Trong tháng 6/2022, có nhiều chính sách mới ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân sẽ bắt đầu có hiệu lực. Người dân cần lưu ý để không ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới có quyết định về việc ban hành dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe thuộc lĩnh vực thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội từ ngày 15/6.
Những trường hợp được hưởng chế độ ốm đau bao gồm: Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động, hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền. Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định ở trên.
Bảo hiểm xã hội sẽ không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy; người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hàng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Chế độ thai sản được áp dụng với các trường hợp gồm: Lao động nữ mang thai; lao động nữ sinh con; lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; lao động nữ đặt vòng tránh thai, thực hiện biện pháp triệt sản; lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Điều kiện để được hưởng chế độ thai sản là người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Đối với hưởng trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, áp dụng với người lao động đã nghỉ hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định, kể cả người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi.
Quy định cũng áp dụng cho lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi; người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động, hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp bị suy giảm khả năng lao động từ 15% trở lên, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi.
Để được nhận chế độ ốm đau, người lao động nộp hồ sơ trực tiếp cho đơn vị sử dụng lao động. Đơn vị sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội bằng một trong các hình thức sau: Qua giao dịch điện tử; qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội. Thời hạn giải quyết tối đa 6 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Ngày 26/4/2022, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-BYT sửa đổi quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế.
Thông tư mới này đã bỏ đồng loạt điều kiện về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế bao gồm:
- Viên chức là bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, y sĩ làm việc trong các cơ sở y tế công lập.
- Viên chức y tế công cộng làm việc trong các cơ sở y tế công lập.
- Viên chức điều dưỡng, viên chức hộ sinh, viên chức kỹ thuật y làm việc trong các cơ sở y tế công lập. - Viên chức dược làm việc trong các cơ sở y tế công lập.
- Viên chức dinh dưỡng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Viên chức dân số làm việc trong các đơn vị sự nghiệp dân số, y tế công lập.
Theo đó, Thông tư 03 chỉ yêu cầu các viên chức chuyên ngành y tế có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm. Thông tư 03/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 10/6/2022.
Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in hoặc đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày 19/10/2020 thì vẫn được tiếp tục sử dụng hóa đơn đó đến hết ngày 30/6/2022.
Thay vì sử dụng hóa đơn giấy, từ ngày 1/7/2022, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử. Hiện nay, 63 tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai áp dụng hóa đơn điện tử.
Tại Thông tư số 3/2022/TT-BNV về danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ ở địa phương, có 8 vị trí công tác phải đổi định kỳ gồm:
- Thâm định nhân sự để trình bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
- Tổ chức tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.
- Thẩm định hồ sơ trình phê duyệt về tổ chức bộ máy, biên chế.
- Thẩm định đề án thành lập mới, sắp xếp lại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước, hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ…
- Thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính các cấp ở địa phương.
- Thẩm định hồ sơ để trình quyết định hình thức thi đua, khen thưởng, kỷ luật.
- Phân bổ chỉ tiêu, ngân sách đào tạo.
- Quản lý, thực hiện chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan Nhà nước.
Trong đó, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 03 - 05 năm với các công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc nêu trên.
Thông tư số 3 có hiệu lực từ ngày 1/6/2022.
Thông tư 06/2022/TT-BKHĐT (có hiệu lực từ ngày 25/6/2022) hướng dẫn Nghị định 80/2021/NĐ-CP có quy định, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo sẽ được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các hoạt động sau:
- Học viên của doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia đào tạo, huấn luyện chuyên sâu trong nước và nước ngoài được hỗ trợ bao gồm: Học phí, tài liệu, ăn, ở, đi lại (bao gồm vé máy bay).
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử sẽ được hỗ trợ:
+ Đối với sàn thương mại điện tử trong nước: Phí thanh toán, phí cố định và phí dịch vụ người bán phải trả cho sàn thương mại điện tử.
+ Đối với sàn thương mại điện tử quốc tế: Phí tài khoản người bán, phí giới thiệu, phí hoàn thiện đơn hàng, phí lưu kho, chi phí đăng ký mã vạch sản phẩm, chi phí thiết kế và chụp ảnh sản phẩm, chi phí quảng cáo trên sàn thương mại điện tử.
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các cuộc thi quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ phí, lệ phí tham gia cuộc thi; ăn, ở tại nước sở tại; đi lại (bao gồm vé máy bay); vận chuyển tài liệu, sản phẩm, trang thiết bị phục vụ tham gia cuộc thi.