Bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan nhanh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy những ai có nguy cơ mắc căn bệnh này và cần làm gì để phòng bệnh?
Theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, bất kỳ ai có tiếp xúc gần gũi với người có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ hoặc với động vật nhiễm bệnh đều có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Vậy nên, nhân viên y tế cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn để bảo vệ bản thân khi chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và những người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh với các triệu chứng nghiêm trọng hơn, thậm chí tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.
Người đã tiêm vắc-xin phòng bệnh đậu mùa có nhiều khả năng được bảo vệ ở mức độ nhất định trong phòng ngừa nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, người trẻ tuổi ít có khả năng là đã tiêm phòng bệnh đậu mùa vì hoạt động tiêm phòng đậu mùa đã chấm dứt trên toàn thế giới sau khi bệnh đậu mùa được “thanh toán” vào năm 1980. Vì vậy, những người đã được tiêm phòng bệnh đậu mùa vẫn nên tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Người mắc bệnh đậu mùa khỉ thường có các triệu chứng phổ biến như: sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, phát ban, tổn thương ở da.
Các tổn thương da có ban đầu sẽ bằng phẳng, sau đó chứa dung dịch, sau một thời gian sẽ đóng vảy, khô và bong ra.
Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài nốt cho đến vài nghìn nốt. Những nốt này có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.
Các triệu chứng của bệnh thường kéo dài từ 2 đến 3 tuần và thường tự biến mất hoặc khi được chăm sóc hỗ trợ, chẳng hạn như sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc hạ sốt. Bệnh đậu mùa khỉ có thể gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc nặng.
Những người có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc biến chứng cao hơn bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và những người bị suy giảm miễn dịch.
Do đó, khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ hoặc trong trường hợp có tiếp xúc với người bị bệnh đậu mùa khỉ, hãy liên hệ hoặc đến cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh đậu mùa khỉ lây nhiễm qua nhiều con đường như:
- Tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ sang thương da, lớp mài trên da, hay dịch tiết cơ thể. Vậy nên, giai đoạn ban chuyển thành mụn mủ và vỡ ra là giai đoạn dễ lây lan nhất.
- Dịch tiết đường hô hấp, nhưng không phải từ giọt bắn vì thường bệnh nhân bị đậu mùa khỉ không ho, mà phải do tiếp xúc gần mặt với mặt, ôm hôn…
- Chạm vào các vật dụng, quần áo đã từng tiếp xúc với dịch tiết từ vết thương trên da hay dịch tiết cơ thể.
- Lây từ mẹ sang bào thai qua nhau thai.
- Ngoài ra có thể còn bị lây từ động vật nhiễm bệnh qua vết cắn, cào xước, hay ăn thịt động vật nhiễm bệnh.
- Người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan cho người khác từ lúc triệu chứng bắt đầu cho đến khi các vết thương trên da lành hoàn toàn, thường từ 2 - 4 tuần.
Để phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, cần thực hiện những biện pháp sau: