Ngày 01-02/11/2019 vừa qua, tại thành phố Bắc Ninh diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế 'Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại'.
Hội thảo khoa học quốc tế do Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh phối hợp tổ chức. Dự hội thảo có các đồng chí: Đào Hồng Lan, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hạnh Chung, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện Trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; các nhà quản lý, nghệ nhân, đại diện cộng đồng nắm giữ, thực hành di sản.
Tranh Đông Hồ là một trong những dòng tranh nổi tiếng của Việt Nam, giàu giá trị nội dung và nghệ thuật. Trải qua gần 500 năm, tranh dân gian Đông Hồ đã đi vào đời sống của người Việt Nam, là chủ đề sáng tác trong hội họa, văn chương, thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam và cũng là sự tiếp nối giữa các thế hệ, mang tính giáo dục, triết lý xã hội sâu sắc.
Bảo vệ và phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là một công việc vô cùng cần thiết và cấp bách đối với các cơ quan quản lý, cộng đồng và nghệ nhân.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong phát biểu chào mừng hội thảo và khẳng định: Thời gian qua, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương nhằm khôi phục, bảo vệ, phát huy giá trị trong cuộc sống đương đại.
Năm 2013, Tranh dân gian Đông Hồ đã được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2014, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt các đề án, dự án bảo tồn và phát huy giá trị của dòng tranh này.
Hiện nay, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, đồng thời chủ trì phối hợp xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc tổ chức hội thảo về bảo vệ di sản tranh dân gian Đông Hồ lần này có ý nghĩa quan trọng, góp phần gìn giữ, bảo vệ các giá trị của một dòng tranh nổi tiếng trong xã hội đương đại, hướng đến phát triển bền vững, khơi dậy nhận thức của các tầng lớp nhân dân về việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản quý mà cha ông trao truyền.
Những kết quả của hội thảo góp phần xây dựng chương trình bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói chung và nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ nói riêng.
Tại hội thảo có sự hiện diện của 14 học giả, chuyên gia quốc tế đến từ các nước, vùng lãnh thổ là: Na uy, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc... Ngoài ra còn có sự tham gia trình bày, thảo luận của hơn 100 chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan quản lý trung ương và địa phương, các thành viên hội đồng di sản Quốc gia, đại diện cộng đồng, nghệ nhân làm tranh.
Những chủ đề chính được các đại biểu tập trung trình bày và thảo luận sôi nổi tại hội thảo là: Vấn đề lý luận, cách tiếp cận nghiên cứu tranh dân gian và tranh Đông Hồ dưới góc độ liên ngành; nhận diện giá trị, ý nghĩa của tranh dân gian nói chung và tranh Đông Hồ nói riêng; thực trạng quản lý nghề làm tranh và tranh dân gian Đông Hồ; vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị của di sản tranh dân gian Đông Hồ.
Đây là hội thảo khoa học quốc tế có quy mô tương đối lớn với sự tham gia của đông đảo học giả trong nước, quốc tế và đại diện người thực hành di sản, qua đó thể hiện mối quan tâm đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản tranh dân gian Đông Hồ.
Các bài trình bày và thảo luận tại hội thảo đã đưa ra những vấn đề khoa học quan trọng về nghiên cứu nghệ thuật tranh dân gian, di sản văn hóa phi vật thể nói chung và nghề làm tranh dân gian Đông Hồ nói riêng.
Những thành quả nghiên cứu này đóng góp thiết thực vào khoa học nghiên cứu liên ngành và trong thực tiễn bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam.
Theo WikiPedia, tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới. Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chuyên môn tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ để đệ trình UNESCO đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể.
Ngoài các đặc điểm về đường nét và bố cục, nét dân gian của tranh Đông Hồ còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn - hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó.
Chổi lá thông tạo nên những ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng, có thể pha thêm màu khác vào hồ trong quá trình làm giấy điệp.
Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang)... Đây là những màu khá cơ bản, không pha trộn và vì số lượng màu tương ứng với số bản khắc gỗ, nên thường thường tranh Đông Hồ chỉ dùng tới 4 màu mà thôi.