Ca suýt chết vì An cung ngưu hoàng tại BV Nhiệt đới vừa qua không phải là cá biệt. Nhiều người đang hiểu sai, dùng sai sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc, Hàn Quốc này.
Ngày 31/3, Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương tiếp nhận bệnh nhân 65 tuổi (tỉnh Vĩnh Phúc) nghi ngờ sốt xuất huyết do chảy máu dưới da. Tuy nhiên, qua các xét nghiệm, chiếu chụp cho thấy tình trạng bệnh nhân với khả năng đông máu giảm, xuất huyết dưới da ngày càng nặng, có chảy máu dạ dày, chảy máu trong cơ kèm theo biểu hiện suy gan.
Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết, trước đó khoảng 3 tuần, bệnh nhân có uống một liều an cung ngưu hoàng để phòng tai biến. Theo đó, tình trạng chảy máu có thể do bệnh nhân tự uống an cung ngưu hoàng để điều trị đột quỵ.
Đây không phải trường hợp duy nhất là nạn nhân của an cung ngưu hoàng, TS BS Nguyễn Văn Doanh -Bệnh viện Thu Cúc kể, bản thân bác sĩ cũng từng chứng kiến rất nhiều bệnh nhân bị biến chứng do sử dụng an cung ngưu hoàng không đúng cách. Trong đó có một trường hợp bệnh nhân bị chảy máu não (ở Thành Công, Hà Nội) nhập viện điều trị và đang có dấu hiệu hồi phục tốt.
"Tuy nhiên, hôm sau tôi đến, nghe bác sĩ trực báo cáo bệnh nhân đi vào hôn mê, toàn thân lấm chấm chảy máu, nôn ra máu, đi tiểu ra máu.
Sau đó, tôi cho xét nghiệm một dòng tế bào cho thấy tiểu cầu bằng 0. Tôi xem lại đơn thuốc nhưng không thấy có bất cứ thành phần nào làm mất tiểu cầu. Bệnh nhân đó dù tiến hành cấp cứu nhưng bệnh nhân không tỉnh lại. Về sau, người nhà thú nhận mua 3 viên an cung, sử dụng đến viên thứ 2 thì bệnh nhân xuất hiện triệu chứng trên", TS BS Nguyễn Văn Doanh cho biết.
Cũng theo BS Doanh, có rất nhiều bệnh nhân chảy máu não, giấu bác sĩ sử dụng viên an cung ngưu hoàng đã dẫn tới tử vong.
Điều này cũng trùng hợp với thực tế, hiện nay rất nhiều người có tư tưởng tích lũy và sử dụng các sản phẩm an cung ngưu hoàng. Theo các bác sĩ, chưa nói đến các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng thiếu đảm bảo, ngay cả những viên an cung “xịn” cũng có thể gây nguy hiểm sức khỏe người sử dụng nếu dùng một cách thiếu hiểu biết.
TS.BS Nguyễn Văn Doanh- Bệnh viện Thu Cúc cho biết: “Bệnh đột quỵ có nhiều thể, bao gồm thể chảy máu và thể tắc mạch. Với thể tắc mạch (nhồi máu não), bệnh nhân gặp tình trạng có một mạch máu trong não bị tắc lại, từ đó một vùng não không được cấp máu gây ra các triệu chứng thần kinh.
Thể do bản thân cục máu đông (có thể xuất hiện do chấn thương) di chuyển từ dưới cơ thể lên trên mạch máu não, gặp khu vực động mạch nhỏ gây tắc hoặc mạch máu bị “cặn” gây hẹp lòng mạch”.
Bên cạnh đó còn có thể chảy máu não, bệnh nhân bị một mạch máu trong não vỡ ra, máu tràn vào nhu mô não, còn chảy máu màng não do mỡ mạch máu ở khu vực nằm ngoài não. Thể xuất hiện khi mạch máu ở não bị suy yếu, vỡ ra, máu chảy trong não..
Vì vậy, theo bác sĩ, khi bệnh nhân nắm rõ “thể” mình mắc mới có thể tìm ra phương pháp điều trị bệnh cho đúng. Và việc sử dụng an cung ngưu hoàng hoàn hiện nay cũng cần dựa trên nguyên lý đó.
“Tôi nghĩ rằng, thuốc có tác dụng gây chảy máu, nó làm tan cục máu đông. Với một số bệnh nhân, khi bị cơn thiếu máu cục bộ tạm thời do máu đông, có khi cục đông có thể tự trôi đi, dòng máu bình thường, chức năng hồi phục trùng hợp đúng lúc uống thuốc nên cho rằng thuốc tác dụng.
Tuy nhiên, về mặt thực hành, chúng tôi luôn nhắc nhở bệnh nhân, bệnh đột quỵ có thể chuyển từ thể này sang thể khác nên việc sử dụng thuốc cần rất thận trọng.
Chưa kể, bệnh nhân cần chụp chiếu, xét nghiệm để biết mình ở thể nào trước khi sử dụng”, TS BS Doanh khuyến cáo.