Con đường từ một chủ tiệm hoa nhỏ trở thành CEO Anphabe được Thanh Nguyễn đúc kết: Phụ nữ cần 3 điều kiện quan trọng để tạo nên điều mà chị gọi là “vòng tròn thành công”.
Thanh Nguyễn của thời sinh viên: mở hai tiệm hoa nhưng phải đóng cửa chỉ sau 6 tháng vì hết vốn.
Thanh Nguyễn của năm 22 tuổi: tốt nghiệp xuất sắc Đại học Ngoại thương Hà Nội. Cầm tấm bằng ưu, cô chọn Nam tiến, trở thành quản trị viên tập sự Hà Nội đầu tiên của Công ty Unilever Việt Nam.
“Ở vị trí cũ, tôi đã có thể yên vị và thoải mái. Nhưng tôi chọn việc ra đi để bắt tay xây dựng một doanh nghiệp hoàn toàn mới vì muốn thử thách mình ở một lĩnh vực mới, một môi trường mới cũng như vận dụng những gì mình đã tích lũy được trước đó ở một tầm cao hơn”.
Vậy là, sau 8 năm làm thuê và đạt những thành công nhất định, Thanh Nguyễn khởi nghiệp lần 2 với Cổng thông tin việc làm lương $1.000 và trang caravat.com nhưng cũng dừng lại sau 3 năm bởi các sáng lập viên không tìm được tiếng nói chung.
Khi bước vào giai đoạn đầu của một phụ nữ tuổi “băm”, Thanh Nguyễn sáng lập mạng tuyển dụng Anphabe.com. Anphabe là công ty tiên phong về giải pháp Thương Hiệu Nhà Tuyển Dụng và hiện là đối tác Thương Hiệu Nhà Tuyển Dụng cho nhiều doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam và khu vực.
Thanh Nguyễn tâm sự, thời điểm này, cô đã đã loại bỏ được những ảo tưởng về khởi nghiệp và tìm thấy được 3 điều kiện quan trọng để tạo nên điều mà cô gọi là “vòng tròn thành công”.
Đó là theo đuổi điều mình yêu, làm điều mình có khả năng nhất định và tạo ra những giá trị mà thị trường cần.
Gặp Thanh Nguyễn vào một ngày cuối thu Hà Nội, cô bước vào cuộc hẹn với mái tóc ngắn cá tính, đôi mắt hút hồn và nụ cười tỏa nắng được tôn hết cỡ bằng khuôn miệng rộng.
Khác với phong thái của một host trong “Monday Motivation” với các nội dung: “Bí quyết cân bằng công việc và cuộc sống”, “Sống giàu có”, bí quyết “yêu” sếp… Thanh Nguyễn thoải mái, hào sảng chia sẻ về hạnh phúc trong công việc và cuộc sống gia đình.
“With love”
Khi còn làm ở Caravat, Thanh Nguyễn luôn kết thúc email gửi các nhân viên của mình bằng hai chữ ngắn gọn nhưng đong đầy niềm tin, sự kỳ vọng và tình yêu thương.
Lúc đó, cô nghi hoặc: “Mình là sếp mà mình gửi mấy dòng đó, không biết nhân viên có nghĩ mình có vấn đề không?”.
5 email. 10 email… Nhân viên trong công ty bắt đầu quen dần với cách “sến súa” của Thanh Nguyễn. Rồi hàng trăm email qua lại, điều mà mọi người cho là “sến” đó đã lan toả, trở thành nét văn hoá của cả công ty.
Cùng thời điểm đó, cuốn “Đừng bao giờ đi ăn một mình” của Keith Ferrazzi đến với Thanh Nguyễn như một định mệnh.
Trong cuốn sách, tác giả đã dùng chữ người kết nối để chỉ những người có mối quan hệ rộng và biết cách nuôi dưỡng để những mối quan hệ đó luôn bền chặt.
