Trong lúc nằm chơi võng, bé trai 5 tuổi ngậm viên bi sắt và không may nuốt luôn viên bi vào thực quản, phải vào viện cấp cứu.
BV Nhi Đồng 1 mới tiếp nhận một trường hợp bé trai N.T.P. (5 tuổi, ngụ tai Đồng Tháp) nhập viện vì nuốt viên bi sắt.
Người nhà của bé kể lại, lúc bé nằm võng chơi có ngậm viên bi sắt. Cha mẹ bé phát hiện liền gọi bé nhả ra mà bé lỡ nuốt ngay.
Sau đó bé xuất hiện tình trạng nôn ói, đau vùng cổ, không ăn uống được, không khó thở.
Khi đến khám tại bệnh viện địa phương, bé được chụp Xquang. Hình ảnh Xquang nghi ngờ có dị vật cản quang vùng thực quản, sau đó bé được chuyển đến BV Nhi Đồng 1.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám, làm các xét nghiệm, chụp chiếu và quyết định tiến hành nội soi gây mê cấp cứu lấy viên bi sắt ở thực quản đoạn ngực cho bệnh nhi.
Quá trình tiến hành thủ thuật gặp nhiều khó khăn. Các bác sĩ đã dùng phương pháp nội soi và bơm phồng bóng hơi (của ống Nelaton số 6) dưới viên bi để kéo lên.
BSCKI Lý Phạm Hoàng Vinh, khoa Tai mũi họng, BV Nhi đồng 1 cho biết, các dị vật hình dáng tròn nhẵn như viên bi khá khó lấy, do các dụng cụ gắp đều bị trơn tuột. Dựa trên kinh nghiệm lâu năm và các y văn, phương pháp dùng bóng hơi đẩy lên mới được các bác sĩ áp dụng và thành công.
Hiện sau khi được gắp thành công viên bi sắt ra ngoài đường thở, bé đã có thể uống sữa và sau đó ăn cháo bình thường, không còn nôn ói, hết đau.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, việc hóc các loại dị vật như vật dụng, đồ chơi, đồng xu, viên bi.... ở trẻ nhỏ rất thường gặp, tuy nhiên lại nguy hiểm vô cùng, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như không ăn uống được, áp xe thành sau họng, áp xe cổ, áp xe – thủng thực quản, tổn thương mạch máu...
Do vậy, khi nghi ngờ bé bị hóc các loại dị vật, người nhà nên đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám lấy dị vật. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần luôn chú ý quan sát trẻ, không nên để trẻ nhỏ chơi 1 mình và không để các vật dụng nhỏ trong tầm tay trẻ.