Đừng chọn ngày sinh
Hãy để con được ở trong bụng mẹ đủ ngày là tốt nhất. Các nhà sinh vật học ở ĐH Durham, Anh phát hiện mối tương quan giữa thời gian trong bụng mẹ và kích thước não bộ của trẻ.
"Não bộ lớn hơn thì khả năng xử lý nhận thức cũng tốt hơn" - Người dẫn đầu nghiên cứu Robert Barton cho biết.
Chuyên gia khuyên không nên chọn ngày sinh mổ sớm cho con trước tuần 39, vì khi đó bộ não của trẻ chưa phát triển toàn diện.
Uống bổ sung sắt
Nghiên cứu của ĐH Y Rochester cho biết thiếu sắt khi mang thai có thể làm chậm quá trình phát triển não bộ của trẻ.
Trung bình 1/3 phụ nữ mang thai bị thiếu sắt, do đó các bà bầu cần theo dõi và uống bổ sung sắt cho cơ thể nếu cần thiết.
Trẻ thiếu sắt sẽ phát triển chậm hơn và gặp khó khăn khi học nói.
Cho con bú sữa mẹ
"Thời gian bú sữa mẹ và sự phát triển của não bộ sau khi chào đời có liên quan mạnh mẽ" - Barton cho biết.
Nhiều bác sĩ nhi khuyên các bà mẹ nên cho con bú từ 12-24 tháng, khi sự phát triển não bộ được hoàn thiện.
Ăn thực phẩm giàu axit béo
"Yếu tố quan trọng nhất để não bộ phát triển tối ưu là chất béo hay axit béo cần thiết như omega-3 và omega-6" - Mark Spielmann, bác sĩ dinh dưỡng nhi khoa tại Bệnh viện Nhi La Rabida, Chicago cho biết.
Việc hấp thụ axit béo trong và sau khi mang thai sẽ tác động tích cực đến sức khỏe của mẹ và phát triển tầm nhìn, nhận thức của trẻ.
Một số thực phẩm giàu axit béo như bơ, dầu oliu, sữa,...
Duy trì giấc ngủ ngon buổi tối
Theo Viện Y tế Giấc ngủ, một giấc ngủ ngon vào ban đêm sẽ làm tăng tốc độ phát triển não bộ và các chức năng, kỹ năng của trẻ như sự tập trung, tính kỷ luật, khả năng ghi nhớ tốt hơn so với giấc ngủ ban ngày.
Nghiên cứu cho thấy ba bước trước khi đi ngủ là tắm nước ấm, massage và kể chuyện hoặc hát ru sẽ cải thiện chất lượng gaiasc ngủ của trẻ.
Bên cạnh đó, bác sĩ nhi Anatoly Belilovsky, New York cảnh báo, cha mẹ không nên dỗ khi trẻ khóc vào ban đêm vì điều đó chỉ càng làm ảnh hưởng giấc ngủ của trẻ.
Nuôi thú cưng
Bác sĩ nhi Belilovsky cho biết một trong những cách tốt nhất để cải thiện trí thông minh xã hội của trẻ chính là cho chúng tương tác với động vật.
Động vật có cảm xúc và biết bắt chước ngôn ngữ cơ thể của con người. Trẻ tương tác với thú cưng sẽ học cách hiểu cảm xúc, biểu cảm sớm hơn những đứa trẻ chỉ chơi với đồ chơi.
Không cho trẻ tiếp xúc điện thoại, máy tính, TV
Nhiều bố mẹ thường có thói quen để điện thoại "trông" con khi bận rộn, hoặc cho con xem các chương trình giáo dục, tuy nhiên nghiên cứu cho thấy những chương trình giáo dục, videogame hay DVD sẽ không có lợi cho trẻ dưới 3 tuổi.
Chuyên gia khuyên bố mẹ nên trò chuyện hoặc đọc sách cùng con để kích thích trí thông minh ngôn ngữ, giao tiếp với trẻ để kích thích trí thông minh xã hội, đưa trẻ đi chơi để kích thích trí thông minh về không gian, cùng trẻ đếm đồ vật để cải thiện khả năng về các con số.
Chơi cùng con
"Những trò chơi trí tuệ sẽ không hiệu quả nếu trẻ không có bố mẹ chơi cùng" - Bác sĩ nhi Belilovsky cho biết.
Trẻ cần động lực để tăng cường trí thông minh. Nếu để trẻ một mình, trẻ sẽ không có nhu cầu hay động lực để giải câu đố hoặc xây mô hình.
Tuy nhiên khi có người lớn xung quanh, trẻ có thể sẽ muốn thể hiện để nhận được sự tán dương.
Không để trẻ tiếp xúc với chì
Nhiễm độc chì có thể làm suy giảm sự phát triển thần kinh của trẻ, IQ giảm sút, gặp vấn đề về hành vi.
Nồng độ chì trong máu tăng cao còn có thể ảnh hưởng kỹ năng tính toán, kỹ năng đọc, kỹ năng diễn giải bằng cử chỉ, khả năng ghi nhớ,... của trẻ.
Phụ nữ mang thai và cho con bú nên xét nghiệm chì trong máu, bên cạnh đó cha mẹ lưu ý kiểm tra nhãn hiệu đồ chơi, không để con tiếp xúc với sơn có chì hay đất nhiễm chì.
Hạn chế tiếp xúc khí thải từ xe cộ
Nghiên cứu của Trung tâm Columbia phát hiện phụ nữ mang thai tiếp xúc với khí thải từ phương tiện giao thông có khả năng khiến con gặp vấn đề về tập trung trong tương lai.
Khi các bà bầu hít chất ô nhiễm, chúng sẽ truyền qua dây rốn và liên kết với ADN của trẻ, có khả năng gây vấn đề về hành vi, ảnh hưởng khả năng học tập của trẻ sau này.
(Theo Forbes)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 10 cách giúp con bạn thông minh hơn ngay từ khi còn trong bụng mẹ tại chuyên mục Nuôi con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].