Đối với phụ huynh có con phát triển bình thường thì việc đứa trẻ đó rửa được rau là chuyện không bất ngờ. Nhưng với các bà mẹ có con tự kỷ thì đó là một bước ngoặt cuộc đời họ.
Cả một năm cùng con học rửa rau, nạo cà rốt
Tại lớp học người mẹ hỏi con:
- Hôm nay đi học con làm gì?
- Con làm kim chi
Như bao cuối ngày, hai mẹ con chị Chi- bé Nam lại ríu rít trò chuyện với con. Chị không tin một ngày cậu con trai mắc hội chứng tự kỷ của mình lại có thể làm một điều gì đó, chứ chưa nói đến việc nấu ăn.
Chị Chi vẫn nhớ như in, khi Hoàng Nam được 2 tuổi, thấy con chưa nói được, không có dấu hiệu của một đứa trẻ phát triển bình thường, chị Chi đưa đi khám thì phát hiện Nam mắc hội chứng tự kỷ.
Song song với việc đưa con tới các lớp học can thiệp và mời giáo viên về nhà dạy, mẹ Nam vẫn cho cậu đi học hoà nhập.
Tới năm 3 tuổi, Nam dừng không học hoà nhập nữa và tới Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý - giáo dục Tuệ Tâm để học can thiệp. Sau 1 tháng tích cực, cậu Nam đã bật được âm, bắt đầu giao tiếp bằng mắt.
“Ngày đó, con đã bắt đầu có sự giao tiếp bằng mắt với mọi người xung quanh, thể hiện tình cảm với bố mẹ”, mẹ của Nam nhớ lại.
Bây giờ, khi đã là cậu bé 10 tuổi, Nam có thể giúp bố mẹ những việc nhà đơn giản. Chị chi cho biết: “Trên lớp các cô dậy kĩ năng gì là về nhà tôi cũng dạy con kỹ năng đó”.
Suốt cả một năm trời, chị Chi và Nam cùng vào bếp, giúp con học kỹ năng rửa rau, nạo cà rốt. “Nhìn con thích thú làm việc, tôi cũng mừng vì ít ra, con còn biết mình thích điều gì đó”.
Các con làm tốt nhất món bánh Doraemon
Cô Đỗ Thị Minh Phương - Người sáng lập trung tâm Tuệ Tâm cho biết, trong một năm ở lớp hướng nghiệp, các bạn tự kỉ sẽ được học các kĩ năng nền, bao gồm việc làm thế nào để tạo ra được món ăn. Các cô sẽ hỗ trợ từ 100% đến 50% rồi cuối cùng để các con tự làm hết.
Khi đã thành thạo các kĩ năng mền rồi, mỗi tuần, các bạn sẽ được tự tay nấu một ăn một bữa. Phụ huynh là người lên thực đơn, đi chợ, các con là người nấu thực hiện các món ăn đó.
Quan sát và đồng hành với các bạn, cô Phương và các cô giáo ở đây nhận đinh, mỗi bạn lại có một khả năng nên sẽ phân chia lao động theo mỗi công đoạn.
Có bạn nhận biết vị giỏi thì sẽ phụ trách khâu nêm nếm món ăn, có bạn sẽ có cảm nhận tốt về màu sắc, hình dạng thì làm khâu trang trí…
Cô Phương khuyên các bậc phụ huynh nên dành thời gian để cùng can thiệp với các cô thì con mới nhanh có sự tiến bộ.
“Mỗi khi các con hoàn thành xong bữa cơm, các con nói “Con muốn ăn” và mời các cô, các bạn, tôi thấy thực sự xúc động”, chị Phương thổ lộ.
Người sáng lập trung tâm Tuệ Tâm cũng cho hay, các con thích và cũng làm tốt nhất món bánh Doraemon vì dễ làm và cũng vì hình thù bánh đáng yêu.
Hôm nay, ngày 6/9 là ngày khai giảng của các bạn nhỏ mắc hội chứng tự kỷ đang học tập và sinh hoạt tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý - giáo dục Tuệ Tâm.
Nữ ca sĩ Thái Thuỳ Linh đã đến dự, chúc mừng và chung vui cùng các cô trò. Ca sĩ Thái Thuỳ Linh bất ngờ trước sự khéo tay của các bạn nhỏ.
Ca sĩ Thái Thuỳ Linh chia sẻ: "Trẻ tự kỷ gặp khó khó khăn trong cuộc sống hơn gấp nhiều lần so với các em không may mắn bị câm, điếc…
Vì trẻ tự kỷ không thể kiểm soát hành vi dù vẫn có thể đi học, sinh hoạt như các bạn bình thường. Vì vậy, chúng ta cần hiểu đúng về hội chứng tự kỷ để có sự cảm thông và đồng hành cùng các con cũng như các bậc phụ huynh."