Với chàng sinh viên khiếm thị Lê Thanh Ánh (Vĩnh Phúc), những lời căn dặn của bố trước khi mất sẽ là hành trang, là động lực để giúp em vượt qua tất cả những khó khăn, trở thành người có ích cho xã hội...
Lê Thanh Ánh là sinh viên khiếm thị, hiện đang học năm 2 Học viện quản lý Giáo dục. Gặp em trong buổi chào tân sinh viên 2019 do Hệ thống Giáo dục HOCMAI tổ chức vừa đây, câu chuyện dài của Ánh về sự thay đổi ngoạn mục bản thân từ lời căn dặn của người bố trước khi qua đời khiến nhiều người xúc động...
Lê Thanh Ánh sinh năm 1997, trong một gia đình nghèo ở xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Bố mẹ Ánh đều làm nông, cuộc sống gia đình chỉ đủ ăn.
Chị gái Ánh khi sinh ra đã bị khiếm thị bẩm sinh. Bố mẹ Ánh thương con gái bao nhiêu, thì đặt kỳ vọng vào con trai út bấy nhiêu. Tuy vất vả, nhưng cả bố và mẹ Ánh đều cố gắng chắt chiu để vừa mua thuốc cho con gái cả, vừa có tiền đóng học cho Ánh, mong sao Ánh chăm chỉ học hành tới nơi tới chốn.
Thế nhưng, đáp lại mong mỏi của bố mẹ và gia đình, Ánh khi mới vài tuổi, đến khi học lớp 1, lớp 2... lại là cậu bé vô cùng nghịch ngợm và rất lười học. Bố mẹ còn không muốn đi họp phụ huynh bởi lần nào đi họp cũng thấy cô nhận xét kết quả học rất tệ.
3- 5 ngày, bố mẹ lại bị hàng xóm sang "gọi nhà" vì bị Ánh bắt nạt. Ánh là cái tên luôn có mặt trong lớp học bồi dưỡng học sinh... yếu.
"Khi đó, em chỉ thích đi chơi, chả thấy hứng thú với bài tập, bài giảng của cô giáo gì cả. Đến bây giờ thì em nghĩ là không có học sinh nào không tiếp thu được bài, hay học dốt đâu, chỉ là do mình lười học, không tập trung nên không hiểu bài thôi" - Ánh kể.
Năm 8 tuổi, khi học lớp Ba, Ánh đi đá bóng và không may bị cành cây chọc vào mắt trái. Vì sợ hãi và chưa có hiểu biết, em tìm nhiều cách để giấu diếm bố mẹ. Khi gia đình phát hiện thì mắt trái của em đã teo dần, mất thị lực.
"Có lẽ em cứ là một cậu bé mải chơi, nghịch ngợm nếu không có một biến cố lớn xảy ra đối với gia đình và với bản thân em. Đó là việc bố em bị bệnh nặng, và qua đời" - Ánh nhớ lại.
Đó là năm Ánh 13 tuổi, em mới học lớp 4 (do gián đoạn thời gian bị hỏng mắt trái). Bố em đột nhiên ốm nặng, bệnh hiểm nghèo nhưng gia đình em không có tiền đưa bố đi chữa nên bệnh ngày càng nặng.
"Một chiều mùa hè năm ấy, khi em đang đi chơi, thì bố em gọi em về, lúc đó bố đã rất yếu. Bố ngồi trên ghế trước thềm nhà và nói chuyện với em rất nghiêm túc. Lúc đầu bố nói với em giọng hờn trách: "Bây giờ bố mất đi thì con sẽ không phải nghe lời bố mắng chửi nữa, tha hồ chơi bời, lêu lổng"...
Sau bố dặn dò "Bố mất đi rồi, phải nghe lời mẹ và chị, bằng mọi cách phải học, bởi chỉ có học mới giúp cuộc sống của con sau này tốt hơn, bố nhắm mắt cũng yên lòng hơn".
Lời dặn dò trước khi mất của bố khiến Ánh như bừng tỉnh. Cậu bé 13 tuổi chợt nhận ra rằng, chả mấy chốc nữa mà mẹ mình lại sẽ già đi, bố không con nữa, chỉ còn mình sẽ phải là chỗ dựa của cả mẹ và chị gái khiếm thị.
Em đã chủ động nhờ những người bạn trên lớp "Hãy dạy lại cho tớ kiến thức đơn giản nhất từ lớp 1, đừng cười chê tớ". Bạn bè em rất ngạc nhiên vì thấy em bỗng nhiên lại muốn học. Nhưng đó là những người bạn thực sự, những người giúp em như được ngày hôm nay.
