Khen con không đúng lúc, đúng mực và đúng đối tượng thì cũng gây hại không kém gì những lời trách móc, chỉ trích, không hề có tác dụng khích lệ trẻ như những gì cha mẹ mong đợi.
Lời khen đối với người lớn hay trẻ con đều có ý nghĩa quan trọng. Nhờ có lời khen, chúng ta sẽ cảm thấy vui vẻ, hào hứng và thấy rằng công sức của mình bỏ ra đã được ghi nhận.
Tuy nhiên, không phải lời khen nào cũng có thể phát huy tác dụng của nó nếu chúng ta không biết cách khen đúng lúc, đúng mực.
Những lời khen cũng cần phải có nguyên tắc, nếu không, chúng có thể phản tác dụng và khiến trẻ tổn thương.
Bà Elizabeth Hartley Brewer, chuyên gia về phương pháp làm cha mẹ và sự phát triển của trẻ nhỏ đến từ Anh cho biết:
'Những lời khen ngợi, khuyến khích của cha mẹ sẽ làm cho trẻ cảm thấy hào hứng và tự tin hơn về bản thân mình. Tuy nhiên đôi khi những lời khen đó lại vô tình khiến bé cảm thấy không thoải mái, bị gò bó và áp lực đè nặng mà cha mẹ không hề hay biết.'
Cha mẹ nên tránh những cách khen con quen thuộc nhưng không hề có tác dụng khích lệ tinh thần của trẻ, thậm chí còn khiến trẻ không muốn nghe.
Những lời tán dương, lời khen khi được nói ra một cách quá dễ dàng sẽ không còn giá trị.
Với một việc làm vừa tầm mà trẻ đã có thể nhận được lời khen, điều đó khiến trẻ có xu hướng trở thành người chỉ ưa nói ngọt, khó nhận ra khuyết điểm của mình.
Khi lời khen trở nên dễ dàng đạt được, trẻ sẽ thiếu tinh thần phấn đấu vì cho rằng mình không cần cố gắng quá nhiều vẫn được người khác công nhận và khen ngợi.
Theo chuyên gia Elizabeth: 'Cha mẹ chỉ nên dành cho con những lời khen khích lệ phù hợp với những gì con đã làm. Việc đưa ra lời khen quá mức đến một lúc nào đó sẽ phản tác dụng, làm cho bé nghi ngờ và không còn tin vào sự khuyến khích đó nữa.'
Khi trẻ đạt được một thành tích nào đó, cha mẹ thường khen ngợi để con vui và cố gắng hơn nữa. Nhưng đôi khi, những lời khen đó còn ẩn chứa những mục tiêu mới mà bố mẹ muốn trẻ đạt được.
Bà Elizabeth cho hay: 'Cha mẹ có xu hướng đặt ra đích mới cho con khi vừa mới khen con ở đích này. Cha mẹ đã truyền đi một thông điệp cho con rằng những gì con đạt được là không đủ.'
Thay vì tạo thêm áp lực mới cho trẻ, điều quan trọng cha mẹ cần làm là khiến con cảm nhận được lời khen của cha mẹ là chân thành và kết quả của con được cha mẹ ghi nhận.
Đừng trông đợi vào trẻ quá nhiều và khiến trẻ có thêm những áp lực không đáng có.
Khi con đạt kết quả học tập tốt với những điểm số cao, rất nhiều cha mẹ khen ngợi con không hết lời.
Nhưng điểm số và kết quả học tập không nên là lý do duy nhất để cha mẹ khen ngợi trẻ. Con bạn còn có rất nhiều điểm mạnh khác cần được khích lệ như cách cư xử, hành động tốt đẹp của trẻ, hoặc năng khiếu của trẻ...
Ngoài kết quả học tập, thì thái độ ứng xử và những phương diện khác trong cuộc sống của trẻ cũng rất đáng được khen ngợi.
Theo lời bà Elizabeth: 'Cha mẹ đôi khi thể hiện quyền sở hữu với thành tích của con. Ví dụ: Mẹ đã nói rồi, con sẽ tiếp thu bài tốt hơn nếu con làm luôn bài tập về nhà sau khi tan trường.'
Lời khen như vậy sẽ khiến trẻ hiểu rằng, thành tích trẻ đạt được là do cha mẹ nói và bảo trẻ làm theo, chứ không phải xuất phát từ thực lực của trẻ.
'Lời khen của cha mẹ nên chân thành, làm cho con cảm thấy tự tin vào bản thân và có quyết định đúng đắn thay vì 'chiếm dụng' như vậy.'
Trong một cuộc phỏng vấn thăm dò ý kiến để viết sách, bà Elizabeth đã hỏi rất nhiều em bé về cảm giác khi được bố mẹ khoe thành tích của mình với tất cả mọi người.
Đa phần các bé đều có cảm giác như cha mẹ đang 'đánh cắp' thành tích của chính con mình, khiến cho bé băn khoăn không biết ai mới thực sự là người thành công.
Thay vì nói với mọi người hoặc trước khi nói với ai, cha mẹ hãy hỏi con xem liệu con có muốn và đồng ý nếu cha mẹ nói với các bạn hay ông bà của con hay không.
Dù trẻ muốn hay không muốn thì ít nhất bé vẫn cảm thấy thoải mái vì được bố mẹ tôn trọng.
Ngoài việc sử dụng lời nói thì còn có rất nhiều cách khác để khen ngợi trẻ.
Chính vì vậy, cha mẹ có thể khen con bằng cách mỉm cười, ôm con, tặng con một phần quà nhỏ bất ngờ.
Đó chính là những kiểu khích lệ mà bất cứ đứa trẻ nào cũng sẽ thích thú, trẻ cảm thấy được đánh giá cao, được bố mẹ ghi nhận và yêu mến.
Với những lời khen thế này, cha mẹ chỉ tập trung ca ngợi thành quả cuối cùng của con mà vô tình quên mất cả quá trình nỗ lực, tiến bộ của trẻ.
Thay vào đó, hãy khen con: 'Mẹ hy vọng con cảm thấy tự hào về kết quả đã đạt được. Con đã rất cố gắng'. Lời khen này sẽ hướng đến chính bản thân trẻ và những nỗ lục của trẻ. Điều đó khiến trẻ tự hào và tự tin vào bản thân.
Cha mẹ đôi khi cảm thấy không hài lòng tuyệt đối với những gì con đã làm, mặc dù khen ngợi con nhưng lại tỏ ra hài hước không đúng lúc, đúng chỗ, thậm chí có một chút châm biếm. Điều này cực kì không tốt và có thể ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ.
Khi khen trẻ, hãy dành cho trẻ sự nghiêm túc và 'trang nghiêm' nhất định để trẻ hiểu được sự chân thành trong những lời khen và không cảm thấy thành tích của mình bị đem ra trêu đùa.