Cha mẹ cần cho con được tự do khám phá và trải nghiệm nhưng cần lưu ý những nguyên tắc sau để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Trẻ con không thể tránh khỏi những vết bầm và xước sẹo, tuy nhiên có những thương tích nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến trẻ cả đời.
Để bảo vệ trẻ khỏi những tổn thương không đáng có, cha mẹ cần lưu ý những quy tắc đơn giản sau.
1. Khi cho trẻ ngủ
- Nên để trẻ nằm ngửa. Theo một báo cáo ở các nước Tây Âu, tư thế nằm ngửa khi ngủ có thể giảm đến 300% tỉ lệ tử ở trẻ sơ sinh.
- Chăn đệm có thể khiến trẻ bị ngạt thở. Thay vào đó, hãy cho con nằm đệm cứng và đắp chăn vải mỏng.
- Khoảng cách giữa các thanh cũi của trẻ cần nhét vừa một lon Coca, như vậy trẻ sẽ không bị mắc kẹt.
- Không treo dây đồ chơi, không cho trẻ choàng khăn, đội mũ có dây buộc, đeo yếm hoặc núm vú giả khi đang ngủ.
2. Đề phòng trẻ ngã
- Lắp đặt cửa an toàn trong nhà: đầu và cuối mỗi cầu thang đều phải có.
- Luôn thắt dây an toàn cho trẻ khi trẻ dùng địu hoặc ngồi ghế trẻ con. Đặt trẻ ở dưới đất rồi mới đeo địu cho trẻ, không để trẻ ngồi trên bàn ghế.
- Nếu con đi xe tập đi trong nhà, cần để ý để trẻ tránh xa cầu thang và dây điện.
- Kê gọn bàn ghế và bịt các đầu nhọn.
3. Đề phòng trẻ bị ngạt
- Đồ chơi của con không được có các mẩu nhỏ - trẻ sẽ dễ nuốt phải.
- Trẻ dưới 5 tuổi không được ăn những thức ăn cứng, dạng tròn như xúc xích, các loại hạt, kẹo cứng, nho hoặc ngô.
- Để các loại dây điện tránh xa tầm tay của trẻ.
- Để ý các ngóc ngách và sàn nhà – bạn sẽ tìm thấy những thứ trẻ có thể bỏ vào miệng.
- Theo học các khóa hô hấp nhân tạo và hồi sức cấp cứu nếu cần.
4. Đề phòng hỏa hoạn
- Để diêm và bật lửa tránh xa tầm tay trẻ em.
- Không vừa bế con vừa nấu ăn. Hãy cẩn thận với bàn là và máy sấy tóc – rút điện ra sau khi sử dụng và để vào một nơi an toàn.
- Để đồ ăn nóng tránh xa tầm với của trẻ. Quay tay cầm của chảo vào trong.
- Đừng cho con đứng gần bếp đang nóng và lắp rào chắn xung quanh bếp nếu có thể.
- Hãy lắp đặt chuông báo cháy ở nhà, điều này sẽ làm giảm một nửa nguy cơ tử vong.
5. Đề phòng ngộ độc thực phẩm
- Nếu bạn nghi ngờ con đã nuốt phải một thứ độc hại, đừng cố bắt con nôn ra hoặc rửa ruột mà chưa tham khảo ý kiến bác sỹ.
- Hơn một nửa các ca ngộ độc ở trẻ là do uống nhầm thuốc. Cha mẹ cần để tất cả các loại thuốc (kể cả vitamin) tránh xa tầm tay của trẻ. Đừng gọi thuốc là ‘kẹo’, như vậy trẻ sẽ càng tò mò thích thú và muốn thử.
- Hãy khóa cửa phòng kho hoặc tủ nơi bạn để nước tẩy rửa hoặc thuốc men.
- Hãy để những thiết bị điện tử nhỏ có chứa pin lithium ở xa tầm tay trẻ. Những thứ này bao gồm đồng hồ báo thức, chìa khóa xe ô tô, điều khiển từ xa, bút la-de, đèn pin, v.v.
- Lưu vào danh bạ của bạn số điện thoại của một bác sỹ hoặc cơ sở y tế gần nhất trong trường hợp con bị ngộ độc hoặc gặp các tình huống nguy hiểm khác.
6. Đề phòng các hiểm họa từ nước
- Khi cho trẻ tắm xong, ngay lập tức đổ hết nước trong bồn đi. Nắp bồn cầu, cửa phòng tắm và phòng giặt (nếu có) phải luôn đóng.
- Nếu trong vườn có để xô, chậu hoặc bồn nước thì cần rào lại đề phòng trường hợp trẻ ngã vào.
- Hơn một nửa các bậc cha mẹ tin rằng nếu con biết bơi thì không cần trông chừng khi con ở dưới nước. Thực tế, 47% trẻ em chết đuối ở Mỹ trong độ tuổi từ 10 -17 tuổi đều biết bơi.
- Đừng bị phân tán bởi việc đọc sách hay nói chuyện điện thoại, v.v. và rời mắt khỏi con vì các tai nạn đuối nước diễn ra rất nhanh - không quá 1 phút và nạn nhân rất khó kêu cứu.
7. Khi trẻ ngồi
Dáng ngồi chữ W là một trong những kiểu ngồi thường thấy ở trẻ vì các em thấy thoải mái với tư thế này. Tuy nhiên, tư thế này có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.
Trẻ có thể bị biến dạng chân, không thể kiểm soát tư thế và ảnh hưởng khả năng vận động.
Vì thế, bố mẹ cần chú ý quan sát, nhắc nhở con ngay khi trẻ bắt đầu ngồi như vậy, đồng thời khuyến khích con ngồi duỗi chân hoặc khoanh chân về một bên.
8. Khi cho trẻ đi ô tô
- Chỉ cho trẻ ngồi ghế ô tô người lớn nếu trẻ cao trên 140 cm và nặng ít nhất 32 kg. Nếu trẻ không ngồi vừa ghế ô tô của trẻ con nhưng chưa thể ngồi ghế người lớn, bạn cần sử dụng một loại ghế phụ đặc biệt, không có lưng tựa.
- Ghế cho trẻ dưới 2 tuổi không được xê dịch quá 2 – 3 cm khi xe chuyển động. Trước khi bạn nổ máy, hãy thử cấu mạnh vào dây an toàn. Nếu bạn thấy có nếp gấp thì nghĩa là dây chưa đủ chặt, cần phải thắt lại.
- Nếu trẻ ngồi ghế người lớn, hãy cài dây an toàn cho con như bình thường. Tuy nhiên, cần lưu ý phần trên của dây đi qua ngực và vai trẻ nhưng không được thít vào cổ, phần dưới thắt qua eo chứ không bó chặt vào bụng.
- Tránh để gần trẻ các loại đồ ăn nóng, những món quà to hoặc bất cứ thứ gì có thể xê dịch khi bạn phanh gấp.
9. Khi trẻ đi xe đạp
- Nếu bạn mua xe đạp hoặc giày trượt patin cho trẻ, đừng quên trang bị mũ bảo hiểm cho bé để tránh xảy ra chấn thương não.
- Hãy mặc cho trẻ quần áo sáng màu, có phản quang thì càng tốt. Trước và sau xe đạp cần có đèn.
- Trước khi cho con đạp xe, hãy kiểm tra xem đèn có sáng không, phanh và phụ tùng hoạt động có tốt không, bánh có vấn đề gì không.
- Khi dạy con đạp xe, hãy dặn con cách quan sát và ra dấu hiệu bằng tay.