Khi đó, Thanh Nguyễn rất phấn khích. Cô định nghĩa lại rằng, nếu một người kết nối bằng cách nào đó tạo được giá trị cho rất nhiều người, không chỉ là kết nối thông tin nghề nghiệp như ở Caravat, mà còn là các mối quan hệ giá trị, những kinh nghiệm thành công, hay cả các cơ hội kinh doanh nữa, thì hẳn đấy cũng là một nghề đáng để theo đuổi.
Kể từ đó, lúc nào Thanh Nguyễn cũng nói về giấc mơ của người kết nối.
Giờ thì, “Mọi người hết nói tôi sến rồi!”
Giai đoạn cùng lúc bắt đầu làm mẹ và là người khởi nghiệp, Thanh Nguyễn tìm ra hạnh phúc đích thực của bản thân.
Khi việc khởi nghiệp gặp những khó khăn nhất định, cô ngưng lại đôi chút, suy nghĩ. Cô liên hệ niềm hạnh phúc của việc làm mẹ với cảm xúc trong công việc.
Thiên chức vĩ đại ấy cho Thanh Nguyễn một sức mạnh vô hình mà chính cô cũng không hiểu nó từ đâu đến. Cho dù con có quấy khóc, có ị đùn hay làm gì đi nữa thì cô vẫn tận hưởng tất cả trong niềm hạnh phúc tuyệt đối.
Thanh Nguyễn tự hỏi: “Tại sao mình luôn tràn trề năng lượng khi ở bên con, còn trong công việc, không phải lúc nào cũng có được năng lượng để làm việc?”
Rồi cô nhận ra, trong giai đoạn khởi nghiệp nhiều khó khăn, cô sẵn sàng chia sẻ tiền bạc của mình với người khác và làm vì những điều mình đam mê. Lúc đó, hạnh phúc với cô là thứ còn cao hơn tiền bạc rất nhiều.
“Quan điểm của tôi là làm việc gì, làm với ai cũng phải yêu người đó, yêu việc đó. Có tình yêu thì đi làm sẽ vui và hạnh phúc. Hạnh phúc thì sẽ có sự gắn kết, làm việc hiệu quả và trung thành”.
Hạnh phúc tưởng chừng tách biệt trong hai môi trường công sở và cá nhân đó lại hoà quyện với nhau, tạo thành lối sống của một “người truyền cảm hứng hạnh phúc”.
Những ngày còn trẻ, Thanh Nguyễn nghĩ đơn thuần hạnh phúc là một điều gì đó thuộc về cá nhân, là phạm trù riêng tư chỉ có thể tìm được trong các mối quan hệ thân thiết.
Cuối cùng, Thanh Nguyễn đã tìm kiếm được hạnh phúc đó từ sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân trong suốt nhiều năm trời. Cô đã đấu tranh hết mình, không từ bỏ, đôi khi nhận lại búa rìu và những cái nhìn không mấy thiện cảm từ những xung quanh nhưng luôn kiên định bảo vệ và toả sáng trong định kiến của mình.
Và khi sở hữu được niềm hạnh phúc ấy rồi, Thanh Nguyễn chưa bao giờ ngưng giữ gìn nó. Giờ đây, cô được sống với giá trị của chính bản thân, được nói lên chính kiến và được tôn trọng.
Với nhiều người, để cân bằng cuộc sống thì họ tìm cách giảm khối lượng công việc để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Với một số khác, việc mất cân bằng trong gia đình có thể lại là một phần giúp cân bằng công việc.
Vốn là người có cá tính mạnh và yêu thích hoạt động nên khái niệm cân bằng với Thanh Nguyễn hơi khác, cuộc sống càng có nhiều hoạt động, càng năng động thì cô càng cân bằng.
“Cá nhân tôi cho rằng cân bằng là một trạng thái hết sức khác nhau ở mỗi người và không thể có một công thức khuôn sáo nào chung cho tất cả. Phương châm sống của tôi là thêm vào, chứ không bỏ bớt vì tôi chọn một cuộc sống đa màu sắc, toàn diện và năng động”.
