Có một vạn tám ngàn cách để nhét một cuốn sách vào tay lũ trẻ nhưng nó có chịu đọc không lại là chuyện khác!
Thời đại smartphone với hàng trăm tựa game hấp dẫn, mạng xã hội video clip tiktok, youtube các kiểu xem mãi không chán, mà bắt một đứa trẻ ngồi yên đọc sách thì quả là nan giải.
Đó là chưa kể ông bô ngồi lướt Facebook thi thoảng lại bức cái xúc, bà bô cũng ôm máy Facebook thi thoảng xuýt xoa bộ đầm đẹp, hic hic cười với zai 6 múi hay lầm bầm chê con mụ đồng nghiệp xấu còn bày đặt áo xống phát ghét.
Làm thế nào để một đứa trẻ thích đọc sách?
Một là, nhà bạn có tủ sách không? Làm thế nào để một đứa trẻ thích đọc sách nếu như nhà bạn chỉ toàn tủ... rượu?
Hồi tôi ở Thuỵ Điển, cái khu Apartment tôi sống, nhà vệ sinh cũng có kệ sách. Thực ra tủ sách có hay không không phải là điều quan trọng nhất vì rất nhiều nhà tủ sách để... trang trí không hơn.
Nhưng nếu không có tủ sách thì nên là có rất nhiều sách và rải rác lung tung. Để bất cứ chỗ nào, lúc nào cũng có thể chạm tay vào sách. Lũ trẻ mà bị cách ly với điện thoại, tivi thế nào cũng với tay lấy cuốn sách đọc giết thời gian!
Hai là, bố mẹ có đọc sách không? Bố mẹ mà không thích đọc sách thì sao bắt lũ trẻ đọc sách? Hình ảnh của bố mẹ vô cùng quan trọng với con cái. Nếu bố mẹ chịu đọc sách, con cái sẽ bắt chước ngay!
Ba là, cuốn sách hay nhất, có khả năng thay đổi cuộc đời con bạn theo hướng tích cực, hiệu quả với cuộc đời con bạn không phải những cuốn sách bạn ĐÃ MUA hay ĐÃ ĐỌC mà lại là những cuốn sách đang ở ngoài nhà sách.
Tin tôi đi, việc hàng tuần dắt con vào nhà sách nên là việc làm thường xuyên thay vì cả tháng hay cả quý mới vào.
Tạo cho con thói quen vào nhà sách mua một cuốn sẽ giúp con bạn thích đọc sách hơn. Kể cả khi mua về chúng chỉ đọc vài trang rồi bỏ. Có sao? Quyền của người đọc bao gồm cả việc từ chối đọc cuốn sách mà họ không thích mà!
Đừng tiếc tiền khi mà một cuốn sách còn rẻ hơn một thỏi son, bộ váy của mẹ, một trận bia, cafe của bố.
Tất nhiên, hãy hỏi con xem vì sao con không thích cuốn sách đó? Lần tới vào nhà sách sẽ tránh mua những cuốn kiểu đó! Nhưng chắc chắn vẫn phải là con chọn, bố mẹ trả tiền. Đừng bắt con đọc thứ mà bạn thích!
Bốn là, tôn trọng quyền của con bao gồm quyền chọn sách để đọc, quyền từ chối đọc cuốn mình không thích và quyền yêu thích cuốn sách mà theo nó là thú vị.
Mỗi cuốn sách đều có 2 linh hồn. Một là của người viết ra nó và một là của người đọc nó. Vì thế, tôn trọng con chính là cách để con đọc sách một cách tự nguyện vậy!
Cuối cùng, ở một cái thời đại 4.0 thế này việc đọc đôi khi không chỉ giới hạn trong những cuốn sách giấy đâu.
Vấn đề là định hướng cho con đọc gì không nên đọc gì? Thực ra thì sách về cơ bản đều tốt vì đã qua rất nhiều tầng kiểm duyệt và nhà xuất bản nào cũng sợ bị độc giả la ó, tẩy chay nên họ không dám in những cuốn sách chất lượng tệ.
Chưa kể luật xuất bản cũng rất khắt khe cho mỗi cuốn sách phát hành ra. Nhưng vẫn sẽ không tránh khỏi những cuốn sách vớ vẩn.
Việc của bạn là định hướng cho con. Đừng áp đặt! Định hướng kiểu nắn dòng. Bằng trò chuyện với con về cuốn sách con vừa đọc. Cùng lắng nghe sự khám phá của con.
Nhất định phải vậy thì trẻ mới ham muốn đọc sách để kể lại cho bố mẹ. Yên tâm, đến một lúc nó nghiện sách rồi thì nó sẽ không thèm chia sẻ với bố mẹ về cuốn sách nó vừa đọc nữa đâu, hehe, đừng sợ!
Hoàng Anh Tú