Các bạn dạy lại cho em từ những bài toán, bài Tiếng Việt lớp 1, lớp 2. Ba tháng hè năm lớp 4, không chỉ các bạn dạy cho em bất ngờ mà chính em cũng bất ngờ khi chỉ trong 3 tháng, em lĩnh hội và hiểu được hết các kiến thức Toán, Tiếng Việt lớp 1, 2, 3.
Em tự tin bước vào năm học lớp 4. Em hứng thú với những bài giảng của thầy cô trên lớp, miệt mài với bài tập khi về nhà.
Và năm lớp 4, từ 1 học sinh cá biệt của 3 năm trước, em đã trở thành học sinh đứng đầu lớp. Em thấy thích học vô cùng, có bài tập nào là em say mê làm hết, học hết. Thầy cô và các bạn ngạc nhiên vì sự thay đổi của em, nhận được sự động viên khích lệ của thầy cô, em lại càng chăm chỉ học hơn, học tốt hơn.
Bố mất một thời gian, đến năm học lớp 8, mắt phải của Ánh bị ảnh hưởng từ thời mắt trái bị hỏng, dù 3 lần đi phẫu thuật nhưng không có hiệu quả, cả 2 mắt của Ánh đều không nhìn thấy ánh sáng nữa.
Rồi tai họa lại ập đến khi mẹ Ánh, vì suy nghĩ quá nhiều nên mắc chứng bệnh rối loạn tâm thần. Có những khi mẹ không làm chủ được ý thức và hành vi của bản thân.
Ánh kể, thời gian đó em hụt hẫng lắm, đau khổ nữa, không còn nhìn thấy khuôn mặt và hình dáng mẹ, chị, thầy cô giáo và các bạn, tất cả xung quanh chỉ là một màu đen. Ánh chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường, mông lung về tương lai khi không còn nhìn thấy ánh sáng.
"Nhưng, những ngày ấy, em lại nhớ lời bố dặn dò trước khi mất. Thế là em quyết tâm đăng ký sinh hoạt trong Hội người mù tỉnh Vĩnh Phúc. Vào năm học mới, em xin được học tại trường THCS Khai Quang".
Các bạn của Ánh khi thấy Ánh vào lớp thì rất ngạc nhiên nhưng là những người bạn tuyệt vời khi đã giúp Ánh rất nhiều. Mặc dù gặp nhiều khó khăn khi học cùng các bạn, nhưng Ánh vẫn luôn vượt qua tất cả những khó khăn và học tốt.
Ánh học giỏi các môn tự nhiên, nhưng khi hỏng cả 2 mắt, mặc dù vẫn rất thích các môn tự nhiên, nhưng em quyết định chuyển hướng sang các môn Khoa học xã hội.
Năm lên lớp 10, Ánh học tại trường THPT Nguyễn Thái Học. Dù phải học chữ nổi, không có chương trình chuyên biệt dành cho học sinh khiếm thị mà học cùng với các bạn mắt sáng, nhưng 3 năm học lớp 10, 11, 12, Ánh luôn là điểm sáng của trường khi thành tích học luôn đứng trong top đầu của lớp.
Cậu học trò khiếm thị tham gia kỳ thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc đạt giải Nhất với Dự án "Hỗ trợ tâm lý cho học sinh khiếm thị học hòa nhập", đạt giải Ba môn Sử trong kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh...
Năm 2018, với những thành tích đã đạt được, Lê Thanh Ánh được tuyển thẳng vào Học viện Quản lý giáo dục, là 1 trong 2 sinh viên xuất sắc nhất của Học viện. Học xa nhà, hoàn cảnh lại khó khăn, ngoài giờ học, Ánh lại đi xe bus đi làm thêm. "Khó khăn nào rồi cũng sẽ qua, em chỉ mong nhất là mẹ và chị luôn khỏe mạnh, bình an".
Với ngành tâm lý học giáo dục, cậu sinh viên khiếm thị Lê Thanh Ánh mơ ước trở thành một chuyên gia tâm lý giỏi, có thể truyền cảm hứng cho những người có hoàn cảnh giống mình, cùng có xuất phát điểm khó khăn.
Học viện Quản lý giáo dục là một trường Đại học công lập được thành lập ngày 3/4/2006 theo Quyết định số 501/QĐ-TTg của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, trụ sở tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Trường hiện đang tập trung đào tạo 5 ngành: Quản lý giáo dục, Tâm lý học giáo dục, Kinh tế giáo dục, Giáo dục học và Công nghệ thông tin, đồng thời kết hợp công tác nghiên cứu các đề tài, đề án về khoa học giáo dục.
Đây được coi là một trường đầu ngành về khoa học quản lý giáo dục trong hệ thống các trường đại học tại Việt Nam