Trong thời đại ngày nay, cha mẹ rất dễ bị loạn thông tin vì quá nhiều lời khuyên nuôi dạy con ngập tràn qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Một bà mẹ đồng thời là blogger trên trang Romper.com cho rằng, cha mẹ không nên nghe theo mọi lời khuyên mà hãy làm theo cách của chính mình.
Đơn giản một thao tác mở trình duyệt Internet, gõ câu hỏi, hàng triệu quan điểm nuôi dạy con khác nhau sẽ ngập tràn màn hình máy tính của bạn.
Đấy là chưa kể đến bạn bè, gia đình, đôi khi là những người xa lạ cũng sẽ cho bạn những lời khuyên, các loại mẹo, kinh nghiệm đến những giai thoại nuôi dạy con của họ.
Đấy là lý do vì sao, theo tôi, bạn nên bỏ qua những lời khuyên ấy và làm theo cách của chính mình.
Khi tôi mới làm mẹ, chẳng ai tôi quen cũng đang làm mẹ cả. Bạn bè của tôi hoặc là độc thân, hoặc là mới kết hôn, vậy nên tôi đã làm mọi việc một mình.
Tôi đã khủng hoảng, không biết phải làm gì, mọi thứ phải dựa vào bản thân.
Tôi cũng học. Rất nhiều.
Một trong những công việc hàng ngày của tôi là lựa xem phương pháp nuôi dạy nào là hiệu quả và không hiệu quả với đứa con của mình, vì tôi không biết cái nào tốt hơn cái nào.
Trong suy nghĩ của một người mới lên chức mẹ như tôi, nuôi dạy trẻ nhỏ thì đều như nhau.
Ý tôi là, trẻ nhỏ thì có gì khác nhau đâu cơ chứ?
Vậy nên tôi đã nghe theo bất kỳ ai và bất cứ ai, áp dụng những lời khuyên của họ, và nuôi dạy con theo cách mà tôi không hề nhận thức được là có thể có hại cho con của mình.
Chúng ta luôn không ngừng sống và học hỏi. Tôi cũng vậy.
Và cuối cùng tôi đã học được một điều rằng mỗi đứa trẻ đều khác nhau hoàn toàn, và phương pháp hiệu quả với đứa trẻ này có thể không hề hiệu quả nếu áp dụng cho đứa trẻ khác.
Tôi đã học được rằng mỗi đứa trẻ cần được nuôi dạy dựa trên đặc điểm tính cách của riêng chúng, chứ không phải dựa trên một lời khuyên được các bà các mẹ lưu truyền rằng trẻ con thì 'phải' nuôi theo cách này.
Và tôi đã học được bài học quan trọng nhất trên tất cả đó là: bỏ qua những lời khuyên.
Mọi bà mẹ đều tin rằng con của mình là đặc biệt. Tuy từ 'đặc biệt' có thể mang nhiều sắc thái ý nghĩa khác nhau, nhưng theo nghĩa thực nhất, thì mọi bà mẹ đều đúng.
Mỗi đứa trẻ đều đặc biệt và duy nhất, có tính khí và tính cách khác nhau. Cách nuôi dạy hiệu quả với đứa trẻ này có thể không tác dụng với đứa trẻ khác.
Chỉ nói tới anh chị em trong nhà thôi, cũng chẳng đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào rồi.
Bạn có bao giờ nghe những ông bố bà mẹ của các cặp sinh đôi bảo chúng 'khác một trời một vực' chưa?
Vậy nên, mặc dù một số lời khuyên nuôi dạy con cái có thể hữu ích với một số trường hợp, nhưng hầu hết lại vô tác dụng trong những trường hợp khác.
Cha mẹ - cũng như con cái - đều khác nhau, với những niềm tin và tín ngưỡng khác nhau.
Điều mà người mẹ này cho là đúng với con mình có thể hoàn toàn sai hoặc không hiệu quả với bà mẹ khác.
Mỗi cha mẹ cũng nhìn nhận con cái theo cách khác nhau.
Có người thì tự tin và hiểu điều mà bản thân cần, có người thì không rõ phải làm gì và bấu víu vào những lời khuyên có thể gây hại, bởi họ không nắm chắc quy trình và cách áp dụng.
Tôi thường nghe các mẹ than thở kiểu như: 'Tôi đã thử phương pháp đó rồi nhưng không hiệu quả'.
Khi đó, tôi sẽ không nói với họ rằng: 'Hay là chị thử lại lần nữa xem sao?'
Bản thân phương pháp không quan trọng bằng cách chúng ta áp dụng. Mỗi người sẽ hiểu những gì họ nghe được theo cách khác nhau dựa trên khuynh hướng của riêng họ, và điều chỉnh những lời khuyên đó cho phù hợp với nhu cầu và tính cách của mình.
Ví dụ như phương pháp Cry It Out (Để mặc cho trẻ khóc) phụ thuộc rất nhiều vào cách hiểu và nhận thức của người áp dụng.
Có người thì chỉ xem Cry It Out là một trò để thử vài ngày rồi từ bỏ, nhưng có người lại quyết tâm áp dụng nhiều tháng trời.
Trong khi có những gia đình đủ điều kiện để không phải gửi con đi nhà trẻ mà thuê bảo mẫu, nhiều nhà lại không được như vậy.
Rồi lại có những gia đình đủ điều kiện để gửi con đi nhà trẻ, nhiều nhà lại không đủ tiền để gửi con đi nhà trẻ.
Và bởi vì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không có một lời khuyên nào phù hợp cho tất cả mọi gia đình.
Ví dụ, ta không thể khuyên mọi bà mẹ cho con bú sữa mẹ đến 2 tuổi, vì có những người phụ nữ phải đối mặt với áp lực tài chính, áp lực công việc, thời gian nghỉ thai sản ngắn.
Ngày nay, có nhiều người bình thường, chẳng phải chuyên gia y tế, tự cho rằng mình đủ 'biết tuốt' để đưa ra những lời khuyên cho người lạ.
Chuyện họ 'đã tìm hiểu' hay 'đọc tài liệu' cũng không đủ để biến họ thành một bác sĩ nhi khoa hay khoa học gia.
Chẳng ai có thể có được tấm bằng ngành y từ một trường đại học danh tiếng bằng việc 'tự nghiên cứu' cả.
Đáng buồn là ngày nay, trên mạng tràn ngập lời khuyên từ những 'chuyên gia tự phong' như vậy, và luôn cho những lời khuyên như thể đó là công việc của mình.
Những phương pháp hiệu quả từ thập niên 80 có thể không còn hữu dụng ở năm 2017 nữa. Xã hội đang ngày một phát triển, khoa học kỹ thuật không ngừng tiến bộ, vậy nên có nhiều lời khuyên nuôi dạy con đáng học hỏi hơn là những kinh nghiệm dân gian cũ kỹ.
Vậy nên nếu bà ngoại nói bạn không cần cho đứa con 2 tuổi của bạn ngồi ghế trẻ em trên ô tô, vì ngày xưa có ai dùng cái đấy đâu, thì bạn phải hiểu là đừng nghe theo lời khuyên đó.
Hầu hết mọi cha mẹ đều chỉ tùy cơ ứng biến với cuộc cuộc nuôi dạy con cái, và mỗi người lại có thể tìm được những nghiên cứu ủng hộ lựa chọn của mình.
Chỉ có một điều luôn đúng khi nuôi dạy con đó là: nếu bạn luôn cố gắng hết mình và luôn lo sợ thất bại, thì có lẽ bạn đang cố gắng làm tất cả những điều mà con cần.
Theo Dina Leygerman