Cùng bị bỏ quên trên xe ô tô, cùng bị sốc nhiệt nhưng tình trạng của bé L.H.L (trường Tiểu học Gateway, Hà Nội) và bé N.T.L (3 tuổi, Bắc Ninh) lại có sự khác nhau. Vì sao lại vậy?
Thông tin từ bệnh viện Nhi Trung ương, chiều ngày 13/9, bệnh viện tiếp nhận một bé trai 3 tuổi tên là N.T. L (xã Hoàn Sơn, tỉnh Tiên Du, huyện Bắc Ninh) bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón trẻ của cơ sở mầm non Đồ Rê Mí trong 9 tiếng đồng hồ.
Cho đến hiện nay, sau 2 ngày điều trị tại bệnh viện Nhi TƯ, bé L đã tỉnh, tiến triển tốt, chỉ còn viêm phổi.
Cách đây hơn 1 tháng, ngày 6/8 tại Hà Nội, cũng xảy ra sự việc bé trai L.H.L (lớp 1 trường Tiểu học Gateway) bị tử vong nghi do bỏ quên trên xe ô tô đưa đón từ gần 8 giờ sáng tới 16 giờ chiều.
Thông tin ban đầu của 2 sự việc cho thấy cả bé L.H.L và bé N.T.L đều bị sốc nhiệt. Vậy tại sao, cùng bị sốc nhiệt trên xe ô tô mà tình trạng của 2 bé hoàn toàn khác nhau?
Lý giải điều này, PGS.TS Trần Minh Điển - Phó GĐ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, theo tài liệu y văn về các vấn đề sốc nhiệt và bỏ quên trên xe thì trẻ em luôn có tình trạng tăng thân nhiệt nhanh hơn người lớn, dễ bị ảnh hưởng nhiệt bằng nhiều phương pháp hơn. Khi thân nhiệt cơ địa của trẻ tăng nhanh, có thể dẫn tới các tình trạng nguy cơ mất nước cao, suy hô hấp, rối loạn đông máu...
Mỗi cơ địa trẻ sẽ có những ảnh hưởng bởi nhiệt độ khác nhau. Do đó, giữa 2 bé L.H.L và bé N.T.L, nếu trong trường hợp cùng bị sốc nhiệt do ở lâu trên xe ô tô thì cũng sẽ tùy theo cơ địa từng đứa trẻ, tùy theo từng thời điểm ở trên xe và đặc biệt là phụ thuộc vào các yếu tố môi trường nhiệt độ bên ngoài sẽ tác động tới tình trạng của bệnh nhân.
Với bé N.T.L, rất may mắn là khi tiếp cận bệnh nhân, các chức năng sống của em bé vẫn còn.
Đáng chú ý, theo thông tin từ cơ quan công an tỉnh Bắc Ninh, lời khai của ông Nguyễn Công Tỵ (tài xế bỏ quên bé N.T.L) thì sau khi xuống xe, ông Tỵ đỗ xe dưới bóng cây của trường, có hé mở cửa kính khoảng 10cm.
Tiến sỹ Lê Xuân Ngọc, Trưởng khoa Quốc tế, bệnh viện Nhi TƯ cũng khẳng định: "Cấp cứu ban đầu rất quan trọng đối với những bệnh nhân sốc nhiệt. Nếu cơ sở y tế tuyến dưới tiếp cận bệnh nhân và thực hiện những bước cấp cứu cơ bản tốt thì không những giúp trẻ phục hồi sức khỏe nhanh nhất mà còn tạo tiền đề thuận lợi để các tuyến sau điều trị cao hơn.
Do đó, cái mấu chốt là vấn đề thời gian, thời điểm. Bởi nếu cấp cứu muộn, cấp cứu sai, trẻ sẽ bị tổn thương, các tuyến điều trị cấp cao hơn về sau sẽ mất cơ hội để trẻ phục hồi sức khỏe và trở lại bình thường".
Các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương đánh giá, trước khi bé trai 3 tuổi Nguyễn Tấn L được đưa tới bệnh viện Nhi TƯ, bé đã được sơ cấp cứu ban đầu rất tốt.
"Chúng tôi đánh giá, những bác sĩ cấp cứu ban đầu cho cháu L là những bác sĩ có kiến thức cơ bản về cấp cứu trẻ nên đã thực hiện bước cấp cứu rất kịp thời cho bé, tránh những tổn thương chức năng các cơ quan".
Theo tài liệu y văn về sốc nhiệt thì tiên lượng xấu tỉ lệ với thời gian từ lúc tăng thân nhiệt tới lúc được điều trị. Nếu điều trị sớm, bù dịch đầy đủ, điều trị tích cực biến chứng thì tỷ lệ sống đạt trên 90%.
Các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo người lớn, phụ huynh của trẻ tuyệt đối không nên để xảy ra những tình huống dẫn tới trẻ bị sốc nhiệt, bởi sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của trẻ về sau.