Bị ho, khò khè, thở mệt suốt 9 ngày, bé trai được đưa vào viện thăm khám và bất ngờ phát hiện 2 mảnh xương mắc ở đường thở của bé.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, BV Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) thông tin, mới đây, Khoa Cấp cứu của bệnh viện có tiếp nhận một trường hợp trẻ nam, 20 tháng tuổi, ở Long An, nhập viện trong tình trạng bứt rứt, khò khè, khó thở, tím tái, miệng nhiều đàm nhớt.
Qua khai thác bệnh sử thì được biết, 9 ngày nay trẻ bị ho, khò khè, thở mệt điều trị bác sĩ tư 2 ngày không bớt, nên nhập bệnh viện địa phương chẩn đoán hen phế quản nặng, điều trị thở oxy, phun khí dung thuốc dãn phế quản, kháng sinh kháng sinh tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên, tình trạng của bé không cải thiện nên được chuyển đến BV Nhi Đồng Thành Phố.
Tại đây, trẻ có biểu hiện khò khè, khó thở, rút lõm ngực, thở gật gù cổ, nhiều đàm nhớt, bứt rứt, tím tái nên được đặt nội khí quản, giúp thở, truyền thuốc dãn phế quản và phun khí dung thuốc dãn phế quản qua máy thở, cũng như sử dụng kháng sinh điều trị viêm phổi.
Nhưng tình trạng trẻ vẫn không cải thiện nên được hội chẩn chụp CT scan phổi. Kết quả chụp cho thấy hình ảnh dị vật kích thước 0,5x1cm ở ngay chỗ chia đôi khí quản thành phế quản gốc bên phải và trái, hơi nằm chếch bên trái.
Ngay sau đó, bé được hội chẩn các chuyên khoa hô hấp, tai mũi họng, tiến hành nội soi đường thở cấp cứu sau khi có test nhanh COVID-19 âm tính.
Các bác sĩ đã mặc đồ phòng hộ cá nhân đảm bảo an toàn COVID-19, tiến hành nội soi đường thở, gắp ra được mảnh xương lợn hình tam giác kích thước 0,5x1cm có bờ sắc nhọn cắm vào thành phế quản gốc bên trái, ghi nhận sây sát nhẹ, rỉ ít máu niêm mạc phế quản.
Tiếp tục soi thám sát kiểm tra các “ngóc ngách” khác phát hiện thấy ở phế quản thùy dưới (P) có mảnh dị vật màu trắng nằm ngay phế quản phân thùy S8, gắp khó khăn ra 1 mảnh xương nhỏ 0,2×0,3cm.
Trẻ được điều trị tiếp tục tại khoa hồi sức ngoại theo dõi biến chứng thủng phế quản, tràn khí trung thất, màng phổi.
Qua khai thác bệnh sử, mẹ bé cho biết, trước đó có dùng nước hầm xương nấu cháo thịt cho trẻ ăn nhưng vô tình còn sót mảnh xương, dẫn đến tai nạn có thể gây nguy hiểm tính mạng trẻ nếu không được nghĩ đến và can thiệp cấp cứu kịp thời.
Hình ảnh CT scan ngực cho thấy mảnh dị vật ở chỗ phân chia khí quản chếch về bên phế quản gốc trái, nguy cơ gây thủng phế quản, tràn khí trung thất, các bác sĩ thực hiện nội soi cấp cứu
Mảnh xương lợn hình tam giác có cạnh sắc nhọn cắm vào phế quản gốc bên trái và mảnh xương nhỏ khác, được các bác sĩ dùng dụng cụ nội soi chuyên dụng khéo léo gắp ra mà không gây thủng phế quản.
Trẻ 20 tháng tuổi, hóc xương lợn đường thở gây suy hô hấp nặng, được nội soi cấp cứu lấy dị vật và được tiếp tục điều trị tại Khoa Hồi sức ngoại.
Qua trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh, trong khi chế biến thức ăn cần lấy hết xương ra, tốt nhất là lóc hết xương cho trẻ ăn phần thịt để tránh hóc xương đáng tiếc.