Nếu ai đó nghĩ là Triều Tiên nghèo nàn, lạc hậu, chắc chắn sẽ phải nghĩ lại khi đặt chân đến thủ đô Bình Nhưỡng!
Trên đường đến Bình Nhưỡng, từ rất xa có thể nhìn thấy công trình biểu tượng của đất nước này - toà khách sạn Ryugyong 105 tầng cao chót vót.
Ban đêm, toà tháp rực sáng ánh đèn LED với đủ loại hình ảnh động, như một lời khẳng định đanh thép với thế giới, rằng Bình Nhưỡng hoàn toàn không thua kém bất kỳ thủ đô giàu có nào!
Là mơ ước của các vị lãnh đạo Triều Tiên, toà tháp đã xây trong hơn 30 năm nhưng rất tiếc là vẫn chưa hoàn thiện và chưa đưa vào sử dụng.
Ở Triều Tiên thường có các công trình khánh thành vào các dịp như kỷ niệm 70, 80 năm ngày sinh Chủ tịch Kim Nhật Thành, kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước...
“Ba năm trước, phố Nhà Khoa Học Tương Lai được khánh thành, là khu nhà đẹp nhất Bình Nhưỡng…”, cô gái Hướng dẫn viên (HDV) lặp đi lặp lại lời giới thiệu với một niềm tự hào không hề che giấu trong hai lần đi qua con phố này.
Cả một con phố với những toà nhà xây dựng hiện đại, cao nhất là 53 tầng, làm cho bất kỳ du khách nào cũng phải thốt lên: “Ôi, Bình Nhưỡng cũng đẹp đấy chứ!"
Những toà nhà cũ hơn mặc dù thấp hơn, nhưng toà nào cũng có những màu rất đậm, tô điểm cho bức tranh toàn cảnh của Bình Nhưỡng những mảng màu tươi mắt.
Ở những khu vực nghèo hơn, thì nhà nào cũng trồng hoa ở ban công. Không hề có nhà riêng, bé xíu và chen chúc như Hà Nội, và điều tuyệt vời nhất là... Không cần phải mua hay xây nhà, Nhà nước sẽ cấp nhà cho bạn.
Thật vậy, ở Triều Tiên, bạn được Nhà nước lo từ A đến Z!
Từ khi sinh ra đến khi mất đi, bạn đều có phiếu lương thực theo tiêu chuẩn để gia đình đến cửa hàng Nhà nước nhận về. Giáo dục 12 năm là bắt buộc và miễn phí. Y tế cũng vậy.
Học xong đại học, Nhà nước sẽ phân công công việc cho bạn. Khi bạn lập gia đình, nhà trai sẽ gửi một cái đơn và rồi Nhà nước sẽ cấp nhà cho đôi vợ chồng mới cưới.
Gia đình càng đông người càng được cấp nhà rộng, và nếu là người có đóng góp cho đất nước, gia đình bạn có thể được cấp những căn hộ rộng hơn 120m2, 4 đến 5 phòng ngủ.
Những toà nhà xinh đẹp trên phố Nhà khoa học Tương lai tôi nói ở trên là để cấp cho các giáo sư đại học, những nhà nghiên cứu, nhà khoa học.
Kể cả những vận động viên có thành tích cao, mang lại huy chương cho đất nước cũng được cấp trong một khu nhà riêng. Thật tuyệt phải không?
Thay vì cảnh chen chúc thường thấy ở các thủ đô của thế giới, đường phố Bình Nhưỡng rất rộng, nhưng lại rất ít xe lưu thông. Cũng không hề có xe máy. Nhưng lại là thiên đường của xe đạp. Có làn đường riêng cho xe đạp và người đi bộ.
Tất cả xe hơi trên đường đều là của Nhà nước, biển màu xanh; hoặc của quân đội, biển màu xám; hạn hữu lắm mới thấy một xe “cá nhân” biển màu vàng - là xe của Nhà nước tặng cho những người có nhiều cống hiến.
