm được áp lực quản lý lớp học, xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với học sinh; gia đình và cộng đồng cũng sẽ có những công dân tốt.
Một chuyên gia bảo vệ trẻ em cũng khẳng định, kỷ luật tích cực trong trường học là một trong những phương pháp được các trường triển khai để giảm thiệu bạo lực trong trường học.
Phương pháp này nhắm tới việc, thay vì dùng bạo lực xử lý học sinh thì người ta hướng tới giúp cho trẻ thay đổi hành vi.
“Điều mà thầy cô, cha mẹ hướng tới là giúp trẻ học được điều sai để làm những điều đúng.
Chúng ta không thể hy vọng trẻ học được mọi điều đúng nên cách tốt nhất vẫn là giúp các em học các điều sai để biết được điều đúng.
Khi trẻ vi phạm kỷ luật thì thầy cô phải chỉ được cho trẻ biết trẻ mắc lỗi ở đâu để trẻ sửa sai.
Các hình thức phạt ở đây là yêu cầu trẻ làm những điều mình không thích, không được làm những điều mình thích để trẻ học được nguyên nhân, hậu quả và sau này không tái phạm.
Khi phạt trẻ làm những điều trẻ không thích phải tuyệt đối nói không với bạo lực để không vi phạm quyền trẻ em, luật trẻ em” – ông Hùng chia sẻ.
Hơn hết, phương pháp kỷ luật tích cực giúp trẻ trở thành công dân có ích cho xã hội sau này.
Mục đích cuối cùng của giáo dục là giúp một con người có đầy đủ kỹ năng, đạo đức để tiếp tục làm việc, cống hiến cho xã hội, chứ không phải biến con người thành máy móc, tuân theo sự sai bảo của người khác.
Khi dạy theo cách truyền thống, dùng hình phạt “hà khắc” để dạy trẻ làm trẻ lớn lên chỉ biết tuân theo sự chỉ bảo của người lớn hơn, người đi trước, điều này gây kiềm chế sự sáng tạo của con người, không làm cho xã hội phát triển.
Thay vì dùng đòn roi, quát mắng để dạy dỗ con trẻ, thầy cô, bố mẹ nên chọn kỷ luật tích cực nhằm thay thế cho hình phạt về thể chất và tính thần với trẻ, khuyến khích sự tham gia và trách nhiệm của trẻ trong những quyết định liên quan.