Chính phủ đặt mục tiêu TP.HCM phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9; Bình Dương, Long An, Đồng Nai trước 1/9; còn các địa phương khác kiểm soát dịch trước 25/8.
Ngày 10/8, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhằm tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19.
Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải quán triệt nghiêm "chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10", bảo đảm chặt chẽ, thực chất. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc "chặt ngoài, lỏng trong".
UBND tỉnh, thành phố chủ động quyết định và chỉ đạo áp dụng nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch theo quy định với phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn; không nóng vội và tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi dịch đi qua;
Các địa phương phát hiện, xử lý ngay người đến từ vùng có dịch hoặc đến từ địa bàn khác theo quy định của địa phương mà không khai báo, người rời khỏi địa phương đang giãn cách xã hội mà không được phép của cấp có thẩm quyền;
Căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: Hạn chế một số phương tiện; yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó”;…
Xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả xử lý hình sự theo quy định của pháp luật đối với mọi hành vi không tuân thủ, cản trở, chống đối việc thực hiện các quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Kể từ ngày bắt đầu giãn cách: trong thời hạn 14 ngày phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các "vùng xanh"; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển "vùng vàng" thành "vùng xanh", "vùng cam" thành "vùng vàng" và khoanh chặt, thu hẹp "vùng đỏ"; trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các "vùng đỏ" ở phạm vi hẹp nhất.
Chính phủ đặt mục tiêu:
TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9/2021.
Các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1/9/2021.
Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25-8-2021. Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện cụ thể.
Cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng và thực hiện phương án đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu, tuyệt đối không để ai thiếu đói, đồng thời phải bảo đảm các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch bệnh; kịp thời cấp cứu, chữa bệnh cho mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi.
Về công tác y tế, Chính phủ giao Bộ Y tế bám sát diễn biến dịch trong nước và trên thế giới, cập nhật các giải pháp tiến bộ trong phòng, chống dịch và điều trị để kịp thời ban hành hoặc đề xuất ban hành các văn bản điều chỉnh, quy định, hướng dẫn.
Văn bản hướng dẫn phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát, kiểm tra và dễ đánh giá; phải nêu rõ những điểm bắt buộc thực hiện (cứng) và những điểm có tính nguyên tắc để trên cơ sở đó các địa phương nêu cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm và vận dụng sáng tạo.
Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn; các địa phương, bộ ngành chỉ đạo cơ quan y tế, cơ sở y tế thuộc thẩm quyền tổ chức sàng lọc, phân loại người nhiễm theo tình trạng, diễn biến bệnh lý để có biện pháp theo dõi, chăm sóc, điều trị phù hợp, hiệu quả, bảo đảm giảm tỉ lệ người nhiễm có triệu chứng, tỉ lệ chuyển bệnh nặng hơn ở tất cả các tầng, các lớp điều trị.
Đặc biệt chú trọng việc quản lý, chăm sóc người bị nhiễm chưa có triệu chứng; việc chủ động chuẩn bị oxy y tế (nhất là hệ thống oxy tập trung) ở các tầng điều trị. Điều phối phù hợp, tập trung mọi nguồn lực, trang thiết bị để cứu chữa giảm bệnh nhân nặng, nguy kịch, hạn chế tối đa tử vong.
Duy trì hoạt động của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh an toàn. Bảo đảm hệ thống thường trực cấp cứu, xe cứu thương, oxy y tế, máy thở và các trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu, điều trị người bệnh...
Thường xuyên rà soát, cập nhật, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói, bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để tiếp tục mở rộng hoặc điều chỉnh phù hợp các đối tượng được trợ cấp khi gặp khó khăn và giảm tối đa các thủ tục hành chính khi thực hiện nhiệm vụ này;
Chăm lo đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh COVID-19 và lực lượng tuyến đầu chống dịch, bảo đảm kịp thời, thực chất, hiệu quả.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp và bảo đảm trang thiết bị phòng hộ đối với lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch, đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên y tế; cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an, cán bộ cơ sở và đội ngũ tình nguyện viên.
Các địa phương đẩy mạnh việc thành lập, tổ chức các trung tâm, tổ, nhóm hỗ trợ, cứu trợ với hình thức tổ chức, phương thức hoạt động phù hợp, kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn; lập và duy trì đường dây nóng 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận thông tin cần hỗ trợ của người dân về chăm sóc y tế và sinh hoạt thiết yếu; có hệ thống giám sát y tế tại cộng đồng để kịp thời hỗ trợ người dân; bảo đảm trang thiết bị phòng hộ cho đội ngũ tình nguyện viên của các trung tâm hỗ trợ, cứu trợ ...