Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp mới được thẩm định là đơn vị đủ điều kiện để triển khai bệnh án điện tử, thay thế hoàn toàn bệnh án giấy và hướng tới không sử dụng tiền mặt thanh toán viện phí.
Mới đây, tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã diễn ra buổi thẩm định Bệnh án điện tử. Với việc đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt thanh toán viện phí.
Tham gia thẩm định hồ sơ bệnh án điện tử tại bệnh viện có PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, các chuyên viên Cục Cục CNTT, Bộ Y tế; PGS.TS.TTND. Hà Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp; cùng 6 thành viên của Hội đồng thẩm định đánh giá điều kiện triển khai Bệnh án điện tử Bệnh viện.
Sau khi nghe báo cáo về hệ thống thông tin bệnh viện, Hội đồng thẩm định đã trực tiếp khảo sát, kiểm tra cơ sở hạ tầng, thực trạng hoạt động của phần mềm tại Phòng máy chủ, các Khoa Nội tổng hợp, Khoa Xét nghiệm, Khoa Chẩn đoán hình ảnh..., qua đó đối chiếu các tiêu chí quy định tại Thông tư số 54/2017/TT-BYT; thông tư số 46/2018/TT-BYTcủa Bộ Y tế.
Bệnh viện đã triển khai các hệ thống HIS, hệ thống LIS, hệ thống PACS/RIS, hệ thống QMS, hệ thống KIOSK check in/tra cứu, hệ thống phần mềm bổ trợ (kế toán, tài sản cố định, nhân sự, …), cổng thông tin điện tử, hệ thống thanh toán viện phí online, hệ thống khảo sát mức độ hài lòng, hệ thống hóa đơn điện tử, hệ thống bệnh án điện tử.
PGS.TS Hà Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết: “Tuy là bệnh viện hạng I, thuộc bệnh viện của ngành Nông nghiệp, nhưng chúng tôi đã nhận thấy nhiều lợi ích và giá trị mà Bệnh án điện tử mang lại nên Bệnh viện chúng tôi đã nhanh chóng xúc tiến các đầu công việc để triển khai bệnh án điện tử và tiến hành thẩm định.
Kết quả triển khai hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) của bệnh viện đáp ứng yêu cầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử: Nhóm tiêu chí hạ tầng CNTT đáp ứng mức 7, nhóm tiêu chí hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) đáp ứng mức 6, nhóm tiêu chí hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS-PACS) đáp ứng mức nâng cao, nhóm tiêu chí hệ thống quản lý thông tin xét nghiệm (LIS) đáp ứng mức nâng cao, nhóm tiêu chí phi chức năng đáp ứng mức nâng cao, nhóm tiêu chí bảo mật và an toàn thông tin đáp ứng mức nâng cao, nhóm tiêu chí bệnh án điện tử (EMR) đáp ứng mức nâng cao và nhóm quản lý điều hành đáp ứng mức cơ bản theo quy định tại Thông tư số 54”.
Thạc sĩ Hà Thái Sơn (Cục quản lý KCB-BYT) sau khi đi khảo sát thực tế tại bệnh viện đánh giá: “Giám đốc phải rất quyết liệt cũng như sự đồng lòng của nhân viên mới có thể triển khai được bệnh án điện tử trong giai đoạn khó khăn này.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt chúng ta cần tổ chức đào tạo cho hệ thống nhân viên về việc sử dụng hệ thống phần mềm một cách bài bản và đồng bộ”.
Theo ý kiến của PGS.TS Trần Quý Tường thì hiện có vài bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, nhưng Bệnh viện ĐK Nông nghiệp lại có hệ thống xe tiêm của bệnh viện rất đẹp, hiện đại, tích hợp được phần mềm mới.
Ông còn cho biết hệ thống phần mềm sẽ rất thuận tiện cho việc kết nối các bệnh viện và bệnh nhân.
Bộ Y tế mong muốn đến năm 2023, tất cả các bệnh viện hạng I, đều phải thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt và triển khai bệnh án điện tử.
Nhưng yêu cầu của thủ tướng thì còn cao hơn, đó là tất cả các bệnh viện đều phải đạt được.
Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã đi trước đón đầu trong công tác này, điều này cho thấy lãnh đạo của bệnh viện là những người dám nghĩ lớn, hành động nhanh trong cải các công tác khám chữa bệnh.
Tại buổi thẩm định, các thành viên Hội đồng chuyên môn đã tiến hành bỏ phiếu và thống nhất: Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đạt và đủ điều kiện triển khai Hồ sơ bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy.
PGS.TS Trần Quý Tường cũng đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm cao của Bệnh viện trong việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành, cải cách quy trình khám chữa bệnh, công khai, minh bạch thông tin, giảm phiền hà cho người bệnh tại Bệnh viện.
Đến nay Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp là bệnh viện thứ 6 trong cả nước thẩm định thành công bệnh án điện tử.