Thanh Nguyễn chia cuộc sống của mình thành 9 ngăn tủ: Sức khỏe, công việc, gia đình, bạn bè, sắc đẹp, tài chính, cống hiến xã hội, khám phá cuộc sống và đời sống tâm linh.
Để có được cảm giác cân bằng và hạnh phúc, cô sẽ phải sắp xếp để dành đủ thời gian, tâm trí và cả sự đầu tư cho tất cả các ngăn tủ đó.
9 ngăn kéo đó cũng chính là 9 nguồn cung cấp năng lượng giúp Thanh Nguyễn mở rộng vùng an toàn của bản thân và mở rộng vùng thành công mà cô có thể chạm tới.
Thanh Nguyễn làm việc trung bình khoảng 12 tiếng một ngày. Cô dậy lúc khoảng 6 giờ.
Cô yêu thích việc đưa 2 con đi học. Với cô, khoảng thời gian này tuy ngắn ngủi nhưng rất quan trọng khi có thể truyện trò thoải mái với các con như những người bạn và có rất nhiều năng lượng hạnh phúc cho cả ngày dài.
Cô thường có mặt ở văn phòng lúc 7 giờ và ra về lúc 19 giờ 30.
Một tuần, cô tranh thủ đi tập thể dục 2 - 3 lần vào buổi trưa. Các buổi trưa còn lại, cô ăn nhanh tại văn phòng hoặc gặp gỡ với khách hàng, bạn bè. Buổi tối, cô dành khoảng 1 tiếng đi dạo với chồng, trò chuyện với con và luôn có ít nhất 30 phút cho bản thân.
Cô thường làm việc cả thứ 7, nhưng kết thúc sớm hơn để về nhà cắm hoa hoặc làm bánh cùng các con.
Chủ nhật là thời gian cô hẹn hò riêng với chồng, thi thoảng sẽ có thêm gặp gỡ và tiệc tùng cùng bạn bè.
Để 9 ngăn tủ luôn tràn ngập sắc màu, Thanh Nguyễn tìm kiếm sự tư vấn từ bất cứ ai mà cô ngưỡng mộ, cho dù họ là một người kinh doanh bình thường, một doanh nhân hay một bà nội trợ.
“Với triết lý này, tôi có khá nhiều cố vấn và tôi tìm ra họ rất thường xuyên. Tôi cởi mở với họ về những khó khăn của mình và đủ khiêm tốn để yêu cầu sự giúp đỡ. Bạn sẽ không biết bạn có thể có được bao nhiêu sự giúp đỡ nếu bạn không dám yêu cầu”.
Hơn một thập kỷ nay, Thanh Nguyễn học cách sống nhẹ. Cô học yoga cười và thấy triết lý của họ rất đúng: cứ giả bộ cười, tìm mọi cớ để cười, cho tới khi cười thật.
“Hóa ra, khi mình cố gắng cười, các cơ mặt giãn ra, cơ thể tiết ra hormone hạnh phúc có tác dụng làm mình vui vẻ, và lâu dần, cười sẽ trở thành phản xạ, chúng ta có thể cười thật, cười hết mình”.
Mới đây, Thanh Nguyễn thêm việc học vẽ vào danh sách dài hoạt động sôi nổi mà bình yên của cuộc sống đời thường. Cô vẫn giữ nấu ăn và cắm hoa là hai thú vui chính. Bởi chúng giúp cô gần gũi hơn với hai cô con gái nhỏ và tạo ra môi trường kết nối cả gia đình.
Thanh Nguyễn hay bị bạn bè phàn nàn là yêu bản thân thái quá khi biết cô vẫn thường xuyên hẹn hò riêng, đi du lịch với chồng, dành thời gian cho bạn bè, chơi thể thao, nấu ăn, cắm hoa… bên cạnh công việc và chăm sóc gia đình. Cô không ích kỷ, cũng chẳng tham lam, chỉ là đã và đang cố gắng làm đầy 9 ngăn tủ cuộc sống của mình.
“Gia đình là chỗ dựa, nền tảng cho mọi thành công của phụ nữ nên không bao giờ tôi thiếu thời gian dành cho gia đình và bản thân”.
