8 học sinh Hoà Bình đuối nước: Bài học dành cho ai?

Nhiều trường hợp trẻ em bị rơi xuống sông, ao, hồ, giếng hay bể nước chỉ vì sự thiếu quan sát của cha mẹ, người giữ trẻ trong khoảng thời gian ngắn do bận làm việc khác.

TS Phạm Anh Tuấn hướng dẫn cho các bạn trẻ bơi

Mới đây, ngày 21/3/2019, trên sông Đà, tại khúc cua chảy qua phường Thịnh Lang, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm, làm 8 em học sinh tuổi từ 9 tới 14 thiệt mạng.

Đau thương hơn là 8 em này lại sống cùng dãy phố Hoàng Văn Thụ thuộc phường Hữu Nghị, sát ngay phường Thịnh Lang và cách khúc cua này khoảng 1km,

Để những vụ việc đau lòng kiểu này không lặp lại, thử phân tích tai nạn này như một “case - study” để có thể bảo vệ trẻ em khỏi đuối nước tốt hơn trong tương lai

Về sự sao nhãng, bất cẩn vô ý của người lớn:

Theo Quỹ Trẻ em Việt Nam, một trong những nguyên nhân chính gây đuối nước ở trẻ em là thiếu sự giám sát của người lớn.

Nhiều trường hợp trẻ em bị rơi xuống sông, ao, hồ, giếng hay bể nước chỉ vì sự thiếu quan sát của cha mẹ, người giữ trẻ trong khoảng thời gian ngắn do bận làm việc khác.

Vậy trẻ em ở Thịnh Lang, Hòa Bình hay trẻ em ở những nơi khác cần được người lớn (gia đình, nhà trường và xã hội) giám sát thế nào để những vụ đuối nước thương tâm như vừa qua không lặp lại?     

Xem thêm

Về môi trường sống xung quanh trẻ em không an toàn

Đó là ao quanh nhà không có rào chắn, hố nước sâu sau khi đào lấy đất và hố ở các công trình xây dựng không che chắn, nắp đậy...

Nhiều vùng ao, hồ, sông, suối nguy hiểm chưa có rào chắn, chưa có biển cảnh báo, biển cấm, chưa có bảo vệ. Có những nơi như vậy xa khu dân cư, ít người dân qua lại, khi trẻ bị nguy hiểm thì không có sự trợ giúp kịp thời.

Khu dân cư phường Thịnh Lang được vòng đỏ

Có thể nói, phường Thịnh Lang (xem hình) có môi trường sông nước không an toàn cho trẻ em và người lớn. Hầu như toàn bộ 2 phía của phường bị khúc cua sông Đà bao quanh.

Mặt sông ở đây rộng tới vài trăm mét, nước chảy không xiết, song lòng sông phía gần khu dân cư có hố lòng chảo khá rộng nằm sâu bên dưới do người dân trước kia khai thác cát nên thường tạo ra xoáy nước rất nguy hiểm. Năm nào cũng có người bị đuối nước ở đây.

Môi trường kiểu này rất khó làm cho an toàn hơn theo cách cơ học vì lấp, nắn dòng chảy hay thu hẹp con sông là việc bất khả thi. Sông Đà cũng không phải hố nước, ao, chuôm, chum, vại, xô chậu be bé thuộc khuôn viên gia đình để có thể che chắn rào dậu, đậy lại hoặc làm dọn đi.

Biện pháp duy nhất là cắm, duy trì biển cảnh báo và nhắc nhở người dân, trẻ nhỏ về nguy cơ đuối nước. Tiếc là biển cảnh báo bằng kim loại đã bị lấy mất, biển cảnh báo cố định thì bị nước lũ cuốn trôi năm 2018, cơ quan quản lý chưa dựng lại... Chuyện không có hoặc mất biển cảnh báo ở nơi sông nước nguy hiểm như ở đây cũng xảy ra ở nhiều nơi khác.

Xem thêm

Để giảm bớt tác động của 2 nguyên nhân chủ quan nêu trên, xét cho Thịnh Lang nói riêng và cho cả nước nói chung, mấy nội dung sau cần được quan tâm:

  • Người lớn (gia đình, nhà trường và xã hội) cần giám sát trẻ em thế nào?
  • Cần làm sao để cán bộ quản lý bảo vệ trẻ em không sao nhãng, bất cẩn?
  • Làm sao nâng cao được nhận thức người dân trong phòng chống đuối nước?
  • Làm thế nào để người dân không lấy hay phá hỏng biển cảnh báo?
  • Làm thế nào để cơ quan quản lý biết biển cảnh báo còn hay mất?
  • Liệu chỉ với biển cảnh báo thì có ngăn được trẻ không tắm ở đây nữa? Đến như khách du lịch nước ngoài, được coi là rất kỷ luật mà ở nhiều bãi biển họ vẫn hồn nhiên ngụp lặn ngay tại những chỗ cắm biển cấm bơi. Chuyện dân ta coi thường tính mạng bản thân và tính mạng của người khác trong các vụ tai nạn giao thông, hỏa hoạn, điện giật, đuối nước đâu phải chuyện lạ.

Việc này sẽ giải quyết được ngay nếu người dân không phải là “người thụ hưởng”, thụ động thực hiện những gì từ trên đưa xuống mà được chủ động đóng góp, phản biện các chương trình, chính sách bảo vệ trẻ em; được tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện các chương trình, chính sách này.

Như thế, nhận thức của người dân về phòng chống đuối nước sẽ được nâng lên, biển cảnh báo sẽ không bị lấy đi và nếu nó bị lũ cuốn trôi hay đâu đó xuất hiện mối nguy hiểm cho con trẻ thì người dân sẽ báo cho chính quyền biết ngay.

