Tại sao lại là quán cà phê chứ không phải tại nhà? Là bởi tại nhà, tôi sẽ khó thoát khỏi hình ảnh một ông bố. Ra quán, chúng ta sẽ giống bạn bè hơn.
Buổi sáng, đưa các con đi học, tôi bảo thế! Rằng: Bố có một vạn tám ngàn quán cà phê để ngồi cùng các con mỗi khi đứa nào gặp chuyện cần một lời khuyên từ bố- hoặc nhiều khi, chỉ là người nghe!
Tại sao lại là quán cà phê chứ không phải tại nhà? Là bởi tại nhà, tôi sẽ khó thoát khỏi hình ảnh một ông bố. Ra quán, chúng ta sẽ giống bạn bè hơn.
Chỉ có là bạn bè chúng ta mới sẵn lòng dốc ruột để nói ra hết nhẽ cùng nhau. Và chỉ là bạn bè bố mới dám mách con những lời khuyên sai vì bản thân con thay vì những lời khuyên đúng của một người cha!
Đưa các con vào lớp rồi, tôi miên man nghĩ đến 4- 5 năm nữa. Khi Pi 18 tuổi, My 17, Nguyên Ít 13- 14 tuổi. Có lẽ đó sẽ là thời điểm của buổi cà phê như thế!
Khi ta nói về một cô gái mà Pi thích điên lên được mà bạn ấy chả hề để ý đến Pi: Làm sao tán đổ một cô gái? Ông bố ở nhà sẽ chỉ chăm chăm bắt con học hành. Nhưng ông bạn Tú béo ngoài quán cà phê sẽ bày mưu cho ông bạn Pi béo!
Khi My 17-18, cái tuổi đầy tổn thương của một quá trình trưởng thành, tôi muốn được ngồi cùng cô gái này ngoài quán cà phê hơn là ngồi ở nhà. Tôi sẽ là tờ giấy ăn bự chà bá của cô gái ấy!
Như một gã trai già đầy từng trải, tôi muốn khuyên sai cô gái nhỏ này những lời khuyên để cô có một quá trình trưởng thành đau đớn nhưng rực rỡ hơn là chấp nhận bớt đau mà buồn tẻ.
Đó là những lời khuyên mà cha mẹ không đủ can đảm mà khuyên con mình được! Như khuyên cô gái ấy dốc lòng mà yêu đừng quan tâm mai này ra sao. Như mẹ của cô vậy! Dù mọi chuyện sau đó tệ hại ra sao thì cũng còn tờ giấy ăn bự chà bá này giúp cô lau nước mắt!
Rồi là 15- 20 năm nữa, có khi Nguyên Ít đã có gia đình, ông bạn già Tú béo khi đó đã ngót nghét 60 tuổi rồi nhưng hẳn là những lời khuyên sẽ đúng một cách lệch lạc so với những lời khuyên của bố già ở nhà.
Là hôn nhân xét cho cùng vẫn là một phần của đời con mà thôi! Nếu nó không như ý, không thể sửa chữa thì nên bỏ đi để làm một tập mới.
Chả có gì là việc con phải chịu trách nhiệm với lựa chọn sai của mình cả. Chả có gì là việc con phải chịu trách nhiệm giữ gia đình cả. Ô kìa, hôn nhân là chuyện của 2 người kia mà? Sao chỉ mình con phải cố?
Một ông bố sẽ thật khó để khuyên con mình dấn thân vào con đường mịt mờ phía trước, sau ly hôn, nhưng một ông bạn già sẽ đủ tỉnh táo để chỉ cho bạn mình sự bất ổn không thể sửa chữa từ cuộc hôn nhân ấy!
Tôi nghĩ một vạn tám nghìn quán cà phê có thể thay chủ đổi nhà nhưng việc một người cha, người mẹ sẵn lòng ngồi cà phê như một người bạn của con, gạt đi cái bóng làm cha làm mẹ quá lớn thì bản thân họ cũng chính là quán cà phê thứ một vạn tám nghìn lẻ một rồi!
Note lại để chờ lời rủ cà phê từ các con mình!
Nhà văn Hoàng Anh Tú