Chân bồn nước ở phòng tắm bị gãy sập khiến bồn nước nặng lăn xuống, rơi đè vào người bé gái. Người dân nhanh chóng tìm cách đưa bé gái ra từ đống đổ nát và chuyển vào viện cấp cứu.
Các bác sĩ của BV Sản Nhi Nghệ An mới cứu sống thành công cô bé D.T.M.T.(15 tuổi) là nạn nhân trong vụ tai nạn sập bồn nước từ trên cao đè lên người.
Theo người nhà bé kể lại, sau khi nghe tiếng động lớn vang lên từ phòng tắm, người dân quanh nhà hốt hoảng chạy đến thì phát hiện T. đang nằm bẹp dưới bồn chứa nước.
Chân bồn nước bị gãy sập khiến bồn nặng lăn xuống, rơi đè vào người bé. Dân làng vừa tìm cách đưa T. ra từ đống đổ nát, vừa hối hả giục nhau đem bé đi cấp cứu.
Bệnh nhân được đưa tới BV Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng đa chấn thương nặng, sốc mất máu, kích thích vì đau đớn, niêm mạc rất nhợt, đồng tử 2 bên bắt đầu giãn 3 mm, phản xạ ánh sáng yếu; mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt. Lồng ngực phải căng, bầm tím mạng sườn trái, gãy xương đùi trái. Bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch.
Sau khi sơ cứu khẩn cấp ban đầu, bệnh nhân được chuyển thẳng lên khoa Gây mê Hồi sức. Hệ thống báo động đỏ kích hoạt toàn viện. Các chuyên khoa Ngoại, Hồi sức tích cực ngoại khoa, Gây mê hồi sức, Xét nghiệm huyết học phối hợp chặt chẽ cấp cứu giành giật sự sống cho bệnh nhi từ tay tử thần.
TS.BS Trần Minh Long, Phó Trưởng khoa Hồi sức Ngoại, BV Sản Nhi Nghệ An nhận định: “Bệnh nhi bị đa chấn thương, dập nát thùy phổi, đứt động mạch phổi phải, tràn máu, khí màng phổi 2 bên, gãy kín 1/3 giữa xương đùi trái, hôn mê bất tỉnh, tình trạng nguy kịch.
Êkip cấp cứu tiến hành hồi sức, truyền dịch cao phân tử; đặt huyết áp động mạch xâm lấn và catheter tĩnh mạch trung tâm; truyền máu và chế phẩm máu. Bệnh nhân mất máu liên tục, luôn trong tình trạng sốc.
Phổi của bệnh nhân có dấu hiệu bị tổn thương nặng, chúng tôi đặt ống dẫn lưu màng phổi 2 bên, rồi đặt nội khí quản thở máy. Phổi trái dẫn lưu ra máu và khí; nhưng phổi phải máu ra nhiều, liên tục 2000 ml máu ngay sau dẫn lưu và tiếp tục ra nhiều không giảm. Các bác sĩ đã tiến hành mở lồng ngực cầm máu cho bệnh nhân.
Sau ca mổ, bệnh nhân chuyển về khoa Hồi sức tích cực ngoại khoa thở máy, an thần; tiếp tục hồi sức truyền máu và chế phẩm máu. Tuy nhiên, dẫn lưu màng phổi bên phải của bệnh nhi tiếp tục ra gần 700 ml dịch máu trong vòng 2 giờ sau mổ. Nhận định tình hình bệnh nhân vẫn còn nguy hiểm, buổi hội chẩn liên khoa quyết định tiến hành mổ cấp cứu cầm máu lần 2 cho trẻ. Lần mổ này đã giải quyết triệt để vấn đề tổn thương phổi của trẻ.
Sau 2 tuần, tình trạng ổn định về chức năng hô hấp, 2 phổi thông khí tốt. Bệnh nhân được phẫu thuật kết hợp xương đùi trái; bắt đầu tập vận động khớp háng và khớp gối trái. Sau khi phải trải qua 3 ca đại phẫu, 15 lít máu và chế phẩm máu đã phải huy động truyền bù cho bệnh nhi”.
Hiện tại, sau gần 1 tháng tích cực cứu chữa, bé T. đã từ “cõi chết trở về”, cười tươi bình phục, ăn uống tốt và có thể xuất viện về nhà. Dự kiến, bé sẽ quay lại bệnh viện tái khám và rút đinh sau ca phẫu thuật gãy xương đùi trong thời gian tới.