Cafe sáng: Nước mắt thầy thuốc

Hơn một tuần trước tôi thật sự lo lắng khi em vừa khóc vừa nói với tôi qua điện thoại: không biết em có vượt qua được khó khăn này không thầy ạ.

Tôi biết em, một thầy thuốc nhiệt tình, tâm huyết, ngoài việc chăm lo điều trị cho bệnh nhi ung thư em còn chịu khó tìm kiếm các tài trợ vật chất để giúp các bé khó khăn.

Rủi ro đã xảy ra khi bệnh nhi của em bị ung thư đang chuyển sang giai đoạn điều trị tấn công với những hóa chất mạnh, khối ung thư nhỏ dần nhưng cũng đồng nghĩa là rất nhiều tế bào lành đã bị hóa chất hủy hoại và hệ miễn dịch của bệnh nhi bị suy sụp.

Vì vậy bé đã mắc thêm bệnh nhiễm trùng, một biến chứng khá thường gặp khi bệnh nhân ung thư được điều trị hóa chất liều cao, nhất là trong điều kiện Việt Nam với bệnh nhân đông đúc, điều kiện chăm sóc còn nhiều hạn chế.

Bé đã được điều trị đúng phác đồ nhưng vẫn nặng dần phải chuyển hồi sức và đã không qua khỏi. Sau đó rất nhiều người trong gia đình bệnh nhân đã đến bệnh viện có những thái độ và hành động không phù hợp.

Em bị đình chỉ công tác tạm thời để đợi hội đồng chuyên môn xem xét kết luận.

Hôm nay nhận được thư em rất mừng vì biết em đã vượt qua giai đoạn khó khăn. Em đã bình tĩnh nhìn nhận vấn đề với một tinh thần bao dung, cầu thị: “Em đã làm hết sức. Giá như em có phép thần thông, có thể cứu sống được tất cả các bé. Mình phải hiểu rộng ra là họ mất con là nỗi đau cùng cực nhất, nên họ trách giận mình cũng là điều dễ hiểu. Em đã đủ dũng cảm để chấp nhận mọi thứ, vì em biết, gia đình họ mất con, họ khổ tâm hơn em nhiều”.

Bác sĩ Nhi đã vất vả, bác sĩ ung bướu Nhi còn vất vả hơn nhiều. Cả nước chỉ mấy chục người được đào tạo bài bản phục vụ cho không biết bao nhiêu bệnh nhi ung thư.

Tôi tin rằng em đã đủ dũng cảm để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và sẽ lại tiếp tục công việc của một người thầy thuốc nhiệt tình, hăm hở, hết lòng vì người bệnh.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm

Xem thêm

Tin liên quan