Người dân Triều Tiên không được sở hữu xe hoặc bất động sản. Nhà nước lo cho bạn mọi thứ rồi, bạn đâu cần phải sở hữu gì riêng nữa?
Suốt mấy ngày ở Bình Nhưỡng, cảm giác lớn nhất tôi cảm nhận được ngoài đường là sự yên bình đến lạ. Không ai vội vã, trừ một vài người chạy cho kịp chiếc xe bus đang đến điểm dừng. Người dân ở đây mặc dù khuôn mặt vẫn sạm nét khắc khổ, nhưng thực sự họ thấy rất bình yên!
Có phải vì chúng ta đã quen với việc đi xe máy, đi ô tô... để tiết kiệm thời gian, nên luôn thấy thiếu thốn thời gian và luôn luôn vội vã hay không?
Với một vài thành viên lớn tuổi trong đoàn du khách tham quan Triều Tiên chia sẻ, hình ảnh ở đất nước này khiến họ liên tưởng lại những kỷ niệm về một thời Việt Nam chưa mở cửa.
Đó là cảnh người bố chở đứa con, bà mẹ chở bao gạo, trên giỏ xe là cái túi xách công sở... Những tờ tem phiếu: phiếu lương thực, phiếu gạo... một thời là kỷ niệm của một thế hệ người Việt Nam vẫn hiện hữu ở Triều Tiên năm 2018.
Dọc đường đi về khu du lịch nhỏ trong núi Kim Cương, bạn HDV mua 2 kg hồng của một người dân đi bán. Hồng để trong một cái chậu, gói kín bằng cái khăn to màu đỏ, người bán hàng loay hoay cân với cái cân cầm tay bé xíu, khiến người chứng kiến chợt thấy như đồng hồ đang quay ngược lại 30- 40 năm về trước vậy...
Dọc theo đường cao tốc và đường liên tỉnh là bạt ngàn sắc màu của hoa cánh bướm. Đi mãi đã quen với cái xóc nảy lên từng hồi của con đường đã xuống cấp, du khách người Việt bỗng nhớ man mác hình ảnh Việt Nam cách đây hai ba chục năm, vì Tết năm nào cũng chưng loại hoa này.
Những người từng đi nhiều nước trên thế giới sẽ thấy lạ lẫm vì không có ga tàu nào trên thế giới giống như ga tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng.
Không hề có một cửa hàng, cửa hiệu nào cạnh bến tàu điện ngầm. Trước mặt và hai bên ga tàu vẫn chỉ là những khu dân cư bình thường, chứ không phải là tâm điểm của các cửa hàng tiện lợi, trung tâm mua sắm... như ta vẫn thấy mọi khi.
Và đặc biệt, không có bất cứ quảng cáo nào dọc theo thang cuốn, trên tường nhà hay trong toa tàu. Tất cả là một màu trắng trơn, vì đâu có ai phải cạnh tranh với ai đâu mà cần quảng cáo với thương hiệu!
Trong đoàn có nhiều chủ doanh nghiệp VN nên chúng tôi có một buổi làm việc với một vài doanh nghiệp (tất nhiên của nhà nước) ở Bình Nhưỡng.
Và thật bất ngờ, một công ty trong số đó đề nghị du khách đầu tư xây dựng một khách sạn tại Bình Nhưỡng, vì họ thấy nhu cầu sử dụng khách sạn đang tăng rất cao ở thành phố này.
Họ cũng cho biết rằng quyết định mời nước ngoài đầu tư là vừa mới có, trong những định hướng gần đây của Nhà nước. Chúng tôi hào hứng ngồi như trong một buổi Shark Tank để nghe những trình bày sơ qua của họ về kế hoạch kinh doanh.
Tính khả thi đến đâu thì chưa rõ, nhưng tất cả chúng tôi ai cũng cảm thấy mừng, vì cứ đà này, ngày mở cửa và phát triển của Triều Tiên sẽ đến, không xa...
Đón đọc Kỳ 3: Triều Tiên khép kín cỡ nào?