Trong chuyến công tác Thủ đô lần này, chồng Thanh Nguyễn cũng có công chuyện nên cả hai cùng đang ở nơi đây. Vợ chồng cô luôn có thói quen thu xếp các chuyến công tác trùng nhau để có thể tận dụng thời gian ở bên nhau nhiều nhất có thể.
Thanh Nguyễn kể, mới sáng nay thôi, người đầu ấp tay gối nhắn cho cô cái tin dịu dàng “Em đẹp như mùa thu Hà Nội”. Rồi hai vợ chồng cô hẹn hò với nhau ở nơi lãng mạn sau khi cả hai cùng hoàn thành công việc.
Với gia đình, hạnh phúc của Thanh Nguyễn được đong đếm bằng hai chữ “cùng nhau”. Cô coi trọng giá trị của việc cả gia đình “cùng nhau”. Suốt 15 năm qua, những tin nhắn ngọt ngào, cử chỉ ân cần cứ thế được vợ chồng cô làm đầy lên mỗi ngày trong chiếc hộp hạnh phúc “cùng nhau".
Còn với các con, cô sẽ rủ các con cùng tham gia nếu có thể, vừa để có thêm thời gian bên nhau và cũng vừa là cách để các con thấy mẹ làm gương trong việc theo đuổi đam mê.
“Tôi luôn cố gắng khơi gợi để con biết khám phá niềm đam mê của mình và tạo điều kiện để các con có thể dành nhiều thời gian cho đam mê đó”.
Thanh Nguyễn tâm sự, trong khi hầu hết mọi người chỉ lên kế hoạch kinh doanh, thì vợ chồng cô còn lên kế hoạch gia đình trong vòng ba năm và đánh giá định kỳ hằng năm.
Nhờ vậy, cả hai biết được mục tiêu, định hướng của từng năm nên có thể chia sẻ, bàn bạc một cách thấu đáo, có hướng giải quyết tránh nếu xảy ra tranh cãi.
“Khi tôi bận, anh giúp tôi quán xuyến nhiều việc nhà cửa và chi tiêu gia đình mà không hề than vãn. Ngược lại, tôi cũng phải nỗ lực hết mình để hỗ trợ lại anh trong những thời điểm mà công việc của anh bận rộn hay khó khăn”.
Với Thanh Nguyễn, theo thời gian, chúng ta rất dễ bỏ qua việc quan trọng là cần luôn tìm hiểu tâm tư tình cảm, nguyện vọng của nhau. Đó chính là nguyên nhân của cảm giác nhàm chán.
Để không như vậy, cô chọn cách dành nhiều thời gian tâm sự với chồng mỗi ngày và luôn thường xuyên tìm cách thể hiện tình yêu của mình. Đó cũng là cách cô tôn trọng cảm xúc của chính mình đồng thời giúp đối phương biết cách nuôi dưỡng và chia sẻ cảm xúc của họ để giữ lửa cho tình yêu.
Thanh Nguyễn kết hôn khi 24 tuổi và sinh liên tiếp hai con sau đó. Vừa có thai đứa con đầu lòng, cô nhận lời sang Bangkok làm việc và liên tục bay đi bay qua lại giữa các quốc gia. Sinh con được 2 tháng, cô đi làm lại và một thời gian ngắn sau thì có thai đứa con thứ hai.
Nhìn lại quãng thời gian đó, chính cô cũng không hiểu vì sao mình lại có thể làm việc với tần suất như vậy. “Có lẽ quyết định có con khi đang còn trẻ là rất sáng suốt”.
Là một trong những người làm marketing đầu tiên tại Việt Nam được đào tạo và trải nghiệm quốc tế bài bản với tương lai rộng mở, Thanh Nguyễn vẫn quyết định nghỉ việc để được gần gũi và chăm sóc tổ ấm của mình. Nơi mà vai trò là “sếp” ngưng lại ở cánh cửa nhà, nhường chỗ cho những điều bình an nhất bên chồng và hai đứa con.