Tưởng lọ dầu xoa bóp là siro ho, người nhà của cậu bé 2 tuổi đã lấy cho bé uống khiến bé hoảng loạn, khóc thét cả đêm phải vào viện cấp cứu.
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) thông tin, bệnh viện vừa tiếp nhận 1 bệnh nhi tên T. (2 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) bị người nhà cho uống nhầm dầu xoa bóp.
Người thân của bé kể lại, do người nhà tưởng lọ dầu xoa bóp là lọ siro ho nên đã cho T. uống khoảng nửa nắp (khoảng 5ml).
Sau khi uống nhầm dầu xoa bóp, T. khóc thét liên tục, có biểu hiện mệt, buồn nôn nên người nhà tức tốc đưa đi cấp cứu trong tình trạng thở nhanh, sốt nhẹ, buồn nôn, hơi thở đậm mùi dầu xoa bóp.
Bệnh nhi được bác sĩ chỉ định truyền dịch, trấn an dỗ dành, khám soi kĩ hầu họng không thấy bỏng rát tổn thương và điều chỉnh rối loạn điện giải, kiểm tra chức năng gan thận còn bình thường.
Hiện sức khoẻ T. đã ổn định, đỡ sợ, ít quấy khóc hơn và chuẩn bị xuất viện. Rất may T. không bị các biến chứng bỏng đường hô hấp, tiêu hoá, hay viêm phổi hít.
Các bác sĩ khuyến cáo, tình trạng ngộ độc thuốc và các hóa chất khác (thuốc trừ sâu, chất tẩy, xăng dầu, cồn) do uống nhầm vì được đựng trong chai nước suối khá thường gặp.
Vậy nên, các bậc phụ huynh nên để thuốc và các chất có thể gây hại khác ngoài tầm tay của trẻ, dùng các sản phẩm có nhãn mác rõ ràng không dùng loại chai lọ không nhãn mác để đựng các chất khác mà không ghi chú rõ ràng.
- Trẻ bị đau họng, buồn nôn và nôn, môi lưỡi đỏ hoặc bị phồng rộp, chảy máu, đau tức thượng vị, đau ở mũi rồi lan ra khắp bụng.
- Trẻ khó thở, thở gấp, mặt mũi tím tái, thở cánh mũi phập phồng, co kéo cơ hô hấp ở cổ, có biểu hiện của suy hô hấp. Ngoài ra, trẻ thường rên rít lên do thanh quản bị co thắt.
- Da xanh xao nhợt nhạt, da nổi các vân tím, một số bé bị mất ý thức, hoảng loạn, la khóc, thậm chí rơi vào trạng thái hôn mê bất tỉnh.
- Cha mẹ nên cất giữ những hóa chất gia dụng ở những nơi an toàn, tránh xa tầm tay trẻ nhỏ. Với những hóa chất có độc tính cao như dung môi pha sơn, các loại thuốc diệt côn trùng… nên để ở những nơi riêng biệt, khóa cẩn thận.
- Không dùng chai đựng nước uống để đựng hóa chất và ngược lại cũng không nên dùng chai đựng hóa chất trước đó để đựng nước.
- Không nên để các loại hóa chất ở những nơi bé vui chơi và không được để trẻ nhỏ tự chơi một mình.
- Ngăn cấm trẻ không được đến những nơi có chứa hóa chất.
- Các sản phẩm chăm sóc da, tóc, thuốc và các loại vitamin nên cất ở những nơi an toàn, trên cao, tránh xa tầm tay trẻ nhỏ.
- Nên ưu tiên mua những sản phẩm tẩy rửa có nguồn gốc thiên nhiên ít độc hại sẽ tốt hơn.
- Cha mẹ tuyệt đối không được gọi tên thuốc là “kẹo” hoặc uống thuốc trước mặt bé. Vì trẻ nhỏ thường thích bắt chước người lớn.