Đồng hành cùng người dân thì các cán bộ quản lý đâu thể sao nhãng công việc của mình. Chính người dân sẽ thường xuyên nhắc nhở con em mình về nguy cơ đuối nước và chính họ sẽ giúp mạng lưới quản lý nhà nước ở địa phương lập ra kế hoạch phòng chống cụ thể thích hợp cho địa phương của mình.

Kế hoạch phòng chống đuối nước ở Thịnh Lang Hòa Bình sẽ phải khác kế hoạch phòng chống đuối nước ở Song Khê Bắc Giang hay ở Chi Đông Hà Nội. Người xưa nói quả không sai: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.  

Xem thêm

Về việc trẻ không biết bơi: Trong vụ đuối nước ở Hòa Bình mới đây, cả 9 em xuống nước đều biết bơi nhưng chỉ có 1 em ở gần bờ là thoát còn 8 em kia bị nước cuốn đi.

Riêng 1 em không biết bơi, ngồi trông quần áo trên bờ là thoát nạn. Rõ ràng là biết bơi không đảm bảo an toàn đuối nước 100%, nhiều khi lại còn nguy  hiểm hơn là không biết bơi.

Các bạn trẻ học thở trên cạn trước khi xuống nước

Tuy nhiên, việc học bơi là cần thiết vì, bơi ngoài việc giúp các em an toàn đuối nước hơn, nó còn là hoạt động vui chơi, giải trí, giúp phát triển thể chất, giúp các em có thể lo toan cùng gia đình trong công việc sông nước, đồng áng. Thật lý tưởng nếu học sinh vừa biết phòng chống đuối nước vừa biết bơi.

Trong tình hiện nay, hệ thống quản lý Nhà nước nên chú trọng vào việc phổ cập kiến thức phòng chống đuối nước vì việc phổ cập bơi lội cho trẻ em toàn quốc là chưa khả thi.

Về việc trẻ thiếu kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước…:

Đó là các kiến thức, kỹ năng giúp bơi an toàn, biết ứng xử khi hụt chân, rơi vào vùng nước xoáy, phễu nước, bị chuột rút, bị dòng cuốn ra xa bờ, cách cứu người đang đuối nước, cách sơ cấp cứu nạn nhân bị đuối nước… Kiến thức này không chỉ cần cho trẻ em mà cả người lớn.

Rõ ràng là 9 em học sinh ở Hòa Bình biết bơi nhưng không có những kiến thức nói trên nên đã gặp nạn. Nếu được học, các em sẽ không tắm ở những nơi có dòng xoáy nguy hiểm; không nhảy xuống nước ngay sau khi đá bóng vì dễ bị cảm, dễ bị chuột rút; không chống lại dòng xoáy mà sẽ bơi nương theo dòng xoáy để từ từ thoát ra.

Cách phòng tránh xoáy nước, phễu nước:  Khi gặp xoáy nước, không được bơi chống lại dòng xoáy, theo chiều mũi tên A, mà phải bơi nương theo nó, theo chiều mũi tên B, xa dần tâm xoáy để thoát ra. Đường A tuy là đường ngắn nhất, nhưng dễ gây kiệt sức nhất và khó thoát khỏi tâm xoáy nhất.

Ở sông cũng có thể hình thành phễu nước rút do dưới đáy sông có lỗ thông qua một dòng chảy khác, khu vực này sẽ tạo thành một vùng xoáy có lực hút rất mạnh mọi  vật trên mặt nước xuống dưới đáy sông. Đây là một phễu rút nước cực kỳ nguy hiểm.

Nếu bị rơi vào đây ta phải thật bình tĩnh. Tiếp đó là hít một hơi dài và lặn hẳn xuống sâu rồi bơi cật lực để thoát ra khỏi chỗ xoáy nước. 

Phễu hút nước tuy nguy hiểm nhưng càng xuống sâu tâm xoáy càng nhỏ lại, vùng nguy hiểm sẽ hẹp dần, việc thoát ra sẽ dễ dàng hơn khi còn ở bên trên, nơi đường kính tâm xoáy rất lớn.

Tuy nhiên, có nhiều người bơi giỏi đã thiệt mạng vì gặp phải những tình huống như thế này huống chi các em tuổi nhỏ sức yếu. Cách phòng chống tốt nhất là nhận biết nguy hiểm để tránh đi.

Nhưng trẻ sẽ học các kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước ở đâu? Tốt nhất trong hệ thống giáo dục, có thể bắt đầu với các lớp mẫu giáo lớn hay lớp 1. Việc này dễ thực hiện, không tốn kém, khó khăn như học bơi.

Thay cho lời kết, nếu những khuyến nghị nêu trên được thực hiện, trẻ Việt Nam sẽ không còn bị đuối nước trong một tương lai không xa.

Năm 2017, cuốn Bơi tự cứu Dịch cân kinh của E-Bơi được Cty Sputnik phối hợp với Nhà xuất bản Thế giới phát hành. Cuốn sách giúp người đọc vừa tự học thêm một kiểu bơi sinh tồn rất hữu ích trong phòng chống đuối nước vừa biết thêm một cách vượt qua trở ngại cho mục tiêu của mình. "Để Việt Nam không còn trẻ bị đuối nước" là mục tiêu của E-Bơi.

TS Phạm Anh Tuấn

Trưởng dự án “Phòng chống tai nạn sông nước cho học sinh với E-Bơi


Tin liên quan